Tiềm năng thị trường Úc từ Hiệp định CPTPP

Hôm nay, 12/4, tại Trụ sở VCCI đã diễn ra Hội thảo 'Tiềm năng thị trường Úc từ hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)'. Hội thảo khẳng định, nước Úc tuy chỉ có 25 triệu dân nhưng nhu cầu nhập khẩu nhiều và đây là thị trường rất tiềm năng của Việt Nam.

Hội thảo Tiềm năng thị trường Úc từ hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) diễn ra ngày 12/4/2014 tại Hà Nội. Ảnh: Lương Minh

Là một trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới và một trong 10 điểm đến hấp dẫn nhất của FDI toàn cầu, Úc đã và đang trở thành một trong những thị trường xuất khẩu và đầu tư rất tiềm năng của Việt Nam. Úc cũng là đối tác FTA của Việt Nam theo Hiệp định thương mại tự do (FTA) ASEAN – Australia/New Zealand (AANZFTA) từ 2010. Tuy nhiên, đến nay giá trị xuất khẩu và đầu tư của Việt Nam sang Úc vẫn còn khá hạn chế. Việt Nam và Úc vừa có thêm một FTA mới là Hiệp định CPTPP – FTA có mức độ tự do hóa và phạm vi cam kết lớn nhất từ trước tới nay của Việt Nam, có hiệu lực từ đầu 2019. Trong CPTPP, Úc có thêm nhiều cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động cho Việt Nam so với AANZFTA, mở ra những cơ hội mới cho xuất khẩu và đầu tư của Việt Nam sang thị trường này.

Đến với hội thảo, có rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam tỏ ra hứng thú với thị trường này nhưng họ lại băn khoăn về đặc tính của thị trường. Theo TS. Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Trọng tài viên trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam thì: "Có thể nói, thị trường Úc là một thị trường khá khó tính. Nhưng nếu các doanh nghiệp Việt Nam có thể nắm bắt được đặc điểm của thị trường này thì đây là một thị trường khá tiềm năng để khai thác lâu dài.

Trong vài năm gần đây, cộng đồng doanh nghiệp Úc ngày càng quan tâm nhiều tới thị trường Việt nam. Hiện nay, Việt Nam và Úc đã trở thành đối tác thương mại quan trọng của nhau. Chỉ trong vòng 10 năm, kể từ năm 2005, kim ngạch thương mại 2 chiều năm đã tăng gấp 2 lần, từ 3 tỷ lên 6 tỷ USD. Úc là bạn hàng xuất khẩu đứng thứ 8 và bạn hàng nhập khẩu đứng thứ 12 của Việt Nam... Qua đây để thấy được những tiền đề lớn, khá thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam xâm nhập tại thị trường Úc".

Tuy nhiên, để chiếm lĩnh thị trường này thì vấn đề hiểu được người tiêu dùng Úc là một khâu vô cùng quan trọng đối với tất cả doanh nghiệp Việt Nam có ý định xuất khẩu hàng sang đây. Người tiêu dùng Úc khá "bảo thủ" và rất hiểu biết về vấn đề "giá cả tương xứng với giá trị". Do vậy, sản phẩm chất lượng luôn là ưu tiên trong lựa chọn với người tiêu dùng Úc.

Tiềm năng là thế, nhưng khó khăn không phải không có. Và việc vượt qua những khó khăn này cũng là vấn đề mà các doanh nghiệp Việt Nam cần đặc biệt quan tâm. Hầu hết các nhà nhập khẩu Úc thường có mối quan hệ gần gũi với những nhà cung cấp quen thuộc để đảm bảo việc kinh doanh được liên tục và rất ít thay đổi nhà cung cấp một cách đột ngột. Quan điểm của nhà nhập khẩu Úc với nhà cùng cấp mới là họ khá lo ngại những khó khăn trong quan hệ kinh doanh với nhà cung cấp mới, lo ngại khi làm ăn với các nhà cung cấp chưa chứng tỏ được sự tự tin trong việc cung cấp hàng có chất lượng ổn định, giao hàng đúng hạn và giữ liên hệ thường xuyên.

Mặt khác ngày càng nhiều nhà nhập khẩu hàng tiêu dùng của Úc sử dụng dịch vụ của đại lý mua hàng ở nước ngoài để tìm nhà cung cấp phù hợp, hỗ trợ đàm phán mua hàng, kiểm tra chất lượng, thu xếp vận chuyển hàng hóa và thanh toán. Hình thức này đặc biệt được áp dụng trong trường hơp các nhà nhập khẩu mua hàng từ một nước không quen và họ không chắc chắn về độ tin cậy của các nhà cung cấp khác nhau.

Ngoài ra thì khó khăn về địa lý và khác biệt về thị hiếu tiêu dùng cũng là một bất cập mà doanh nghiệp Việt Nam cần nắm được. Chính sách thương mại và thuế của Úc khá minh bạch, nhưng hàng rào phi thuế quan khá chặt chẽ. Cơ cấu hàng xuất khẩu vẫn nặng về nguyên liệu thô và hàng sơ chế... Nếu nâng cao được chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm thì Việt Nam sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường Úc và là đối thủ cạnh tranh "nặng ký" với nhiều nước lớn như Trung Quốc, Thái Lan, Malayxia...

Lương Minh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tiem-nang-thi-truong-uc-tu-hiep-dinh-cptpp-post60121.html