Tiềm năng ứng dụng của thực khuẩn thể trong lĩnh vực nông nghiệp và an toàn thực phẩm

ThS. LÊ HOÀNG BẢO NGỌC (Bộ môn Công nghệ sinh học, Khoa Nông nghiệp - Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học An Giang)

TÓM TẮT:

Bài viết giới thiệu khái quát về liệu pháp thực khuẩn thể, một phương pháp kháng khuẩn chuyên biệt và an toàn. Đây không phải là phương pháp mới mà chỉ là một liệu pháp được sử dụng trở lại để phòng trừ nhóm vi khuẩn kháng kháng sinh và có khả năng hình thành màng sinh học. Nội dung bài báo bao gồm: Đặc điểm sinh học, cơ chế tiêu diệt vi khuẩn, cấu trúc, phân loại của thực khuẩn thể, kết quả ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ thực phẩm. Từ đó rút ra những ưu điểm và tồn tại của phương pháp.

Từ khóa: Thực khuẩn thể, phòng trừ sinh học, an toàn thực phẩm, nông nghiệp.

1. Đặt vấn đề

Vi khuẩn gây bệnh đã và đang gây ra những thiệt hại đáng kể trong sản xuất nông nghiệp và công nghệ thực phẩm. Do đó việc nghiên cứu để tìm ra những phương pháp hiệu quả trong phòng trừ các bệnh nhiễm khuẩn luôn được tiến hành và phát triển. Thời gian gần đây, liệu pháp thực khuẩn thể (một phương pháp sử dụng thực khuẩn thể để tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh) có từ những năm đầu của thế kỷ 20 được sử dụng trở lại và đã phát huy rất nhiều ưu điểm trong việc đấu tranh chống lại các bệnh nhiễm khuẩn đặc biệt là trong gia đoạn hiện nay, sự biến đổi của khí hậu và tình hình kháng kháng sinh của các vi khuẩn gây bệnh đang ngày càng trầm trọng.

2. Giới thiệu về thực khuẩn thể (TKT)

Thể thực khuẩn được phát hiện đầu tiên bởi Twort vào năm 1915 và d’Herelle nghiên cứu kỹ hơn vào 1917 [8], là virut lây nhiễm vào vi khuẩn, gọi tắt là phage. Phage bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là “ăn” và trong trường hợp này phage giết tế bào tạo ra các “mảng” hay các vệt tan trong vùng vi khuẩn sinh trưởng trên mặt thạch [26]. Thực khuẩn thể tồn tại trong tự nhiên với số lượng rất lớn ở tất cả các loại môi trường bao gồm đất, nước và không khí.

TKT là loài virut ký sinh đặc thù vì chúng ký sinh và nhân mật số lên một hoặc một số dòng vi khuẩn tương ứng. TKT chỉ loại bỏ những vi khuẩn mục tiêu mà không gây tổn hại đến nhóm vi khuẩn khác [33].

Phương pháp ứng dụng TKT vào để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn được gọi là liệu pháp TKT [3]. Trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu đã đưa ra một phương pháp mới hơn gọi là liệu pháp endolysin, thay vì sử dụng toàn bộ TKT như liệu pháp TKT thì họ chỉ sử dụng enzyme endolysin (hay lysin) là enzyme được TKT mã hóa, tổng hợp thành, có tác dụng phá vỡ vách peptidoglycan của tế bào vi khuẩn ở giai đoạn cuối trong chu trình sống của virut [12] với những ưu điểm như: khả năng dung giải tế bào vi khuẩn rất nhanh, không bị ảnh hưởng bởi kháng thể và khả năng kháng TKT của vi khuẩn [18].

2.1. Cấu trúc của thực khuẩn thể

TKT thường có cấu trúc hỗn hợp với 3 phần:

Đầu: Có hình khối giống như cái hộp lục lăng được hợp bởi nhiều capsomere, bên trong chứa axit nucleic. Đa số TKT chứa DNA, rất ít chứa RNA. Acid nucleic chiếm 40% trọng lượng của TKT.

