Tiềm năng không giới hạn của khinh khí cầu trong quân sự

Khinh khí cầu đang được kỳ vọng đóng nhiều vai trò quan trọng hơn trong lĩnh vực quân sự tương lai.

Những ứng dụng sơ khai

Khí cầu là một túi chứa không khí nóng hay các chất khí có khối lượng riêng nhỏ hơn không khí và nhờ lực đẩy Ác-si-mét (Archimedes) có thể bay lên cao. Khinh khí cầu do Joseph và Etienne Montgolfier - những người con của ông chủ xưởng giấy Montgolfier ở Annonay (Pháp) sáng chế, được sản xuất và vận hành chính thức vào năm 1783 - một cột mốc quan trọng trong việc chinh phục bầu trời của con người.

Mô hình khí cầu hiện đại; Nguồn ảnh: boatinternational.

Mô hình khí cầu hiện đại; Nguồn ảnh: boatinternational.

Trong nội chiến ở Mỹ (1861), chiến tranh Pháp - Phổ (1870) và chiến tranh Áo - Italy (1894), khinh khí cầu đã có vai trò quan trọng trong việc theo dõi chuyển quân của đối phương. Dù vậy, theo các nhà nghiên cứu, Trung Quốc là nước đầu tiên đầu tư mạnh cho phương tiện này. Năm 1905, vùng Hồ Quảng (Trung Quốc) đã mua từ Nhật Bản 2 khí cầu trinh sát tiên tiến kiểu Yamada, tạo ra nhiều bước ngoặt trong chiến đấu. Tháng 4/1908, lục quân Hồ Bắc đã thành lập đội khí cầu trinh sát đầu tiên - được coi là lực lượng không quân sơ khai nhất của Trung Quốc.

Những năm đầu, khí cầu được sản xuất bằng các chất liệu mềm, kém bền, chủ yếu dùng để thử nghiệm và giải trí. Trước khi chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ vào 1914, nhiều khí cầu Graf Zeppelin (được đặt theo tên người Đức chế tạo ra chúng) với chiều dài 150 - 160m và thể tích 22.000 - 25.000m³, gắn ba động cơ Maybach công suất 147 kW (200 mã lực), có thể mang tải trọng 9 tấn, đạt vận tốc 80km/h, đã được Lục quân và Hải quân Đức mua. Bắt đầu từ 1916, các Zeppelin mới đã có thể bay cao tới 7.000m và làm nhiệm vụ thả bom.

Zeppelin là khí cầu khung cứng thành công nhất, từng được sử dụng vào 1900 - 1940 để chuyên chở hành khách, có khả năng vận tải tới 25 tấn hàng hóa trên khoảng cách hơn 10.000 km. Sự phát triển kĩ thuật khí cầu tạo ra tiền đề cho việc sử dụng thực tiễn đã thực sự hấp dẫn giới quân sự. Sau đó, sự xuất hiện của máy bay như một dạng vũ khí mới đã gây kinh ngạc, vai trò khí cầu phần nào bị lu mờ khi giới chức Đức đặt nhiều hy vọng vào những chiếc máy bay có thể đạt độ cao lớn hơn, bay nhanh và xa hơn, vũ khí hóa mạnh hơn, ở trong không trung lâu hơn… dùng để do thám và ném bom.

Dù không nổi tiếng như Đức và bắt đầu phát triển vào cuối năm 1920 - khi nội chiến đang trong giai đoạn căng thẳng nhất, nhưng Nga/Liên Xô cũng sở hữu một đội khinh khí cầu đông đảo và có phần bí ẩn dùng để trinh sát chiến trường. Tới Thế chiến II, khí cầu Liên Xô có thêm nhiệm vụ huấn luyện nhảy dù cho các lực lượng đặc nhiệm và phi công với chi phí rẻ hơn nhiều so với việc dùng máy bay, hay vận chuyển những kiện hàng nhỏ trên những quãng đường ngắn. Năm 1933, USSR-V5 được trình làng được coi là một cuộc cách mạng thật sự của công nghệ khí cầu Liên Xô khi đó.

Trong chiến tranh Vệ quốc, khí cầu là một trong những vũ khí quan trọng của Hồng quân Liên Xô, tuy vậy, vai trò của chúng trên mặt trận phía Đông rất mờ nhạt. Giới chức Liên Xô lúc bấy giờ nhận định, khí cầu đang dần mất đi khả năng chiến đấu trên không so với máy bay và quyết định phát triển khinh khí cầu cho mục đích thương mại và dân sự như dập các đám cháy rừng, rải thuốc diệt muỗi sốt rét, vận tải… chứ không phải cho chiến đấu. Đầu những năm 1950, Liên Xô bắt đầu hạn chế các dự án phát triển khí cầu dành cho mục đích quân sự lẫn dân sự.

