Tiêm kết hợp 2 loại vaccine và tiêm tăng cường liều ba sẽ ngừa nhiễm tốt hơn?

Nhiều nước đang thử nghiệm và nghiên cứu tiêm kết hợp 2 loại vaccine khác nhau, và cả tiêm tăng cường thêm mũi thứ ba, để tăng khả năng ngừa nhiễm COVID-19.

Làm thế nào để giúp các chiến dịch tiêm chủng diễn ra thuận lợi nhất cũng như mang lại hiệu quả ngừa dịch cao nhất đang là mối quan tâm của các nước. Với mục tiêu này, một sáng kiến mà mới nghe qua sẽ khiến nhiều người đặt câu hỏi: Kết hợp 2 loại vaccine COVID-19 khác nhau khi tiêm ngừa cho một người.

Bối cảnh nào dẫn đến sáng kiến này?

Đầu tiên là tình trạng thiếu vaccine. Tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng ở các nước chưa tự sản xuất được vaccine, phải phụ thuộc vào nhập khẩu.

Bên cạnh đó, các biến chủng mới liên tục xuất hiện khiến các nước nghiên cứu điều chỉnh phác đồ tiêm chủng theo hướng tăng hiệu quả ngừa nhiễm.

Chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 đang diễn ra ở CHDC Congo (châu Phi). Ảnh: Guerchom Ndebo/GETTY IMAGES

Chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 đang diễn ra ở CHDC Congo (châu Phi). Ảnh: Guerchom Ndebo/GETTY IMAGES

Các nhà khoa học đặt mục tiêu nghiên cứu để các vaccine có thể ngăn chặn đà nhiễm của các biến chủng, và đề ra chiến lược tiêm kết hợp các loại vaccine có khả năng ngăn được các loại biến chủng khác nhau, nhằm mang lại phản ứng miễn dịch cao và rộng hơn. Qua đó người được tiêm kết hợp sẽ có khả năng kháng cự nhiều biến chủng khác nhau, cũng như hạn chế tình trạng virus tiến hóa thêm biến chủng mới.

Hiện nhiều nước đang thử nghiệm và nghiên cứu để biết rõ hơn về mức độ an toàn, mức độ kháng thể, phản ứng miễn dịch được tạo ra sau khi tiêm cả 2 loại vaccine, cũng như thời gian kéo dài của hiệu quả miễn dịch.

Châu Mỹ, châu Âu đã áp dụng

Tại châu Mỹ, ở Canada loại vaccine chủ yếu được dùng trong giai đoạn đầu chiến dịch tiêm chủng ở nước này là của AstraZeneca (Anh). Ngày 18-6, Ủy ban Cố vấn Quốc gia về Tiêm chủng khuyến nghị các tỉnh “nên” dùng vaccine các loại khác (Pfizer/BioNTech (Mỹ), hoặc Moderna (Mỹ)) cho mũi tiêm thứ hai. Điều này đã được Ủy ban Cố vấn Quốc gia về Tiêm chủng khuyến khích từ ngày 1-6, rằng người được tiêm mũi đầu bằng vaccine của AstraZeneca “có thể” chọn vaccine của Pfizer/BioNTech hay của Moderna cho mũi thứ hai.

Tiêm vaccine của Moderna cho người dân tại bang Florida (Mỹ). Ảnh: Joe Raedle/GETTY IMAGES

Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) đã cho phép tiêm kết hợp một liều vaccine của Pfizer/BioNTech và một liều vaccine của Moderna trong tình huống khẩn cấp, đặc biệt (thiếu vaccine, không nắm được mũi tiêm đầu tiên là vaccine loại nào).

Tại châu Âu, từ giữa tháng 6 Cơ quan Quản lý dược phẩm Ý đề nghị người trong độ tuổi dưới 60 nếu đã tiêm mũi đầu tiên bằng vaccine của AstraZeneca thì nên tiêm mũi thứ hai bằng loại vaccine khác. Tây Ban Nha cũng thực hiện chiến lược tương tự, theo tạp chí Science.

Báo Times of India dẫn một nghiên cứu từ ĐH Saarland (Đức) công bố ngày 16-6 cho rằng nếu tiêm mũi hai bằng vaccine của Pfizer/BioNTech sau mũi một là vaccine của AstraZeneca sẽ tạo kháng thể nhiều hơn tiêm cả 2 liều bằng vaccine của AstraZeneca.

Một nghiên cứu ở Tây Ban Nha thực hiện trên hơn 600 người cho thấy phản ứng miễn dịch được tạo ra mạnh hơn ở người được tiêm 2 liều vaccine khác nhau: một của AstraZeneca và một của Pfizer/BioNTech.

ĐH Oxford (Anh) cũng thực hiện một nghiên cứu về việc tiêm kết hợp vaccine của AstraZeneca và của Pfizer/BioNtech. Kết quả ban đầu cho thấy ở người được tiêm cả hai loại phản ứng phụ sau tiêm có phần nhẹ hơn ở người tiêm 2 mũi cùng một loại. Hiện ĐH Oxford đang nghiên cứu tiêm kết hợp một mũi vaccine của Moderna và một mũi vaccine của Novavax (Mỹ).