Đuôi: Có cấu trúc xoắn, nối liền với một đỉnh của đầu. Đuôi được hợp bởi 2 ống hình trụ lồng vào nhau: ống bên trong thông với khoang đầu, ống bên ngoài hình xoắn và co giãn được theo chiều dọc như cái lò xo. Phía cuối đuôi là một tấm lông đuôi 6 cạnh đều nhau.

Lông đuôi: Có 6 lông đuôi, mỗi lông đuôi được gắn vào đỉnh của tấm cuối đuôi. Lông đuôi giúp TKT bám vào tế bào chủ [32].

2.2. Phân loại thực khuẩn thể

Sau gần 100 năm được phát hiện, tính từ cuối thế kỷ 20, khoảng 5.100 TKT đã được báo cáo nhận diện. Tất cả chúng được phân loại vào 13 họ phụ thuộc vào hình thái, loại axit nucleic, sự có mặt hay không của màng bao và lipid. Trong số đó, 96% thuộc vào nhóm có đuôi, nhóm này được cấu tạo bao gồm đầu đa diện và đuôi, bộ genome là DNA sợi đôi. Nhóm TKT có đuôi thuộc bộ Caudovirales, được chia thành 3 họ dựa vào hình dáng của đuôi: Myoviridae (có đuôi), Siphoviridae (đuôi dài linh hoạt) và Podoviridae (đuôi ngắn). 4% TKT còn lại được chia thành 10 họ gồm có hình lập phương, hình sợi hoặc hình dạng tinh thể, hệ gen có thể là DNA sợi đơn, sợi đôi hoặc ARN [23].

2.3. Các kiểu kí sinh của thực khuẩn thể

Khi TKT xâm nhập vào tế bào vi khuẩn, quá trình kí sinh có thể xảy ra theo hai hướng:

- TKT nhân lên một cách độc lập trong tế bào vi khuẩn sau đó làm tan tế bào vi khuẩn, đây là chu trình làm tan hay li giải tế bào (lytic cycle). Những TKT làm tan tế bào gọi là TKT độc. Tính chất cơ bản của các TKT độc là làm tiêu tan tế bào sau một thời gian ngắn.

- Một số TKT sau khi vào tế bào có khả năng gắn hệ gen của mình vào ADN (deoxyribonucleic axit) của tế bào vật chủ. Hệ gen của TKT tồn tại song song với hệ gen của tế bào chủ, không làm tan tế bào và ở dạng nghỉ (dormant). Lúc này, chúng được gọi là prophage hay TKT ổn hòa. Khi có các tác nhân cảm ứng tác động (như tia UV, X, etilenimin, peroxit hữu cơ...), các prophage sẽ hoạt động trở lại thành TKT độc. Đây là mối quan hệ tiềm tan (Lysogeny) giữa TKT và tế bào [25].

TKT được ứng dụng trong liệu pháp bắt buộc phải thuộc nhóm độc (lytic phages). TKT ôn hòa tuyệt đối không được sử dụng vì có khả năng làm phát triển tính độc và tính kháng TKT của mầm bệnh vi khuẩn [30].

3. Tiềm năng ứng dụng của thực khuẩn thể 3.1. Tác nhân phòng trừ sinh học trong nông nghiệp

Với mục tiêu phát triển nền nông nghiệp bền vững và sự phổ biến của sản phẩm hữu cơ đã dẫn đến xu hướng không sử dụng kháng sinh trong nông nghiệp. Bên cạnh đó việc kháng kháng sinh của các chủng vi khuẩn gây bệnh đã được ghi nhận ngày càng phổ biến dẫn đến tình hình dịch bệnh tăng cao, gây tổn thất nặng nề về sản lượng nông nghiệp. Vì vậy, để phòng chống lại các bệnh gây ra do vi khuẩn cần có một phương pháp mới an toàn và chuyên biệt hơn thay thế, một trong số đó là liệu pháp TKT. Với những kết quả đạt được thông qua rất nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước đã cho thấy đây là tác nhân phòng trừ sinh học sinh đầy triển vọng cụ thể:

