Tiềm lực tài chính Hoa Sen thế nào khi góp nghìn tỷ mở Cty BĐS?

Công ty bất động sản được thành lập mới của Tập đoàn Hoa Sen có nhiệm vụ tìm kiếm bất động sản trị giá 1.000 - 3.000 tỷ đồng để phát triển dự án văn phòng - trung tâm thương mại - nhà ở...

Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (Hoa Sen Group, mã: HSG) vừa thông qua chủ trương đầu tư theo hình thức góp vốn với tỷ lệ 40% để thành lập Công ty CP Hoa Sen Sài Gòn.

Cụ thể, Công ty CP Hoa Sen Sài Gòn có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, trong đó, Hoa Sen Group nắm giữ 40% cổ phần, 60% còn lại đến từ các cổ đông sáng lập khác. Hoa Sen Sài Gòn hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê và có trụ sở chính tại số 22 - 24 Nguyễn Cơ Thạch, Khu đô thị Sala, phường An Lợi Đông, TP Thủ Đức (TPHCM). Ông Trần Ngọc Chu, Phó Chủ tịch HĐQT thường trực điều hành của Hoa Sen Group sẽ là người đại diện phần vốn góp tại Hoa Sen Sài Gòn.

Hoa Sen Sài Gòn được thành lập với mục đích sẽ tìm kiếm các bất động sản trị giá từ 1.000 - 3.000 tỷ đồng để phát triển dự án văn phòng - trung tâm thương mại - nhà ở; bố trí văn phòng làm việc cho Hoa Sen Group, cho thuê hoặc xem xét chuyển nhượng nếu điều kiện phù hợp. Được biết, thời gian triển khai đầu tư dự kiến trong tháng 1/2024.

Góp vốn lập cty đầu tư BĐS 1.000 - 3.000 tỷ, nguồn vốn Hoa Sen thế nào? (ảnh minh họa: Internet).

Tập đoàn Hoa Sen cho biết, trong trường hợp các cổ đông khác của Công ty CP Hoa Sen Sài Gòn chưa thu xếp kịp vốn để đầu tư vào các dự án, Hoa Sen Group sẽ tạm ứng kinh phí hoặc bảo lãnh các khoản vay của các cổ đông tại ngân hàng. Các cổ đông có nghĩa vụ trả gốc và lãi (nếu tạm ứng) hoặc trả lãi và các chi phí liên quan đến khoản vay tại ngân hàng (nếu được tập đoàn bảo lãnh khoản vay).

Ngoài ra, Tập đoàn Hoa Sen cũng nêu rõ, sau khi góp vốn thành lập công ty mới, nếu tình hình diễn biến thị trường thay đổi hoặc tập đoàn có nhu cầu thu hồi vốn đầu tư thì Hoa Sen Group sẽ chuyển nhượng lại phần vốn góp của mình cho các cổ đông hiện hữu của Công ty CP Hoa Sen Sài Gòn, với giá trị chuyển nhượng bằng giá trị ban đầu cộng với khoản lãi tính theo lãi suất bình quân liên ngân hàng tại thời điểm chuyển nhượng.

Lãi giảm sâu, cổ phiếu “thoát cảnh” cắt margin

Theo công bố thay đổi đăng ký kinh doanh mới nhất ngày 3/10/2023 cho thấy, người đại diện theo pháp luật của Hoa Sen Group bao gồm 3 cá nhân: Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT; ông Trần Ngọc Chu, Phó Chủ tịch HĐQT; ông Trần Quốc Trí, Tổng Giám đốc. Vốn điều lệ của Hoa Sen Group được tăng từ hơn 5.980 tỷ đồng lên hơn 6.159 tỷ đồng.

Mới đây, Hoa Sen Group đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất niên độ 2022 – 2023 đã được kiểm toán (niên độ tài chính công ty bắt đầu từ ngày 1/10/2022 đến ngày 30/9/2023) do Công ty KPMG Việt Nam kiểm toán.

Theo đó, tổng tài sản của Hoa Sen Group tại thời điểm ngày 30/9/2023 ghi nhận đạt hơn 17.365 tỷ đồng, chiếm phần lớn là hàng tồn kho hơn 7.628 tỷ đồng và tài sản cố định 5.019 tỷ đồng, không biến động nhiều so với đầu kỳ. Tiền và các khoản tương đương tiền của doanh nghiệp này ghi nhận trên 600 tỷ đồng (gần gấp đôi so với thời điểm 1/10/2022).

Bên kia bảng cân đối kế toán, vốn chủ sở hữu của Hoa Sen Group tính đến hết niên độ tài chính 2022 - 2023 biến động không đáng kể, đạt khoảng 10.780 tỷ đồng, trong đó 4.369 tỷ đồng là lãi chưa phân phối. Cũng tại ngày 30/9/2023, nợ phải trả của Hoa Sen Group ghi nhận ở mức 6.585 tỷ đồng, trong đó, vay nợ ngắn hạn giảm gần 30% so với đầu kỳ về còn 2.936 tỷ đồng, công ty không ghi nhận phát sinh nợ vay dài hạn. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 6,1 lần.

Kết quả kinh doanh ở niên độ tài chính này, Hoa Sen Group đạt doanh thu thuần 31.650 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 30 tỷ đồng, giảm tương ứng 36% và 88% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do doanh thu bán hàng suy giảm mạnh. Theo giải trình, Hoa Sen Group cho biết lợi nhuận sau thuế niên độ tài chính 2022 – 2023 giảm so với cùng kỳ do lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm do tác động từ việc giảm lợi nhuận gộp...

Theo kế hoạch mới được công bố, Hoa Sen Group sẽ tổ chức họp đại hội đồng cổ đông thường niên cho niên độ tài chính 2023 - 2024 vào ngày 18/3/2024 để trình kết quả kinh doanh năm cũ, kế hoạch kinh doanh năm mới cùng một số nội dung khác như: Kết quả thực hiện chi trả cổ tức, báo cáo thù lao, chi phí hoạt động của HĐQT, phương án xử lý lợi nhuận, tái cấu trúc theo hướng chuyên môn hóa các mảng sản xuất kinh doanh trọng tâm của tập đoàn, bầu cử nhân sự nhiệm kỳ mới... Các tài liệu họp hiện chưa được tập đoàn này công bố.

Trên thị trường chứng khoán, ngày 26/12 vừa qua, Sở Giao dịch Chứng Khoán TPHCM (HoSE) đã ra quyết định về việc đưa cổ phiếu HSG của Hoa Sen Group ra khỏi danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin). Lý do được HoSE cấp margin trở lại là cổ phiếu HSG đã khắc phục tình trạng không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ.

Trước đó, vào cuối tháng 5/2023, HoSE đưa cổ phiếu HSG vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng (niên độ tài chính 2022 - 2023) là số âm. Cụ thể, công ty lỗ sau thuế ghi nhận 424 tỷ đồng.

Liên Hà Thái

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kinh-doanh/tiem-luc-tai-chinh-hoa-sen-the-nao-khi-gop-nghin-ty-mo-cty-bds-1938540.html