Tiêm filler làm đẹp nguy cơ mù mắt, nhồi máu não

Biến chứng tiêm filler gây mù mắt rất hiếm gặp nhưng khi gặp sẽ rất nặng thậm chí trên thế giới đã ghi nhận có bệnh nhân bị tắc động mạch mắt kèm theo nhồi máu não vì chất làm đầy

Ảnh minh họa.

Mới đây, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM đã tiếp nhận một bệnh nhân nữ (18 tuổi, ngụ TP.HCM) bị biến chứng đau nhức, sưng tím vùng da quanh trán, mắt phải mờ dần sau khi tiêm filler.

Các bác sĩ khoa Tạo hình thẩm mỹ đã hội chẩn với khoa Mắt của BV và chẩn đoán bệnh nhân bị tắc động mạch trung tâm võng mạc gây mù mắt phải. Hiện bệnh nhân được điều trị ở khoa Mắt BV Chợ Rẫy. Tuy nhiên, tình hình cải thiện thị lực mắt phải không khả quan.

Qua tìm hiểu, bệnh nhân được người chồng không học ngành y nhưng đi học tiêm filler ở một cơ sở thẩm mỹ tư nhân và mua filler với giá 1,2 triệu đồng về thực hành tiêm cho vợ vào trưa 16/11. Sau khi tiêm, bệnh nhân than đau nhức, mờ mắt phải.

Bác sĩ Hoàng Cương – Bệnh viện Mắt trung ương cho biết tiêm filler (chất làm đầy) làm đẹp không đơn giản như mọi người nghĩ. Những tai biến do làm đẹp, cụ thể là tiêm chất làm đầy đôi khi để lại những rắc rối về thẩm mỹ khiến chị em hoang mang, lo lắng hoặc để lại sẹo do nhiễm trùng.

Bác sĩ Cương cho biết chất làm đầy nếu tiêm vào mạch máu sẽ gây tắc mạch. Tiêm nhiều quá mức gây biến chứng chèn mạch. Những tai biến này nếu làm tổn thương tế bào, dù "sửa chữa" đến mấy di chứng vĩnh viễn không thể loại bỏ do tế bào bị tổn thương, gây sẹo cho bệnh nhân.

Bởi vậy tiêm filler phải là một bác sĩ được đào tạo về filler, là bác sĩ thẩm mỹ, bác sĩ da liễu được đào tạo về filler và được cấp chứng chỉ hành nghề thì mới được tiêm filler cho bệnh nhân.

Khi tiêm filler ở mắt, bác sĩ Cương nhấn mạnh: Hai loại chất liệu an toàn nhất là: acid hyaluronic và collagene, được nhiều chuyên gia tin tưởng. Phải luôn hút thử seringue trước khi tiêm phòng khi tiêm vào mạch máu, đây là điểm sống còn.

Khi tiêm có thể pha loãng, trộn với thuốc tê và thuốc co mạch để giảm đau, chống chảy máu. Hạn chế thể tích thuốc bơm vào cơ thể tối đa, bơm từ từ, không căng quá.

Biến chứng tại mắt từ gần ra xa, tức thời hay vĩnh viễn có thể kể ra là: Tụ máu sưng nề vùng quanh mắt, đau và dị cảm, dị ứng, đặc biệt nếu tiêm calcium hydroxyapatite.

Mụn mủ và bọc mủ, u hạt do nhiễm trùng, hoại tử chỗ tiêm . Các biến chứng này sảy ra tương ứng với mức sớm , tương đối muộn và quá muộn.

Các tai biến mạch máu: rất đáng sợ và khó lường. Nhìn mờ thoáng qua va nhìn thấy chất tiêm xuất hiện trong tiền phòng dạng Tyndal hoặc lắng lớp ở sau giác mạc và mặt trước thể thủy tinh. May thay không gây mù lòa, ít gặp và lành tính. Các viêm mạch máu và huyết khối hay xảy ra khi tiêm tại vùng trán và gian mày.

Các biến chứng thải loại hay không dung nạp chất liệu filler thường hiếm và muộn.

Nói về các trường hợp mù mắt sau tiêm filler vùng quanh mắt, bác sĩ Cương cho biết đây là biến chứng hiếm nhưng cực nặng. Với thông tin và hình ảnh có được qua các trang mạng có thể thấy biến chứng xuất huyết hốc mắt, chèn ép thị thần kinh và tắc mạch võng mạc sau đó đã làm mù một bệnh nhân. Tại Mỹ cũng đã gặp những trường hợp mù do chất filler di chuyển gây tắc động mạch mắt, kèm theo cả nhồi máu não.

Giải thích tại sao chất filler có thể vào dòng tuần hoàn động mạch các chuyên gia giải thích: Chất tiêm đã vào tĩnh mạch, qua tuần hoàn tim phải rồi vào động mạch giống như bọt khí hay bột tal, keo can thiệp mạch… đã gây tai biến cho mắt, não. Động mạch mặt, động mạch góc ở một vào trường hợp đặc biệt có gốc từ động mạch cảnh trong nên nếu tiêm trúng mạch này ở vùng sống mũi, thái dương hay rãnh mũi má có thể làm chất tiêm đi ngược vào động mạch cảnh, sau đó gây tắc cho động mạch mắt( nhánh tận của động mạch mắt) và gây mù không thể cứu vãn.

Các dị thường mạch máu, shunt động mạch- tĩnh mạch cũng có thể là nguyên nhân khuếch tán chất tiêm vào động mạch mắt.

Khánh Ngọc

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/tiem-filler-lam-dep-nguy-co-mu-mat-nhoi-mau-nao-post282533.info