Nghiên cứu về thực khuẩn ký sinh trên vi khuẩn gây bệnh trên thực vật, trong đó nổi bật với những nghiên cứu về việc kiểm soát bệnh héo xanh do vi khuẩn Raltonia solanacearum gây ra trên đối tượng cây trồng có giá trị kinh tế cao như cà chua, khoai tây và thuốc lá… đã được công bố như phage fRSL1, fRSA1 (Fujiwara et al., 2008; Yamada et al., 2010), Raltonia phage fRS603, fRS611 và fRS138 [6, 35 - 36, 38]. Kiểm soát vi khuẩn Ewinia amylovora gây bệnh thối lê táo (fire blight) bằng việc sử dụng TKT (thuộc họ Myoviridae và Podoviridae) kết hợp vi khuẩn chủ không mang gen độc là Pantoea agglomerans đã cho thấy khả năng kiểm soát mầm bệnh trong suốt thời gian nở hoa ở điều kiện nhà kính [1].

Đối với ngành Chăn nuôi, Huff et al. (2002) đã thành công trong việc sử dụng thực khuẩn thể để điều trị viêm đường hô hấp do E. coli gây ra trên gà thịt tại Mỹ, bằng phương pháp phun đưa thực khuẩn vào gà đã làm giảm đáng kể tỉ lệ chết của gà [15]. Theo Kim et al. (2014), việc bổ sung hỗn hợp TKT thương mại chuyên biệt cho một vài mầm bệnh như Salmonella spp., Escherichia coli, Staphylococcus aureus, C. perfringens vào thức ăn giúp nâng cao năng suất và sức khỏe đường ruột cho lợn [17].

Trong ngành Thủy sản, các bệnh do vi khuẩn Vibrio spp gây ra là một trong những bệnh phổ biến và gây thiệt hại nặng nề nhất, do đó rất nhiều những nghiên cứu sử dụng TKT để phòng trừ bệnh đã được thực hiện như: Higuera G. et al., (2013); Hong X. et al., (2016); Angulo C. et al., (2018)... [2, 13 - 14].

Bắt đầu từ những năm 2014, Việt Nam cũng đã có nhiều nghiên cứu về thực khuẩn thể trong phòng trừ các bệnh trên vật nuôi và cây trồng, bước đầu đạt được những kết quả khả quan như Trần Trung Tú và ctv. (2018) đã phân lập được 35 TKT có khả năng phân giải E.coli từ các trại gà ở các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre và Tiền Giang. Nguyễn Thị Trúc Giang và ctv. (2014) phân lập được 10 dòng TKT có khả năng kí sinh và tiêu diệt vi khuẩn Xanthomonas oryzae (Xoo) tại một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có 4 dòng thể hiện được hiệu quả phòng trừ bệnh cháy bìa lá lúa ở điều kiện nhà lưới. Tương tự, Huỳnh Ngọc Tâm và ctv (2017) cũng phân lập được 5 dòng TKT có khả năng tiêu diệt mạnh vi khuẩn Ralstonia Solanacearum gây bệnh héo xanh trên hoa cúc... [16, 27, 34]

3.2. Ứng dụng trong lĩnh vực an toàn thực phẩm

Ngày nay, khi chất lượng cuộc sống và trình độ hiểu biết ngày càng được nâng cao, người tiêu dùng không chỉ có nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn (không nhiễm khuẩn) mà các chất bảo quản, chất phụ gia cũng phải an toàn, càng tự nhiên càng tốt, do đó các chất có nguồn gốc hóa học cũng ngày càng được sử dụng ít hơn mà thay vào đó là các tác nhân kháng khuẩn có nguồn gốc sinh học như TKT. Hiện nay, TKT đã được ứng dụng trong ngành công nghệ thực phẩm ở các lĩnh vực như:

