Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn hồ đập trong mùa mưa lũ

Sau khi rà soát, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa trước thềm mùa mưa lũ năm 2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa cho rằng các hồ hiện nay vẫn đảm bảo tốt công năng sử dụng, tuy nhiên vẫn có những hồ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về đập, tràn xả lũ và cống lấy nước, nếu không được đầu tư, sửa chữa kịp thời.

Hồ chứa nước Suối Dầu (Khánh Hòa).

Toàn tỉnh Khánh Hòa có 28 đập, hồ chứa thủy lợi; 3 hồ thủy điện, trong đó có 16 hồ lớn, hồ chứa nước Đá Bàn thuộc xã Ninh Sơn, thị xã Ninh Hòa là hồ có sức chứa lớn nhất tỉnh với khả năng chứa được 75 triệu m3 nước. Tuy nhiên, sau hơn 33 năm (từ năm 1986) sử dụng, một số hạng mục của hồ đã xuống cấp, xuất hiện rò rỉ nước qua cửa van khá lớn (khoảng 1,38m3/s ở cao trình 48,4m). Theo cơ quan chuyên môn, điều này không chỉ gây thất thoát, lãng phí nước mà quan trọng hơn là không đảm bảo an toàn cho công trình trong điều tiết nước.

Hồ chứa nước Cam Ranh (xã Cam Tân, huyện Cam Lâm) có dung tích hơn 22 triệu m3 và cao trình khoảng 30m, sau gần 20 năm (từ năm 2000) đưa vào sử dụng, tràn xả lũ của hồ này được đánh giá là chưa đảm bảo an toàn trong điều kiện thời tiết bất thường như hiện nay. Đặc biệt, khi thời tiết mưa lớn bất thường xảy ra ngày một nhiều hơn, lượng nước đổ về hồ trong khoảng thời gian ngắn rất lớn, nhưng tràn xả lũ không phát huy hết tác dụng, gây khó khăn trong điều tiết lũ, gây nguy cơ mất an toàn đập và ngập lụt vùng hạ du. Nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình cũng như phục vụ tốt công năng của hồ, cơ quan chuyên môn đang đề xuất mở rộng tràn hoặc đầu tư bố trí thêm tràn sự cố.

Ngoài ra, hồ Đồng Bò (thành phố Nha Trang) vừa bị thấm nước nặng lại còn bị xói măng tiêu cho hậu quả của mưa lũ năm 2018. Các hồ Suối Hành bị hư hỏng dàn van nặng…

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa cho biết: Sở đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ khoảng 180 tỷ đồng để thực hiện nâng cấp hồ chứa nước Đá Bàn (100 tỷ đồng) và hồ chứa nước Cam Ranh (80 tỷ đồng).

Đối với các công trình đập, hồ chứa nước khác đang xuống cấp, hàng năm, tỉnh đều bố trí kinh phí khoảng 15 tỷ đồng để khắc phục, sửa chữa nhằm đảm bảo an toàn công trình và phục vụ tốt nhu cầu cấp nước sinh hoạt, công nghiệp, dịch vụ, sản xuất nông nghiệp. Năm 2019, từ nguồn kinh phí Trung ương, tỉnh cũng đã chi 18 tỷ đồng hỗ trợ khắc phục công trình hư hỏng do bão số 12 năm 2017 đối với 2 hồ chứa nước Đá Bàn và Tiên Du.

Riêng 8 hồ chứa nước gồm: Suối Trầu, Láng Nhớt, Đồng Bò, Đá Mài, Cây Sung, Suối Luồng, Suối Lớn và Bến Ghe, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục hồ sơ để triển khai thi công công trình theo Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8). Dự kiến, các hạng mục công trình sẽ được triển khai thực hiện vào năm 2020.

Lãnh đạo Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa cho biết: Hiện các đơn vị, tổ chức khai thác đập, hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã lập xong phương án ứng phó thiên tai năm 2019. Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa cũng có văn bản yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan phân công trách nhiệm cụ thể cho từng bộ phận, xây dựng phương án ứng phó với nhiều kịch bản sự cố và tổ chức kiểm tra, theo dõi sát các công trình nhằm kịp thời xử lý những hạng mục có thể gây mất an toàn trong mùa mưa lũ.

Tin, ảnh: Phan Sáu (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/xa-hoi/tiem-an-nguy-co-mat-an-toan-ho-dap-trong-mua-mua-lu-20190912205518639.htm