Tiêm kích hạm mạnh nhất thế giới của Mỹ vừa lao xuống biển Nhật Bản sau khi va chạm với KC-130J

Theo hãng tin ABC News, 1 chiếc tiêm kích F/A-18 của Thủy quân lục chiến Mỹ đã đâm xuống biển ngoài khơi Nhật Bản sau khi va chạm với máy bay tiếp dầu KC-130. Hiện một phi công trên chiếc tiêm kích này đã được cứu sống.

Tiêm kích hạm F/A-18 Super Hornet được đánh giá là một trong những 'sát thủ' đáng sợ nhất của Mỹ và thành công nhất thế giới hiện nay.

Hiện đây là loại máy bay chiến đấu chủ lực trên hạm của quân đội Mỹ.

So với các máy bay của đối thủ, F/A-18 có tải trọng lớn tầm bay xa, thậm chí chúng còn có khả năng tiếp dầu trên không.

Nhiệm vụ tiếp dầu trên không cho phép máy bay có thể bay xa hơn với tầm tác chiến tốt hơn. Mặc dù vậy đây là nhiệm vụ tương đối khó khăn và dễ xảy ra tai nạn.

Theo CNN, một vụ tai nạn đã xảy ra vào lúc lúc 2h ngày 6/12 (giờ Nhật Bản) khi các máy bay của Thủy quân lục chiến Mỹ đang "thực hiện hoạt động huấn luyện thường kỳ" sau khi cất cánh từ căn cứ không quân Iwakuni ở miền Nam Nhật Bản.

Được biết chiếc F/A-18 đã va chạm với chiếc máy bay tiếp dầu khổng lồ KC-130 và lao xuống biển.

Vụ tai nạn xảy ra khi đang có 2 phi công trên chiếc F/A-18 và 5 người khác điều khiển chiếc KC-130J.

Phát ngôn viên hải quân Mỹ cho hay ít nhất một người đã được giải cứu, 6 người khác vẫn đang mất tích và "hoạt động tìm kiếm cứu hộ vẫn tiếp tục và sự cố đang được điều tra".

Được biết, trong 2 máy bay quân sự Mỹ vừa mất tích thì chỉ có tiêm kích F/A-18 có hệ thống ghế thoát hiểm cho phi công còn KC-130 không có. Trong tình huống khẩn cấp thì phi công F/A-18 có thể nhảy dù ngay còn KC-130 thì không.

Tất nhiên, kíp bay 5 người trên KC-130 có thể nhảy ra khỏi máy bay từ cửa đuôi hoặc cửa hông nếu họ có mang theo dù cá nhân.

Thông tin mới nhất cho thấy 1 người đã được cứu sống là phi công trên tiêm kích F/A-18 - loại máy bay có ghế phóng thoát hiểm khẩn cấp.

F/A-18E/F Super Hornet là loại máy bay tiêm kích hoạt động trên tàu sân bay, bắt đầu biên chế cho Hải quân Hoa Kỳ vào năm 1999.

F/A-18 Super Hornet là một phiên bản có kích thước lớn và hiện đại hơn được phát triển từ F/A-18C/D Hornet.

Super Hornet được Hải quân Mỹ đặt mua của hãng McDonnell Douglas vào năm 1992, nó bay lần đầu tiên vào tháng 11 năm 1995, hạ cánh lần đầu tiên trên tàu sân bay vào năm 1997 và đi vào hoạt động chính thức vào năm 1999, thay thế cho tiêm kích hạm F-14 Tomcat.

Máy bay được thiết kế với chiều dài: 18.31m; Sải cánh: 13.62m; Chiều cao: 4.88m.

Trọng lượng cất cánh tối đa lên tới 30 tấn.

Máy bay được trang bị động cơ F414-GE-400 với lực đẩy đốt sau lên tới 98 kN. Hai động cơ cực khỏe này giúp F-18 Super Hornet có thể bay với vận tốc Mach 1.6. Tầm bay của F/A-18 Super Hornet lên tới 2346 km.

Về hỏa lực, F/A-18 Super Hornet sở hữu kho vũ khí khổng lồ, với 11 giá treo trên cánh và giữa thân, cho phép F-18 mang tải trọng 8 tấn vũ khí bên ngoài.

Nó có thể sử dụng được nhiều loại bom, tên lửa cho đủ các nhiệm vụ đối không, đối hải và đối đất, tác chiến điện tử…

Máy bay cũng được trang bị hệ thống đối kháng tổng hợp (IDECM) gồm hệ thống phòng vệ chống tên lửa, có khả năng phóng mồi bẫy ALE-47, ALE-50; radar cảnh báo AN/ALR67V3 và hệ thống gây nhiễu ALQ-65 hoặc ALQ-71; hệ thống thông tin số liệu chuẩn Link 16… Hiện đây vẫn là máy bay tiêm kích hạm thành công nhất thế giới. Ngoài Mỹ còn có một số quốc gia khác cũng đang sử dụng loại máy bay này.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-tiem-kich-ham-manh-nhat-the-gioi-cua-my-vua-lao-xuong-bien-nhat-ban-sau-khi-va-cham-voi-kc130j/792378.antd