Tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc

Ngày 18-4, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức họp báo thông tin các hoạt động của Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) lần thứ hai. Năm nay chủ đề của Tháng hành động là 'Chủ động phòng ngừa, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp'.

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo, tại nơi làm việc luôn tồn tại nhiều yếu tố nguy hiểm, có hại đến sức khỏe, tính mạng của người lao động. Chẳng hạn như: Các vật văng bắn, các bộ phận truyền, chuyển động của máy, thiết bị, bị điện giật, bị bỏng, tiếng ồn, rung, hóa chất độc hại, vi sinh vật có hại… Các yếu tố này có thể tác động gây bệnh cho người lao động hoặc gây ra thương tích, tử vong cho người lao động nếu không có biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa hiệu quả.

Việc lựa chọn chủ đề phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các sự cố, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp xảy ra.

Phòng ngừa, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các sự cố, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp xảy ra.

Phòng ngừa, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các sự cố, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp xảy ra.

Hưởng ứng Tháng hành động, nhiều hoạt động thiết thực sẽ được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức về công tác ATVSLĐ. Trong đó, nổi bật là việc tăng cường các hoạt động thanh, kiểm tra về ATVSLĐ. Bộ LĐ-TB&XH sẽ tổ chức 6 đoàn thanh tra tại 97 DN và 1 số công trình xây dựng về ATVSLĐ. Cùng với đó, các Bộ, ngành như: Công thương, Quốc phòng, Công an, GTVT, Y tế, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cũng sẽ tăng cường tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra, tự kiểm tra tại một số DN, cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Về phía TP HCM – địa phương đăng cai Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2018, sẽ tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về công tác ATVSLĐ đối với 100 DN, ban chỉ đạo các quận, huyện trên địa bàn.

Trong những năm qua, việc tổ chức tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ- Phòng chống cháy nổ và Tháng hành động về ATVSLĐ lần thứ nhất cùng các hoạt động của Chương trình quốc gia về ATVSLĐ đã và đang góp phần kiềm chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp liên quan đến lao động. Người sử dụng lao động và người lao động cũng có ý thức hơn trong việc chấp hành pháp luật về ATVSLĐ.

Thanh Hải

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/tiem-an-nhieu-yeu-to-nguy-hiem-co-hai-tai-noi-lam-viec-114037.html