Tiêm kích tàng hình Su-75 gặp khó khi ra đời giữa kỷ nguyên chiến đấu cơ thế hệ 6

Tiêm kích tàng hình Su-75 Checkmate của Nga đang gặp nhiều vấn đề sau ánh hào quang chói lọi khi ra mắt.

Mùa hè năm 2022, Moskva thông báo tiêm kích tàng hình Su-75 Checkmate chưa thể thực hiện chuyến bay đầu tiên ít nhất cho đến năm 2024, trễ hơn một năm so với kế hoạch. Thông tin trên do Bộ trưởng Công Thương Nga Denis Manturov cho biết.

“Một vài thay đổi đã được thực hiện đối với thiết kế, thực tế này đã thay đổi thời gian diễn ra chuyến bay đầu tiên của Su-75 Checkmate”.

“Tuy vậy nguyên tắc module hóa và công nghệ số hiện đại đã giúp thực hiện những sửa đổi trong thời gian ngắn nhất có thể, chúng tôi dự định bắt đầu tiến hành các chuyến bay thử nghiệm ngay đầu năm 2024”, ông Manturov nhấn mạnh.

Su-75 lần đầu tiên được giới thiệu bởi Tập đoàn công nghệ nhà nước Rostec tại Triển lãm MAKS 2021 diễn ra ở Moskva, nó là tiêm kích thế hệ 5 thứ hai được phát triển bởi các nhà thiết kế Nga, sau Su-57 Felon.

Ngay cả khi Rostec đang gặp khó khăn trong việc sản xuất hàng loạt Su-57, thì Su-75 được cho là vẫn có một số lợi thế, đó là nó kế thừa những thành tựu đã đạt được từ chiếc Felon.

Mặc dù vậy trên thực tế, nếu việc sản xuất một tiêm kích tiên tiến đã đủ khó khăn thì việc cố gắng chế tạo chiếc thứ hai, dù là hạng nhẹ cũng không bao giờ khiến quá trình này trở nên đơn giản hơn.

Su-75 hướng chủ yếu đến thị trường nước ngoài, nhiệm vụ chính là mang ngoại tệ về để phục vụ việc sản xuất loại tiêm kích sẽ phục vụ trong Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga (VKS), đó là Su-57 Felon.

“Trong khoảng thời gian đã trôi qua kể từ khi trình bày dự án tại Triển lãm MAKS 2021, chúng tôi đã nhận được phản hồi từ nhiều khách hàng tiềm năng”, Bộ trưởng Manturov nói thêm.

“Chúng tôi đã cố gắng tối ưu hóa chi phí và phân tích những giải pháp kỹ thuật riêng lẻ, giúp tăng đáng kể khả năng cạnh tranh, sức hấp dẫn thương mại, và giảm rủi ro kỹ thuật trong việc tạo ra một loại động cơ nội địa phù hợp”, Bộ trưởng Công Thương Nga nhấn mạnh.

Sự quan tâm từ khách hàng nước ngoài dường như là cơ hội duy nhất mà Su-75 có được vào thời điểm này, nhưng có vẻ triển vọng của Checkmate chưa mấy tươi sáng.

Viện nghiên cứu các quốc gia vùng Vịnh có trụ sở tại Washington (AGSIW) đã lưu ý trong một báo cáo gần đây về mối quan hệ ngày càng thắt chặt giữa Nga và Iran.

Thực tế trên khiến một số quốc gia trong khu vực như Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) phải đầu tư rất nhiều tiền bạc để nâng cấp sức mạnh quốc phòng của họ.

Những quốc gia trên vài năm gần đây sử dụng chiến lược mua vũ khí đa dạng, bao gồm cả sản phẩm quốc phòng xuất xứ từ Nga.

Khách hàng tiềm năng nhất của Checkmate là UAE, khi họ không thể mua F-35 Lightning II, mặc dù về cơ bản đã hoàn thành thỏa thuận với chính quyền Tổng thống Trump, chính vì vậy Dubai sẵn sàng đầu tư vào Su-75 như lựa chọn thay thế.

Mặc dù AGSIW không nói trực tiếp, nhưng do quan hệ giữa Moskva và Tehran, không thể loại trừ khả năng Iran sẽ bày tỏ quan tâm tới Checkmate, đặc biệt khi Israel đang vận hành phi đội F-35I Adir hùng hậu.

Tất nhiên yêu cầu tiên quyết là Nga phải đưa Checkmate lên không trung. Nhưng rất đáng thất vọng khi thời gian sớm nhất mà chiếc máy bay này dự kiến được sản xuất hàng loạt là vào năm 2027.

Cần nhấn mạnh đó là ước tính lạc quan nhất. Nhiều khả năng phải đến thập niên 2030, khi các tiêm kích thế hệ thứ 6 của Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đi vào hoạt động thì Su-75 mới "hoàn thành thử nghiệm cơ bản", tức là nó đã lạc hậu từ trước khi sản xuất hàng loạt.

Một máy bay chiến đấu thế hệ 5 giá rẻ do Nga chế tạo rất khó thống trị bầu trời khi tiêm kích thế hệ 6 đã có mặt, Checkmate vì vậy đang nhận lo ngại sẽ đi vào tình trạng đáng buồn của MiG-35.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tiem-kich-tang-hinh-su-75-gap-kho-khi-ra-doi-giua-ky-nguyen-chien-dau-co-the-he-6-post529206.antd