Tiêm kích Rafale bị rơi là 'đòn chơi xấu' của Nga với Ai Cập?

Nga đang rất muốn bán được cho Ai Cập một phi đội tiêm kích đa năng MiG-35, bởi vậy họ sẽ chẳng cảm thấy vui vẻ gì khi Cairo nghiêng về chiếc Rafale của Pháp.

Vào ngày 29/1, một số hãng thông tấn Nga cho biết rằng nguồn tin riêng của họ trong Quân đội Ai Cập khẳng định đã có một chiếc tiêm kích đa năng Dassault Rafale bị rơi khi thực hiện chuyến bay huấn luyện định kỳ.

Thông tin trên đã gây ra một cú sốc bởi vì Ai Cập hiện còn chưa nhận đủ số tiêm kích Rafale theo hợp đồng đã ký với Pháp, tức là máy bay bị rơi (theo báo chí Nga đưa tin) vẫn còn rất mới.

Tuy nhiên ngay sau đó Bộ Quốc phòng Ai Cập đã bác bỏ thông tin trên, họ nhận định rằng đây là hành động khiêu khích trước khả năng quốc gia Bắc Phi này có thể mua tiếp 12 chiếc Rafale nữa.

Đối thủ cạnh tranh của Rafale chính là MiG-35 do Nga chế tạo, cho nên nếu đó là "đòn chơi xấu" của báo chí Nga thì xem chừng cũng khá hợp lý, bởi vì đây không phải lần đầu tiên Moskva có động thái "dìm hàng" đối phương.

Vào ngày 16/2/2015, Pháp đã thông qua hợp đồng bán cho Ai Cập 24 tiêm kích đa năng Rafale (16 chiếc 1 chỗ ngồi và 8 chiếc 2 chỗ ngồi) với giá trị vào khoảng 5,9 tỷ USD.

Được biết, hiện nay Không quân Ai Cập đã nhận được 14 chiếc và họ đánh giá rất cao tính năng kỹ chiến thuật của Rafale, cho rằng nó vượt xa MiG-29 của Nga.

Tiếp đó vào tháng 6/2016, Ai Cập đã tỏ ý muốn mua thêm 12 chiếc Rafale nữa theo điều khoản bổ sung của hợp đồng, nhưng họ đang gặp khó khăn vì Pháp chưa cung cấp gói tín dụng ưu đãi.

Thông tin tiêm kích Rafale của Ai Cập bị rơi xuất phát từ tạp chí Scramble, họ cho biết vào ngày 28/1, một máy bay huấn luyện K-8E Karakorum đã gặp tai nạn khiến phi công thiệt mạng.

Phi công lái chiếc K-8 trên chính là người trước đó từng điều khiển tiêm kích Rafale, có thể qua truyền thông Nga thì tin tức đã bị sửa đổi thành chiến đấu cơ Rafale của Ai Cập bị rơi.

Rafale là tiêm kích đa nhiệm 2 động cơ thế hệ 4,5 do Dassault Aviation chế tạo. Nguyên mẫu Rafale thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 7/1986 và đến năm 2000 thì được chính thức chấp nhận đưa vào trang bị cho Không quân và Hải quân Pháp.

Tiêm kích Rafale có chiều dài 15,27 m; sải cánh 10,8 m; chiều cao 5,34 m; trọng lượng rỗng 9.500/9.770/10.196 kg (phiên bản C/B/M) trọng lượng cất cánh tối đa 24.500/22.200 kg (phiên bản C/M).

Máy bay được trang bị 2 động cơ phản lực SNECMA M88 công suất 50,4 kN mỗi chiếc (lên tới 75 kN khi bật tăng lực) cho tốc độ tối đa 2.250 km/h; tầm hoạt động 1.800 km; trần bay 18.000 m; tải trọng vũ khí 9.500 kg.

Với thiết kế khí động học khá ưu việt lại được sự hỗ trợ của cánh mũi, tiêm kích Rafale có thể thực hiện những pha quay ngoặt đột ngột trong không gian chật hẹp.

Khi thực hiện động tác biểu diễn ở tốc độ siêu âm, không khí đi qua cánh máy bay sẽ bị dồn nén lại và tạo nên hiệu ứng như bức màn che phủ. Rafale còn có thể thực hiện động tác thao diễn "rắn hổ mang" ở trạng thái động cơ gần như không hoạt động.

Nhờ được trang bị hệ thống chiến tranh điện tử Spectra hiện đại nhất thế giới hiện nay, nhà sản xuất tuyên bố Rafale sẽ hoạt động an toàn dưới hỏa lực phòng không đối phương.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-tiem-kich-rafale-bi-roi-la-don-choi-xau-cua-nga-voi-ai-cap/798011.antd