Tiềm năng lớn về carbon từ rừng, nông nghiệp, năng lượng

Mặc dù phải đến năm 2028, thị trường mua bán chứng chỉ carbon tại Việt Nam mới chính thức đi vào hoạt động, song Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN-MT) Tăng Thế Cường cho biết, tiềm năng 'hàng hóa', các bên mua bán đã có và không nhỏ.

Cụ thể, cả nước hiện có gần 2.000 doanh nghiệp thuộc diện bắt buộc phải kiểm kê khí nhà kính và đáp ứng hạn ngạch phát thải. Gần 300 dự án CDM (cơ chế phát triển sạch) và khoảng 30 triệu tín chỉ carbon đã được ban hành từ các dự án tín chỉ carbon được phát triển theo cơ chế CDM tại Việt Nam.

Ngoài CDM, Việt Nam cũng phát triển các dự án tín chỉ carbon theo các tiêu chuẩn quốc tế độc lập. Thống kê cho thấy, có 32 dự án đăng ký theo Tiêu chuẩn vàng (GS) và 27 dự án đăng ký theo tiêu chuẩn carbon được thẩm định (VCS) với số lượng tín chỉ được ban hành lần lượt là 5,7 triệu và 1,3 triệu tín chỉ.

Đáng lưu ý, Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng lớn về carbon rừng với tổng diện tích rừng khoảng 14,7 triệu ha, độ che phủ rừng 42%. Ước tính, con số hấp thụ carbon bình quân mỗi năm là khoảng 69,8 triệu tấn CO2.

Về nguyên lý, dự án nào giúp cắt giảm khí thải nhà kính thì đều có thể chuyển thành tín chỉ carbon, do vậy không chỉ có rừng mà nhiều lĩnh vực khác như nông nghiệp, năng lượng… đều có thể tạo ra hàng hóa tốt cho thị trường. Việt Nam đã có đề án xây dựng 1 triệu ha lúa chuyên canh phát triển bền vững tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có nội dung “đóng gói” thành tín chỉ carbon.

Có thể kể đến Tập đoàn Lộc Trời với dự án sản xuất lúa carbon thấp; áp dụng quy trình canh tác theo tiêu chuẩn bền vững của SRP (Diễn đàn lúa gạo bền vững quốc tế - Sustainable Rice Platform). Đây là đơn vị đầu tiên và duy nhất trên thế giới được đánh giá đạt 100 điểm trong triển khai SRP (SRP 100) trong 3 năm liền, từ 2020-2022, với diện tích canh tác khoảng 250ha mỗi năm.

Trong lĩnh vực năng lượng, có thể kể đến Nhà máy điện gió tỉnh Bạc Liêu với tổng công suất 99,2 MW, góp phần giảm phát thải khoảng 143.761 tấn CO2 mỗi năm; Dự án thủy điện Nậm Pia (Sơn La), với tổng công suất 15 MW, giảm phát thải khoảng 30.780 tấn CO2 mỗi năm; Dự án nhiệt điện sử dụng bã mía tại Công ty CP Mía đường Lam Sơn giảm phát thải khoảng 31.706 tấn CO2 mỗi năm.

Cùng với đó là Dự án xử lý rác thải đô thị Vietstar (Củ Chi, TPHCM) với nhiều hoạt động, từ phân loại rác thải đô thị (MSW), tái chế rác thải từ nhựa, xử lý nhiệt hiếu khí phần hữu cơ áp dụng công nghệ phân hủy LEMNA, ước tính giảm phát thải được tới 181.492 tấn CO2 mỗi năm. Cũng tại TPHCM, dự án chuyển đổi nhiên liệu lò hơi từ dầu FO sang than trấu tại Công ty Sài Gòn VeWong giúp giảm phát thải là 24.866 tấn CO2 mỗi năm.

Đáng lưu ý, tuy quy mô không lớn, cuối tháng 5-2022, Tập đoàn tài chính Citi (Mỹ) cho biết, đã hoàn tất thương vụ mua tín chỉ carbon tự nguyện đầu tiên (VCC) của dự án sản xuất và phân phối bếp cải tiến và máy lọc nước cho cộng đồng thu nhập thấp ở nông thôn Việt Nam.

Dự án này khi đó hỗ trợ 5 triệu người sống trong các hộ gia đình có bếp nấu và máy lọc nước, giảm đáng kể lượng khí thải CO2 so với việc đun nấu bằng bếp than bếp củi vốn được sử dụng rộng rãi.

BẢO VÂN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tiem-nang-lon-ve-carbon-tu-rung-nong-nghiep-nang-luong-post704438.html