Tiêm kích mới của Nga rẻ đến khó tin

Ngay trong ngày khai mạc MAKS-2021, Sukhoi đã cho giới thiệu một loạt tính năng không thể tốt hơn của mẫu tiêm kích mới, kèm với đó giá bán hấp dẫn.

Theo Sputnik, hôm 20/7, hãng chế tạo máy bay Sukhoi đã giới thiệu tới công chúng dòng chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 sử dụng một động cơ đầu tiên của Nga, trước đó mẫu máy bay này được giới chuyên gia đánh giá sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh chính của tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ trên thị trường vũ khí trong phân khúc chiến đấu cơ hạng nhẹ.

Mẫu tiêm kích mới của Nga vẫn chưa được Sukhoi định danh mà chỉ được gọi là “Checkmate”- tạm dịch “Chiếu tướng”.

Một nguyên mẫu của tiêm kích “Checkmate” cũng đã được Sukhoi mang đến triển lãm hàng không quốc tế MAKS-2021 vừa khai mạc vào hôm qua 20/7 tại Sân bay Zhukovsky, ở ngoại ô Moscow. Dự kiến các hoạt động của MAKS-2021 sẽ diễn ra đến hết tuần này (25/7).

Cũng theo Sputnik, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến thăm triển lãm trong ngày khai mạc và cũng tham quan khu trưng tiêm kích “Checkmate”.

Cận cảnh nguyên mẫu tiêm kích tàng hình mới của Nga. (Ảnh: Sputnik)

Phó Thủ tướng Nga: Việt Nam là khách hàng tiềm năng

Trong chiến dịch quảng bá của tập đoàn công nghệ nhà nước Rostec (công ty mẹ của Sukhoi) trước đó tiêm kích “Checkmate” được giới thiệu cho thị trường xuất khẩu với các khách hàng tiềm năng như UAE, Ấn Độ, Việt Nam và Argentina.

Thị trường Checkmate hướng tới sẽ là các nước châu Phi, Ấn Độ và Việt Nam. Nhu cầu về dòng chiến đấu cơ này này khá lớn, ước tính khoảng 300 chiếc trong tương lai gần”, Phó Thủ tướng Nga Yuri Borisov nói trong buổi lễ giới thiệu tiêm kích mới của Nga hôm 20/7.

Về phía Sukohoi họ khá tự tin khi cho biết sẽ bàn giao lô máy bay đầu tiên trong vòng 6 năm tới nếu quá kế hoạch diễn ra suôn sẻ.

Cũng tại buổi giới thiệu, Tổng giám đốc Rostec Sergei Chemezov cho biết chiếc “Checkmate” sẽ có giá bán từ 25-30 triệu USD mỗi chiếc. Giá này thấp hơn rất nhiều so với giá của một số máy bay chiến đấu tiên tiến của châu Âu như Dassault Rafale (Pháp) và Saab Gripen (Thụy Điển), đó là còn chưa kể đến tiêm kích đắt đỏ bậc nhất thế giới F-35 của Mỹ.

Thiết kế với cửa hút gió đặc biệt bên dưới thân của “Checkmate". (Ảnh: Sputnik)

Ông Chemezov cũng tiết lộ thêm lý do vì sao Nga có thể phát triển máy bay “Checkmate” chỉ trong thời gian ngắn kỷ lục.

Theo đó, Tiêm kích “Checkmate” được Sukhoi xây dựng dựa trên một phần công nghệ của Sukhoi Su-57 – dòng tiêm kích tàng hình đầu tiên của Nga. Có thể dễ dàng nhận thấy những điểm giống giữa hai dòng máy này như vòm kính buống lái, khoang chứa vũ khí bên trong thân và thiết kế phần thân tàng hình.

Tường tận về tiêm kích “Checkmate”

Cũng trong buổi lễ giới thiệu, khách tham quan có thể dễ dàng thấy Sukhoi giới thiệu một số vũ khí tiềm năng cho “Checkmate”, bao gồm tên lửa không đối không tầm ngắn R-73, tên lửa không đối không tầm trung R-77 và tên lửa chống hạm Kh-59MK. Điều này đồng nghĩa với việc “Checkmate” có thể thực hiện tốt các nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không lẫn tấn công mặt đất và trên biển.

Theo Mikhail Strelets - Thiết kế sư trưởng của chương trình “Checkmate”: "Hệ thống điện tử hàng không trên máy bay được tích hợp radar mảng pha điện tử chủ động (AESA) có thể theo dõi 30 mục tiêu và tấn công đồng thời 6 mục tiêu trong số đó. Đối với các mục tiêu trên biển và mặt đất thì máy bay có thể theo dõi đồng thời hai mục tiêu.”

Các tên lửa R-73, R-77 và Kh-59MK được giới thiệu cùng “Checkmate” tại MAKS-2021. (Ảnh: Sputnik)

Hệ thống điện tử hàng không của máy bay với radar AESA tích hợp có thể tấn công 6 và theo dõi 30 mục tiêu trên không. Nếu chúng ta nói về các mục tiêu trên mặt đất và hải quân, máy bay có thể theo dõi đồng thời hai mục tiêu".

“Checkmate” cũng có thể triển khai các máy bay không người lái từ khoang chứa vũ khí bên trong thân của nó.

Cũng theo Sukhoi, vận tốc của “Checkmate” có thể đạt đến vận tốc Mach 2,2 (tương đường 2.716km/h) và trần bay tối đa lên đến hơn 16.400m. Tầm hoạt động hơn 3.000km, tải trọng 7.400kg.

Là một chiến đấu cơ thế hệ thứ năm, thiết kế đặt biệt của “Checkmate” giúp nó giảm đáng kể diện tích phản xạ tín hiệu radar (RCS). Khung thân máy bay được cho là có thể chịu được lực nén lên tới 8g, kém một chút so với 9g của Su-35S Flanker. Điều này cho thấy nhà thiết kế máy bay đặt ưu tiên nhiều hơn cho các tính năng tàng hình và tầm hoạt động hơn là khả năng cơ động.

Phần đuôi của tiêm kích “Checkmate” nhìn từ phía sau. (Ảnh: Sputnik)

Hệ thống động cơ mạnh mẽ giúp máy bay sở hữu khả năng siêu cơ động như các dòng chiến đấu cơ khác của Nga hiện tại, ngoài ra động cơ mới của “Checkmate” hoạt động tiết kiệm nhiên liệu hơn các dòng máy bay trước đó trong hành trình siêu thanh.

Được biết, Nga đã không ra mắt mẫu máy bay chiến đấu một động cơ nào trong hơn 50 năm qua, kể từ khi các dòng tiêm kích Su-22 và MiG-27 được đưa vào sử dụng vào năm 1970.

Trà Khánh (Nguồn: Sputnik)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/tiem-kich-moi-cua-nga-re-den-kho-tin-ar625830.html