Tiêm kích tàng hình J-20 lộ điểm yếu lớn khi khoe vũ khí

Tiêm kích tàng hình Chengdu J-20 do Trung Quốc chế tạo hiện là chiến đấu cơ thế hệ 5 thứ ba trên thế giới sau F-22 và F-35 của Mỹ đã chính thức bước vào giai đoạn trực chiến.

Tiêm kích tàng hình "Kiêu Long" J-20 là một trong những ngôi sao sáng nhất tại Triển lãm Hàng không quốc tế Chu Hải 2018 (Zhuhai Airshow 2018) vừa kết thúc hôm qua.

Sau màn biểu diễn nhào lộn thể hiện độ cơ động trong ngày khai mạc thì đến hôm bế mạc, J-20 đã lần đầu tiên trình diễn mở cửa khoang vũ khí chất đầy tên lửa trong khi bay.

Điều này cho thấy J-20 đã thực sự bước vào giai đoạn trực chiến chứ không phải chỉ mới tham gia các bài thử nghiệm đối kháng thông thường cùng các tiêm kích thế hệ 4 nữa.

Căn cứ vào tấm ảnh trên, có thể nhận thấy trong khoang vũ khí chính của J-20 lắp 4 tên lửa không đối không tầm xa PL-15, trong khi ở 2 khoang phụ bên hông là 2 tên lửa không đối không tầm ngắn PL-10.

Như vậy trong cấu hình tiêm kích chiếm ưu thế trên không, J-20 mang được tối đa 6 tên lửa các loại, đây là điều gây bất ngờ vì kích thước của J-20 lớn nhất trong số các loại tiêm kích thế hệ 5.

Với kích thước lớn như trên, ban đầu có dự đoán cho rằng J-20 phải mang được tới 10 tên lửa trong khoang vì nó có phần thân rất rộng, tương đương máy bay ném bom tiền tuyến.

So sánh với chiếc F-22 của Mỹ, cho dù kích thước nhỏ hơn nhưng khoang vũ khí chính của Raptor vẫn có sức chứa tới 6 quả đạn không chiến ngoài tầm nhìn AIM-120 AMRAAM cùng 2 tên lửa Sidewinder ở khoang phụ bên hông.

Việc chỉ mang được 6 tên lửa cho nhiệm vụ không chiến chắc chắn sẽ khiến cho J-20 gặp nhiều bất lợi khi phải đối đầu tiêm kích đối phương, nhất là khi nó bị đánh giá có diện tích phản xạ radar cao, dễ bị thấy trước và bắn trước.

Nhưng còn một khả năng nữa được đưa ra đó là khoang vũ khí của J-20 vẫn mang được 6 đạn không đối không, nó xuất hiện với 4 đạn như tại Triển lãm Zhuhai Airshow chẳng qua là vì muốn mang tên lửa PL-15 - loại có kích thước lớn nhất mà thôi.

Tên lửa không đối không PL-15 của Trung Quốc có tầm bắn ước tính lên tới 300 km, cho nên nó có chiều dài và đường kính lớn hơn nhiều so với loại PL-11/12, nếu lắp 2 loại này thay vì PL-15 thì J-20 có lẽ vẫn mang được 6 quả.

Tuy nhiên đây vẫn chỉ là phỏng đoán, còn hiện tại chưa có bằng chứng nào cho thấy J-20 mang được tới 6 tên lửa không đối không trong khoang vũ khí chính như chiếc F-22 Raptor của Mỹ, ít nhất là căn cứ vào số lượng giá treo bên trong.

J-20 chỉ có một cải tiến đáng ghi nhận ở khoang vũ khí phụ bên hông, đó là khi tên lửa PL-10 được đưa ra ngoài thì cánh cửa ngay lập tức đóng lại chứ không mở suốt quá trình như trên tiêm kích F-22.

Có một chi tiết nữa cũng nên lưu ý đó là khi cần thiết thì chiếc J-20 cũng có khả năng tích hợp thêm giá treo ngoài để mang nhiều vũ khí hơn hay sử dụng các loại đạn kích thước lớn.

Hiện tại về thiết kế khoang vũ khí, chiếc Su-57 của Nga được đánh giá là trội hơn cả khi nó vừa mang được nhiều lại vừa tích hợp được các loại đạn thuộc hàng "khủng long".

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-tiem-kich-tang-hinh-j20-lo-diem-yeu-lon-khi-khoe-vu-khi/789729.antd