Trong Thế chiến II, Mỹ đã sử dụng khinh khí cầu vào việc hộ tống, định hướng hoạt động của tàu thuyền, tìm kiếm và tấn công tàu ngầm. Mỹ cũng đã dùng hàng trăm khinh khí cầu sử dụng bom napalm để oanh tạc mục tiêu của đối phương. Một trong những ưu điểm của khí cầu là có thể chịu được hàng trăm viên đạn của đối phương mà vẫn không bị bắn rơi. Khi bị dính đạn, khí cầu sẽ mất dần lực nâng và tiếp đất nhẹ nhàng, không đột ngột rơi xuống đất như các loại máy bay.

Tiềm năng không giới hạn

Một trong những vấn đề lớn của không quân hiện đại là chi phí đắt đỏ cho việc mua sắm máy bay và trực thăng và cả cho việc đảm bảo kỹ thuật và hoạt động của chúng. Theo các chuyên gia quân sự, khinh khí cầu rẻ hơn máy bay trực thăng và máy bay vận tải, có khả năng vận chuyển được nhiều hàng hóa hơn (khí cầu Hindenburg có khả năng chở 100 tấn) và đến những vùng xa xôi, hiểm trở, hẻo lánh hơn, có thể bay dài mà không cần tiếp nhiên liệu, rẻ hơn máy bay do thám hoặc vệ tinh giám sát. Khinh khí cầu có thể lưu lại trong không trung nhiều ngày, tại một vị trí, trong khi máy bay sẽ phải hạ cánh sau vài giờ, ngay cả khi được tiếp liệu trên không.

Hoạt động của khí cầu dự án LEMV. Nguồn ảnh: newatlas.

Khí cầu và máy bay là phương tiện cung cấp thông tin cho các hệ thống tên lửa phòng không tiêu diệt các mục tiêu bay thấp ở khoảng cách xa, không có sự tham gia của các chiến đấu cơ, tuy nhiên, khả năng của khí cầu không giới hạn ở trinh sát radar. Trong thế kỷ 21, khí cầu sẽ được tích hợp các kỹ thuật và công nghệ mới để chở hàng hóa trên một khoảng cách lớn, thay thế một cách hiệu quả các vệ tinh trong trinh sát và liên lạc... Một khinh khí cầu nhỏ bay ở độ cao 20km có thể đảm bảo phạm vi liên lạc với bán kính lên đến 750km. Chúng cũng được kỳ vọng sẽ đóng nhiều vai trò quan trọng hơn trong quân sự và xung đột trong tương lai…

Trong khi các chuyên gia kỹ thuật và quân sự đang miệt mài hiện thực hóa nhiều ý tưởng táo bạo sử dụng khí cầu cho mục đích quân sự, có không ít lo ngại rằng, khí cầu phục vụ mục đích trinh sát tỏ ra lạc hậu trong chiến tranh hiện đại khi nó có thể bị đối phương bắn hạ dễ dàng do có tốc độ bay chậm và kích thước đồ sộ, chưa kể, công nghệ khinh khí cầu mới cũng cần được kiểm nghiệm độ tin cậy và hiệu quả làm việc. Nếu việc triển khai khí cầu quân sự cho mục đích giám sát của Mỹ trở thành hiện thực, nhiều khả năng chúng sẽ chỉ được dùng ở những khu vực an toàn hay cho lực lượng an ninh và vệ binh quốc gia mà thôi.

Hiện nay Nga đã triển khai các vệ tinh quân sự chuyên dụng trên vũ trụ, truyền tin bằng khinh khí cầu quá lạc hậu, không phù hợp với chiến tranh tương lai… Minh chứng cụ thể nhất là việc hôm 20/6 vừa qua, quân đội Iran đã bắn rơi chiếc UAV RQ-4A Global Hawk của Mỹ - phương tiện khó đối phó gấp nhiều lần so với khí cầu. Tuy nhiên, trường phái ủng hộ khí cầu lập luận, bất kỳ vật thể đứng yên nào, như các trạm radar của hệ thống cảnh báo tấn công tên lửa, đều là mục tiêu dễ bị tổn thương, nhưng không thể từ bỏ chúng.

