Tiêm kích MiG-29 Nga buộc trinh sát cơ 'thần biển' P-8A Na Uy phải quay đầu

Tiêm kích MiG-29 thuộc Hạm đội phương Bắc của Nga đã ngăn chặn máy bay trinh sát săn ngầm P-8A của Na Uy đang tiếp cận không phận Nga, buộc chiếc máy bay này phải quay đầu.

"Hệ thống kiểm soát vùng trời trên biển Barents phát hiện mục tiêu đường không đang tiếp cận biên giới Nga. Tiêm kích MiG-29 thuộc lực lượng trực ban phòng không của Hạm đội Phương Bắc được điều động để nhận diện mục tiêu và ngăn chặn nguy cơ xâm phạm biên giới", Bộ Quốc phòng Nga hôm 24/8 cho biết.

Phi công Nga sau đó thông báo mục tiêu là trinh sát cơ P-8A Poseidon của không quân Na Uy.

"Phi cơ nước ngoài quay đầu 180 độ và tránh xa biên giới Nga khi chiếc MiG-29 tiếp cận.", thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga có đoạn.

"Chuyến bay của tiêm kích Nga tuân thủ chặt chẽ quy định quốc tế về sử dụng không phận trên vùng biển trung lập và không áp sát nguy hiểm với máy bay nước ngoài", Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh.

Trong trang bị của Hạm đội Phương Bắc đang có những chiếc MiG-29K, dòng tiêm kích hạm của Nga.

MiG-29K (NATO định danh: Fulcrum-D) là tiêm kích hạm dành cho tàu sân bay do phòng thiết kế Mikoyan phát triển vào cuối thập niên 1970.

Dù ban đầu được kỳ vọng, tuy nhiên cuối cùng nó lại là một trong số những chiến đấu cơ có số phận long đong.

Tiêm kích hạm MiG-29K được hãng Mikoyan phát triển dựa trên nền tảng tiêm kích đa nhiệm MiG-29M.

Hãng chế tạo tự tin cho biết, đây là chiến đấu cơ thế hệ 4++, tương đương với Su-35S của hãng Sukhoi.

Phiên bản MiG-29K được trang bị radar Zhuk-ME, có thể phát hiện mục tiêu trên không, trên biển và đất liền từ khoảng cách 120 km.

Máy bay sử dụng tay lái tích hợp điều khiển (HOTAS), cho phép phi công vận hành các hệ thống trên máy bay mà không cần nhấc tay khỏi cần lái.

Thông tin điều khiển được hiển thị trên các màn hình đa chức năng (MFD), thay vì đồng hồ cơ khí như MiG-29 nguyên bản.

MiG-29K được tích hợp kênh điều khiển tên lửa không đối không RVV-AE, cùng nhiều loại tên lửa chống hạm và diệt radar.

Máy bay có thể sử dụng hàng loạt vũ khí dẫn đường có độ chính xác cao như Kh-29 hay KAB-500.

MiG-29K được ứng dụng nhiều công nghệ làm giảm khả năng phát hiện của đối phương. Việc sử dụng sơn hấp thụ radar khiến tiết diện phản xạ radar của MiG-29K thấp hơn 4 lần so với phiên bản MiG-29 gốc.

Động cơ RD-33MK cũng được cải tiến, giúp hạn chế độ bộc lộ hồng ngoại của máy bay.

Ngay từ khi ra đời, MiG-29K đã phải trải qua nhiều biến cố. Ban đầu hải quân Liên Xô đã không lựa chọn MiG-29K mà đặt mua tiêm kích Su-33 để trang bị cho tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov.

Lý do chính là Su-33 có tốc độ cất hạ cánh thấp, bảo đảm an toàn cho hoạt động trên tàu sân bay, đồng thời tầm bay cũng vượt trội hơn MiG-29K.

Sau khi Liên Xô tan rã, dự án MiG-29K phải tạm ngừng vì không có vốn. Tới năm 1991, Ấn Độ đặt mua 12 chiếc MiG-29K một chỗ ngồi và 4 máy bay MiG-29KUB hai chỗ, lúc này dự án mới tiếp tục hồi sinh.

Quá trình giao MiG-29K cho Ấn Độ bắt đầu vào tháng 12/2009. Trước khi bàn giao, các máy bay đều được thử nghiệm trên tàu Đô đốc Kuznetsov.

Tới tháng 1/2010, Ấn Độ và Nga ký thỏa thuận mua thêm 29 chiếc MiG-29K trị giá 1,2 tỷ USD. Hải quân Ấn Độ bắt đầu biên chế loại máy bay này vào tháng 2/2010.

Tuy nhiên sau thời gian biên chế với một số vụ tai nạn, Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho rằn độ tin cậy của dòng tiêm kích này có vấn đề và họ từ chối mua thêm.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tiem-kich-mig-29-nga-buoc-trinh-sat-co-than-bien-p-8a-na-uy-phai-quay-dau-post549913.antd