Tiêm kích MiG-21 nghỉ hưu có thể biến thành vũ khí cực kỳ đáng sợ

Tiêm kích MiG-21 huyền thoại có thể đảm nhiệm vai trò nào sau khi đã chính thức bị loại biên?

Trong tháng 5/2023, Không quân Romania sẽ cho ngừng hoạt động phi đội tiêm kích MiG-21, loại máy bay cổ điển này vẫn đang làm nhiệm vụ chiến đấu và tuần tra không phận một cách tích cực, mặc dù chúng đã lỗi thời.

Tổng cộng quốc gia Đông Âu này có tới 22 máy bay chiến đấu MiG-21, tất cả chúng đều thuộc phiên bản nâng cấp sâu với tên định danh LanceR (theo số liệu từ trang Military Balance).

Phi đội MiG-21 của Romania được hiện đại hóa đầu những năm 2000 với sự tham gia của các công ty Israel, nâng cấp đáng kể nhất là họ đã tiến hành thay thế radar cũ bằng loại EL/M- 2032.

Radar này có khả năng phát hiện mục tiêu ở cự ly 75 - 150 km (theo nhiều nguồn khác nhau), cũng như nhận dạng vật thể dưới mặt đất. Máy bay được tích hợp tên lửa tầm ngắm Python 3 và Magic 2 với phạm vi tác chiến 15 và 20 km, cũng như nâng cấp vài thành phần khác.

Tuy nhiên giờ đây những cỗ máy này đã quá cũ kỹ (Romania bắt đầu nhận tiêm kích MiG-21 từ Liên Xô trong khoảng thời gian từ năm 1963 đến 1975 với số lượng 74 chiếc) nên bắt buộc phải ngừng hoạt động.

Nhưng thực tế là câu chuyện về những chiếc MiG-21 LanceR chưa kết thúc ở đó. Đặc biệt, có một vai trò khá thú vị nhiều khả năng sẽ được giao cho chúng, vấn đề trên được đề cập bởi ấn phẩm Defense Romania.

Tất nhiên không ai có ý định tiếp tục sử dụng những chiếc LanceR này trong vai trò chiến đấu cơ, hay thậm chí là máy bay có người lái. Nhưng hoàn toàn có thể biến MiG-21 thành một tên lửa hành trình.

Vấn đề này dường như đã được giải quyết ở Trung Quốc, nơi các bản sao J-7 đã ngừng hoạt động được thử nghiệm trong vai trò như một phương tiện để vượt qua hệ thống phòng không đối phương.

Và nói chung, nếu chúng ta đang nói về những chiếc tiêm kích cũ kỹ có thể trở thành sắt vụn sau khi tháo dỡ, hoặc hiện vật trưng bày trong viện bảo tàng, thì đây không phải là một ý tưởng tồi.

Về mặt kỹ thuật, việc chuyển đổi chiến đấu cơ thành máy bay không người lái là rất khả thi, ví dụ điển hình là Không quân Mỹ đã chuyển đổi tiêm kích thành mục tiêu bay QF-16 cho phòng không tập bắn.

Hơn nữa ngay cả trong Quân đội Liên Xô, rất nhiều tiêm kích MiG-21 đã ngừng hoạt động cũng được chuyển đổi thành mục tiêu bay với tên định danh M21m.

Trong quá trình hoán cải, tất cả các thiết bị có giá trị như radar đã được gỡ bỏ, ngoài ra ăng ten và bộ điều khiển vô tuyến đã được lắp đặt, sau đó mục tiêu có thể thực hiện chuyến bay cuối cùng và duy nhất, khi cất cánh rồi cơ động mà không cần phi công điều khiển.

Tiêm kích MiG-21 có vận tốc 1.300 km/h ở độ cao thấp và lên tới 2.230 km/h khi bay cao, phạm vi hoạt động tối đa với thùng nhiên liệu bổ sung là 1.470 km, tải trọng vũ khí 1.300 kg. Đối với mục tiêu M21m, thông số bay sẽ cao hơn do loại bỏ thiết bị nặng khoảng 1 tấn.

Căn cứ điều kiện cụ thể của Romania, họ có thể lựa chọn hai hướng đi: hoán cải tiêm kích MiG-21 thành tên lửa hành trình hoặc mục tiêu bay, tùy theo nhu cầu và trình độ kỹ thuật.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tiem-kich-mig-21-nghi-huu-co-the-bien-thanh-vu-khi-cuc-ky-dang-so-post539442.antd