Tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ bị 'bắn hạ' từ một trại nuôi ngựa

Trong lịch sử nổi tiếng của mình, chiếc tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ đã 'được' gắn với một trại nuôi ngựa ở ngoại ô Berlin, nơi một công ty sản xuất radar tuyên bố đã vô hiệu hóa tính năng tàng hình của chiếc máy bay con cưng trong quân đội Mỹ.

F-35 tại Triển lãm hàng không Berlin

F-35 tại Triển lãm hàng không Berlin

Câu chuyện là cuộc đuổi bắt trong một trò chơi giữa chiếc tiêm kích hiện đại, được thiết kế để trở nên vô hình trên các loại radar, và các nhà sản xuất cảm biến tìm cách hóa giải tính năng đó.

Theo c4isrnet.com, hãng sản xuất radar của Đức là Hensoldt tuyên bố đã bắt bám 2 chiếc F-35 trong quãng đường 150km tại Triển lãm hàng không Berlin vào cuối tháng 4/2018.

Hệ thống radar bị động của công ty mang tên TwInvis, được cho là có các cảm biến và bộ vi xử lý cực mạnh, đến mức chúng hứa hẹn có thể phát hiện những thứ trước đây chưa phát hiện được, trong một khoảng không gian nhất định nào đó.

Triển lãm hàng không ở Berlin là cơ hội hiếm hoi hệ thống này có thể thử sức, đối chọi với một chiếc máy bay với các đặc điểm thiết kế hướng đến khả năng tàng hình, từ hình dáng đến lớp phủ đặc biệt.

Các câu chuyện về cuộc đối đầu giữa F-35 và radar TwInvis đã được khuấy lên kể từ khi công ty Hensoldt dựng gian hàng của họ trên đường băng của sân bay Schönefeld ở thủ đô Berlin. Các cảm biến của họ đã thực hiện theo dõi mọi chuyến bay, với nhiều loại máy bay, ra vào khu vực. Báo chí Đức đã hết lời khen ngợi hệ thống radar được đặt trên một xe SUV với antenna có thể dựng-gập gọn, là thứ có tiềm năng thay đổi cục diện cuộc chơi trong lĩnh vực phòng không.

Trong khi đó, máy bay F-35 đang trong cuộc đua thay thế phi đội Tornado đã cũ của Đức.

Màn marketing thuyết phục nhất đối với công ty Hensoldt là theo dõi hai chiếc F-35 bay đến từ căn cứ Luke ở bang Arizona vượt qua Đại Tây Dương trong chuyến bay liên tục kéo dài 11h.

Radar của Hensoldt theo dõi các mục tiêu bay phía nam nước Đức

Nhưng hãng Lockheed và không quân Mỹ đã không cho bay trình diễn hai chiếc F-35 để mọi người có thể chứng kiến nó có năng lực tàng hình thực sự hay các kỹ sư của Hensoldt đã nói khoác. Các phóng viên cũng không được trả lời cặn kẽ vì sao F-35 không bay biểu diễn.

Nhưng có điều, từ lâu đã có nhiều chuyên gia nói về khả năng phát hiện máy bay tàng hình của radar bị động. Radar loại này vẽ ra một bức tranh không gian bằng cách “đọc” các tín hiệu liên lạc phản xạ lại từ các vật thể trên không.

Và công nghệ này có thể chống lại có hiệu quả tính năng và thiết kế tàng hình của F-35 vốn được chế tạo với mục tiêu phá vỡ và hấp thụ tín hiệu từ các hệ thống radar truyền thống. Vì không có hệ thống phát xạ, radar bị động rất bí mật, nghĩa là phi công bay vào vùng theo dõi mà không biết mình đang bị bắt bám.

Anh Minh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/hanh-trang-nguoi-linh/tiem-kich-tang-hinh-f35-cua-my-bi-ban-ha-tu-mot-trai-nuoi-ngua-1470024.tpo