Trong thực tế, khí cầu hiện nay không chứa đầy hydro, thay vào đó chứa helium không bắt lửa và thực sự khó bắn hạ hơn người ta tưởng. Nếu việc phát triển khí cầu có tải trọng 500-1000 tấn thành công, chúng có thể trở thành một thành tố thiết yếu trong hệ thống hậu cần của các lực lượng vũ trang hiện đại nhờ kết hợp các lợi thế của máy bay vận tải, trực thăng và tàu.

Các khinh khí cầu có thể chở tới 500 tấn - nhiều gấp sáu lần so với vận tải cơ C-17 Globemaster III; có thể bay qua các đại dương và chuyển hàng hóa lên boong tàu, lên các bãi biển được bảo vệ bởi thủy quân lục chiến, hoặc các bãi đáp gần các khu vực chiến sự. Trong trường hợp này, yếu điểm của khí cầu có thể được khắc phục bằng cách chọn các đường bay tối ưu để tránh va chạm với lực lượng địch.

Một hướng đầy tiềm năng của khí cầu là tạo ra các phương tiện mang UAV để sử dụng trong các cuộc xung đột cục bộ chống lại kẻ thù không được trang bị hệ thống phòng không hiện đại, nhằm giành quyền kiểm soát một thành phố bị phiến quân chiếm giữ. Tấn công trực tiếp có thể dẫn đến tổn thất lớn về người, việc sử dụng máy bay chiến đấu và trực thăng đòi hỏi nguồn tài chính đáng kể. Các máy bay chiến đấu hiện đại không phù hợp để tiểu trừ các nhóm chiến binh rải rác; chiến đấu cơ và trực thăng quân sự dễ bị tổn thương trước hỏa lực của quân thù. Trong tình huống này, sử dụng khí cầu mang UAV cỡ nhỏ và trung bình lơ lững tại một vị trí nhất định phía trên thành phố, ở độ cao mà súng bộ binh không thể với tới, sẽ là giải pháp tối ưu.

Sau khi khí cầu chiếm lĩnh vị trí, UAV được trang bị bom dẫn đường đường kính nhỏ, tên lửa có điều khiển, súng phóng lựu nhỏ và lựu đạn… sẽ được phái đi tuần tra. Sau khi phát hiện mục tiêu bởi phương tiện trinh sát radar và hình ảnh nhiệt của chính UAV hoặc phương tiện trinh sát của khí cầu, UAV gần nhất sẽ được điều động để tiêu diệt mục tiêu. Sau 2-4 tuần, khí cầu sẽ được thay thế bằng một chiếc khí cầu khác với các vũ khí và các phương tiện bổ trợ cần thiết. Ngoài ra, khí cầu cũng có thể tích hợp tên lửa phòng thủ để đánh chặn các tên lửa của đối phương hoặc tên lửa tấn công để tiêu diệt các mục tiêu mà nó phát hiện được.

Nhiệm vụ chính của khí cầu là gây áp lực liên tục, suốt ngày đêm, làm kiệt sức đối phương và đảm bảo thời gian phản ứng tối thiểu. Sau vài tuần, kẻ thù sẽ bị mất tinh thần và sẽ chịu tổn thất nặng nề về sinh lực và vũ khí. Trong trường hợp tấn công mặt đất, các UAV từ khí cầu sẽ hỗ trợ trực tiếp lực lượng mặt đất từ trên không. Việc đặt UAV thay thế trên các căn cứ mặt đất sẽ đòi hỏi phải trưng dụng các biến thể có tầm bay lớn hơn và do đó, chi phí cao hơn, hoặc phải xây dựng căn cứ gần khu vực chiến sự và phải có biện pháp bảo vệ chúng. Trong mọi trường hợp, thời gian phản ứng sẽ tăng lên và thời cơ tiêu diệt kẻ thù sẽ giảm.

Chi phí bay UAV cỡ trung bình dạng Predator đắt (khoảng 4.700 USD), chi phí bay UAV kích thước nhỏ thấp hơn nhiều (khoảng 1.000 USD) và sẽ giảm đáng kể tổng chi phí hỗ trợ đường không trong các cuộc xung đột cục bộ. Mất UAV kích thước nhỏ cũng ít nhạy cảm hơn nhiều so với mất UAV kích thước trung bình, chưa kể đến việc máy bay có người lái hay trực thăng bị bắn hạ./.

CTV Lê Ngọc/VOV.VN
Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/tiem-nang-khong-gioi-han-cua-khinh-khi-cau-trong-quan-su-932122.vov