Tiềm năng từ kinh tế số…

Khó có thể phủ nhận nền kinh tế số tạo ra nhiều cơ hội cho các nền kinh tế vì có tiềm năng tạo ra sự thay đổi to lớn trong môi trường xã hội và các hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, Chính phủ, doanh nghiệp và người dân cũng phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc hiện thực hóa các lợi ích tiềm năng của nền kinh tế số.

Có nhiều định nghĩa khác nhau về nền kinh tế số, tuy nhiên nhìn chung xu hướng này được hiểu là “mạng lưới các hoạt động kinh tế và xã hội toàn cầu được xây dựng và diễn ra trên nền tảng công nghệ thông tin và truyền thông, như internet, mạng di động và mạng cảm biến”. Theo thống kê, thương mại điện tử xuyên biên giới đã tạo ra hàng nghìn tỷ đô la trong hoạt động kinh tế những năm gần đây và đang tiếp tục tăng tốc. Khả năng truyền dữ liệu xuyên biên giới tạo nền tảng cho các mô hình kinh doanh mới, giúp tăng trưởng 10% GDP toàn cầu trong một thập kỷ qua.

Ngày nay, một nửa dân số thế giới đã kết nối trực tuyến, một phần ba trên mạng xã hội, 53% là qua điện thoại di động và bao phủ ở mọi lứa tuổi, chủng tộc, địa lý và trình độ trên khắp hành tinh. Ước tính kinh tế số khu vực Đông Nam Á đạt 72 tỷ đô la Mỹ năm 2018 và dự kiến đạt 240 tỷ đô la Mỹ năm vào năm 2025. Trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, kinh tế số được dự đoán có thể chiếm tới 60% GDP khu vực vào năm 2021.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, khó có thể phủ nhận rằng nền kinh tế số tạo ra nhiều cơ hội cho các nền kinh tế vì nó có tiềm năng tạo ra sự thay đổi to lớn trong môi trường xã hội và các hoạt động kinh tế. Nền kinh tế số góp phần tạo ra tăng trưởng cao, đổi mới nhanh chóng và ứng dụng rộng rãi vào các ngành kinh tế khác nhau. Hơn nữa, nền kinh tế số cho phép các doanh nghiệp trong khu vực hội nhập toàn cầu, phù hợp với xu hướng dài hạn hướng tới tự do hóa thị trường và giảm đi các rào cản thương mại.

Tuy nhiên, Chính phủ, doanh nghiệp và người dân cũng phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc hiện thực hóa các lợi ích tiềm năng của nền kinh tế số. Những vấn đề đó có thể bao gồm: khoảng cách và sự khác biệt về quy định pháp lý và cơ sở hạ tầng, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, khả năng thích ứng chuyển đổi công nghệ kém, kỹ năng phát triển kèm theo còn chưa tương ứng, rào cản kinh tế xã hội, các vấn đề liên quan đến niềm tin, quyền bảo mật và minh bạch, hiểu biết hạn chế về sự khác biệt trong việc tiếp cận và thích ứng với sự phát triển của công nghệ của người dân ở các quốc gia khác nhau...

Đứng từ góc độ là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Công Thương coi việc xây dựng, điều chỉnh chính sách để hỗ trợ kinh tế số phát triển là một nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Kinh tế số tạo ra nhiều cơ hội cho các nền kinh tế vì có tiềm năng tạo ra sự thay đổi to lớn trong môi trường xã hội và các hoạt động kinh tế.

Bên cạnh đó, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương chia sẻ, trong thời gian qua, nước ta đã đạt được những con số khá ấn tượng về việc phát triển kinh tế số. Doanh thu trung bình về thương mại điện tử từ 2013 đến nay đạt khoảng 25%. Dự đoán doanh thu thương mại điện tử đạt khoảng 15 tỷ năm 2020 thay vì 10 tỷ như dự đoán trước kia.

Tuy nhiên, một số lĩnh vực khác vẫn còn tồn tại rất nhiều hạn chế, đặc biệt là việc chuyển đổi số cho lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp hiện còn diễn ra rất chậm chạp và chưa được quan tâm đúng mức.

Bà Natasha Beschorner, Chuyên gia cao cấp về Chính sách Công nghệ thông tin, Ngân hàng thế giới (WB) cho hay, mặc dù đã có những bước phát triển nhất định, tuy nhiên khu vực Đông Nam Á vẫn đang đi sau về thương mại điện tử. Để phát triển nền kinh tế số tại Việt Nam nói riêng và các nước Đông Nam Á nói chung, cần chú trọng đến các vấn đề về tính kết nối (từ đô thị, thành phố cho đến các vùng sâu, vùng xa...), thanh toán số, kỹ năng số, kỹ thuật số, logistics... Đặc biệt, cần thu hút nhân tài để không bị "chảy máu chất xám".

Bà Natasha Beschorner đánh giá nước ta đang ngày càng trở nên thân thiện hơn về logistics. Tuy nhiên, chuyên gia cho biết, điều quan trọng nhất thời điểm này chính là việc phải hoàn thiện khung khổ pháp lý chính quy để thúc đẩy nền kinh tế số phát triển, đặc biệt với một nước đang trong quá trình CNH, HĐH như Việt Nam.

Thanh Phong

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/tiem-nang-tu-kinh-te-so-d168502.html