Châu Á cũng bắt đầu áp dụng

Ở châu Á, mới nhất, ngày 18-6 Hàn Quốc bắt đầu áp dụng cách tiêm vaccine của Pfizer/BioNTech cho tầm 760.000 người đã được tiêm mũi đầu là vaccine của AstraZeneca.

Tại Ấn Độ, ngày 24-5, một quan chức hàng đầu chính phủ chia sẻ với kênh CNN-News18 rằng nước này đang tính thử nghiệm tiêm kết hợp mũi đầu là vaccine của AstraZeneca với mũi hai là vaccine của Pfizer/BioNTech. Mục đích là để tăng khả năng bảo vệ trước các biến chủng mới.

Chuyên gia Dipyaman Ganguly thuộc Viện Sinh hóa Ấn Độ tin rằng việc kết hợp 2 loại vaccine “có thể trở thành một lá chắn tốt hơn” chống lại các thể virus đột biến.

Theo chuyên gia nghiên cứu virus hàng đầu của Ấn Độ - ông Shahid Jameel, việc kết hợp vaccine không phải vấn đề lớn trong dịch tễ học, song ông lo ngại rằng người được tiêm kết hợp hai loại vaccine có nguy cơ bị phản ứng phụ cao hơn so với người được tiêm chỉ một loại vaccine.

Sinh viên Ấn Độ xếp hàng điền mẫu giấy tờ trước khi được tiêm vaccine COVID-19, tại New Delhi. Ảnh: PTI

Quy mô thử nghiệm ở Ấn Độ một khi được tiến hành sẽ lớn hơn nhiều so với ở các nước khác, khi “rổ vaccine” của nước này hiện có tới tám loại khác nhau, gồm ba loại vaccine đã được cấp phép, cùng với bốn ứng viên vaccine nội địa khác (đã được thử nghiệm và cho kết quả tốt) và vaccine của Novavax.

Tiêm tăng cường thêm mũi thứ ba

Ở Trung Đông, các nước vùng Vịnh là Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Bahrain thực hiện chiến lược tiêm thêm liều tăng cường cho những người đã được tiêm đủ 2 liều trước đó.

Đánh giá chung của các nhà nghiên cứu là tiêm kết hợp nhiều loại vaccine khác nhau có thể giúp tăng kháng thể, tăng miễn dịch cho người được tiêm. Sáng kiến kết hợp này về sau cũng có thể giúp các nhà khoa học nghiên cứu ra được một loại vaccine mạnh có thể giúp bảo vệ người tiêm trước tất cả mọi biến chủng của virus.

Bên cạnh sáng kiến tiêm kết hợp 2 loại vaccine, nhiều nước cũng đang tính đến chuyện tiêm tăng cường cho người đã được tiêm đủ 2 liều, để tăng khả năng bảo vệ trước các biến chủng mới. Phác đồ tiêm chủng theo hướng này là: tiêm mũi một là vaccine của AstraZeneca, mũi hai là vaccine của Pfizer/BioNTech hoặc vaccine của Moderna, mũi thứ ba tăng cường có thể dùng vaccine Novavax.

Chẳng hạn Mỹ từ đầu tháng 6 cũng đã bắt đầu thực hiện chiến lược tiêm thêm liều tăng cường cho người đã được tiêm đủ 2 liều (liều tăng cường sẽ là vaccine khác loại với 2 liều trước), theo trang tin The Conversation.

Cả vaccine của AstraZeneca và của Pfizer/BioNTech đều hiệu quả ngừa biến thể Delta

Tạp chí The Lancet đưa nghiên cứu của các nhà nghiên cứu ở Cơ quan Y tế Công cộng Scotland và ở ĐH Edinburgh (Anh) khẳng định hai loại vaccine của AstraZeneca và của Pfizer/BioNTech đều có hiệu quả ngăn chặn biến thể Delta (cách gọi cũ là B.1607 xuất phát từ Ấn Độ). Tuy nhiên mức bảo vệ của vaccine của Pfizer/BioNTech có cao hơn vaccine của AstraZeneca.

Nghiên cứu được thực hiện từ ngày 1-4 đến ngày 6-6. Các nhà nghiên cứu đã phân tích 19.543 ca nhiễm trong đó 377 ca nhập viện ở Scotland. Trong số này khoảng 7.723 ca nhiễm không nhập viện và 134 ca nhập viện là nhiễm biến thể Delta.

Nghiên cứu cho thấy vaccine của Pfizer/BioNTech cho hiệu quả 92% trong ngừa biến thể Alpha (xuất phát từ Anh) và 79% trong ngừa biến thể Delta sau hai tuần tiêm mũi thứ hai.

Trong khi đó vaccine của AstraZeneca cho hiệu quả 60% trong ngừa biến thể Delta và 73% trong ngừa biến thể Alpha.

Các nhà nghiên cứu kết luận cả hai loại vaccine đều hiệu quả trong việc giảm rủi ro nhiễm virus SARS-CoV-2 và giảm nguy cơ nhập viện ở người nhiễm biến thể Delta.

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/tiem-ket-hop-2-loai-vaccine-va-tiem-tang-cuong-lieu-ba-se-ngua-nhiem-tot-hon-994460.html