Tiềm năng của tên lửa Hermes

Trong số những vũ khí hiện đại được công nghiệp quốc phòng Nga phát triển những năm trở lại đây, tên lửa đa dụng Hermes là một loại vũ khí dẫn đường chính xác cao được giới quan sát đặc biệt chú ý.

Tên lửa này dự kiến sẽ được trang bị cho tất cả các binh chủng của quân đội Nga, đối phó được nhiều loại mục tiêu trên không, trên bộ lẫn trên biển.

Tên lửa đối đất có nguồn gốc từ tên lửa phòng không

Năm 1980, Lục quân Liên Xô bắt đầu đưa vào biên chế tổ hợp phòng không tự hành 2K22 “Tunguska”, do Cục Thiết kế chế tạo khí cụ (KBP) tại thành phố Tula phát triển. Lúc ra đời, đây là tổ hợp phòng không uy lực hàng đầu thế giới, chủ yếu do loại tên lửa của nó.

Tên lửa của tổ hợp 2K22 có thiết kế hai tầng: Tầng khởi tốc và tên lửa chính. Khi phóng, tầng thứ nhất tăng tốc tên lửa lên tới 900m/s rồi tách rời. Tên lửa chính sau đó mới khởi động để đánh chặn mục tiêu. Phương pháp này cho phép tên lửa đạt vận tốc cao ngay từ khi mới rời ống phóng, giống một viên đạn bắn ra khỏi nòng súng. Việc tách tầng cũng giúp thu gọn kích thước tên lửa, giúp tăng tính linh hoạt khi bay.

 Tổ hợp phòng không tầm ngắn Pantsir phóng tên lửa.Ảnh: Sputnik.

Tổ hợp phòng không tầm ngắn Pantsir phóng tên lửa.Ảnh: Sputnik.

Với kiểu tên lửa rất thành công này, KBP đã thiết kế ra một loạt những tổ hợp phòng không tầm ngắn cho lục quân và hải quân. Nổi bật trong số đó là tổ hợp phòng không Pantsir, hiện rất được ưa chuộng trên thế giới.

Cuối những năm 1980, các nhà thiết kế của KBP nghĩ tới việc phát triển một loại tên lửa đối đất dựa trên thiết kế hai tầng như các sản phẩm tên lửa phòng không “sở trường” của cục. Tên lửa Hermes đã ra đời sau những kinh nghiệm nghiên cứu đó.

Dự án nhiều trắc trở

Do sự kiện Liên Xô tan rã năm 1991, kéo theo là nhiều năm kinh tế Nga gặp khó khăn, dự án Hermes bị đình trệ. Tới năm 2003, nguyên mẫu của tên lửa mới được phóng thử trên một trực thăng Ka-52.

Kết quả thử nghiệm cho những thông số ấn tượng. Tên lửa có tầm bắn tối đa khoảng 15km, ngoài tầm hỏa lực của hầu hết các hệ thống phòng không tầm thấp khi đó. Đầu đạn tên lửa đủ sức tiêu diệt các loại mục tiêu trên chiến trường như xe cơ giới, thiết giáp nhẹ, công sự dã chiến, bộ binh. Đối với mục tiêu kiên cố như xe tăng, tên lửa vẫn đủ khả năng làm mất sức chiến đấu nhờ phá hủy các thiết bị như kính ngắm, nòng pháo trên xe.

Tên lửa Hermes (giữa) bên cạnh hai phiên bản tên lửa của tổ hợp phòng không Pantsir.Ảnh: KBP.

Tên lửa bay bằng dẫn đường quán tính tới gần mục tiêu, sau đó đánh trúng đích nhờ dẫn đường laser hoặc hồng ngoại. Đầu dò hồng ngoại đem lại khả năng “bắn và quên”, ngay cả khi mục tiêu nằm ngoài tầm nhìn. Phương thức dẫn đường bằng laser còn giúp Hermes đánh trúng mục tiêu thông qua các thiết bị chỉ thị khác, không cần tới sự tham gia của phương tiện phóng.

Tuy nhiên, quân đội Nga tiếp nhận nhưng không biên chế tên lửa Hermes. Một mặt, tên lửa có nhiều tính năng ưu việt nhưng quá mới, không phù hợp chiến thuật của lục quân giai đoạn đó. Mặt khác, do vấn đề kinh phí nên bộ Quốc phòng Nga dành ưu tiên nhiều hơn để mua sắm và nâng cấp các loại tên lửa đối đất đã chứng minh tính hiệu quả.

Trong những năm tiếp theo, KBP phát triển Hermes song song với các loại tên lửa phòng không mới cho tổ hợp Pantsir. Phải đến năm 2016, Hermes mới có cuộc “thử lửa” đầu tiên ở Syria.

Vũ khí đa năng chưa có đối thủ

Năm 2020, Bộ quốc phòng Nga tuyên bố, tên lửa Hermes sẽ được trang bị trên tổ hợp phòng không hạm Pantsir-ME, cũng như các loại trực thăng tấn công Mi-28NM và Ka-52K mới. Ngoài ra, KBP cho biết đã phát triển một phiên bản Hermes-K có tầm bắn tới 100km, đặt trên bệ phóng cố định, khung gầm xe cơ giới hoặc tàu hải quân. Hermes-K đã ra mắt công chúng tại Triển lãm quân sự Army-2020 vừa qua.

Việc tăng tầm cho tên lửa rất đơn giản, chỉ cần tăng kích thước tầng khởi tốc để tăng sơ tốc tên lửa sau khi rời ống phóng. Phiên bản tầm xa này được dùng như một loại tên lửa chống hạm siêu âm cỡ nhỏ. Ở trên bộ, Hermes-K đóng vai trò như đạn pháo phản lực dẫn đường. Lực lượng tác chiến trên tiền tuyến có thể chỉ thị cho tổ hợp từ tuyến sau tấn công mục tiêu, như một loại hỏa lực chi viện chính xác cao.

Tên lửa Hermes rời bệ phóng.Ảnh: topwar.ru.

Trên thế giới, những loại tên lửa dẫn đường ngoài tầm nhìn không phải là mới. Điển hình trong dòng vũ khí này phải kể đến tên lửa AGM-114 của Mỹ, Spike của Israel hay HJ-10 của Trung Quốc. Tuy nhiên, tên lửa Hermes tỏ ra vượt trội hơn hẳn về tốc độ, tầm bắn và tính đa dụng.

Các phiên bản của Hermes có thể được triển khai trên nhiều phương tiện phóng khác nhau, đối phó được nhiều loại mục tiêu chỉ với vài thay đổi về cơ chế dẫn đường và đầu đạn. Ưu điểm này giúp đơn giản hóa quá trình sản xuất, bảo dưỡng, cũng như huấn luyện vận hành.

Nhằm duy trì lợi thế dẫn trước về loại vũ khí này, ngay trong quá trình phát triển Hermes, KBP đã đưa ra đề xuất về một loại tên lửa kế cận có tên Klevok-D2. So với Hermes, Klevok-D2 dự kiến sẽ còn có tốc độ nhanh hơn, quỹ đạo bay phức tạp hơn để vượt qua các hệ thống phòng thủ tên lửa.

ĐĂNG SƠN (tổng hợp)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/tiem-nang-cua-ten-lua-hermes-652914