- Chất bảo quản thực phẩm có nguồn gốc sinh học: Một số sản phẩm TKT thương mại như LISTEX được dùng để xử lý thực phẩm trước khi được đem ra thị trường [24]. Sharma S. et al. (2017) cho rằng, liệu pháp TKT có thể ứng dụng trong ngăn ngừa nhiễm vi khuẩn trên nhiều loại nguyên liệu thực phẩm khác nhau như thịt gà, thịt heo, trái cây và rau củ... [31]. Rất nhiều các thí nghiệm đã được thực hiện để chứng minh cho nhận định trên như Liu et al. (2015) đã sử dụng hỗn hợp các loại TKT T5, T1, T4 và O1 để xử lí mẫu thịt bò sấy khô cho thấy sự giảm đáng kể tế bào vi khuẩn E.coli 0157 [20]; TKT cũng có tác dụng kiềm hãm sự phát triển của vi khuẩn Staphylococcus aureus trong sữa nguyên kem thanh trùng và tiệt trùng UHT [7]; Trong pho mai, TKT được thêm vào để chống lại vi khuẩn Listeria monocytogenes [10]; Tương tự, hai dòng TKT P100 và A511 cũng được ứng dụng để phòng trừ VK Listeria monocytogenes trong các sản phẩm thực phẩm rắn như xúc xích (hot dog), gà tây và cá hồi [11]. Gần đây, để làm giảm sự mất hoạt tính của TKT và kiểm soát sự tiết TKT vào thực phẩm, một phương pháp mới được phát triển là sử dụng màng chitosan có chứa TKT được bao gói trong các túi mỡ để bảo quản thịt bò [5]. Sự phát triển mới trong việc sử dụng TKT như là một tác nhân phòng trừ sinh học trong thực phẩm là kết hợp TKT vào trong các miếng thấm (absorbent pads) có thể để trực tiếp lên thực phẩm giúp giữ thực phẩm được lâu hơn [4].

- Bao bì thực phẩm: Gouvêa et al. (2015) đã nghiên cứu kỹ thuật mới giúp đảm bảo an toàn và chất lượng thực phẩm bằng cách sử dụng bao bì mới là màng có thể phân hủy sinh học kết hợp với TKT cụ thể là màng cellulose acetate kết hợp với TKT đã thể hiện được hoạt tính kháng khuẩn chống lại vi khuẩn Salmonella Typhimurium ATCC 14028 [9]. Lone et al. (2016) đã phát triển quy trình phòng trừ Listeria monocytogenesE.coli trong thực phẩm ăn liền bằng cách cố định TKT trên màng cellulose tích điện dương [21].

- Phát hiện mầm bệnh gây ngộ độc thực phẩm: Do có tính chuyên biệt cao nên TKT rất hữu ích trong việc kết hợp với các thiết bị để phát hiện vi khuẩn [22].

4. Thuận lợi và hạn chế của việc ứng dụng thuận khuẩn thể như một tác nhân sinh học trong phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn 4.1. Thuận lợi

- Hiệu quả trong phòng chống lại các mầm bệnh vi khuẩn kháng đa thuốc [28 - 29].

- Do có tính đặc hiệu cao nên TKT chỉ tấn công vi khuẩn mục tiêu mà không làm ảnh hưởng đến hệ sinh vật xung quanh [8, 19, 28 - 29, 37].

- Phản ứng một cách nhanh chóng khi có sự xuất hiện của chúng vi khuẩn đột biến kháng TKT vì tấn số đột biến của TKT cao hơn nhiều lần so với vi khuẩn [35], [38].

- Chi phí nghiên cứu và ứng dụng liệu pháp TKT rất thấp khi so với chi phí để phát triển một loại kháng sinh mới [1, 28 - 29, 37].

- Sau gần 100 năm được nghiên cứu và ứng dụng, TKT đã cho thấy đây là một phương pháp rất ít tác dụng phụ [1, 19, 29, 37].

- TKT chỉ có thể được nhân lên khi sinh trưởng trong tế bào vi khuẩn mục tiêu và không thể tồn tại lâu khi vi khuẩn bị loại bỏ [19].

- Với vài ngàn TKT đã được nhận diện và nghiên cứu thì so với số lượng 1031 TKT tồn tại trong tự nhiên, cho thấy đấy đây là một nguồn sinh vật đầy tiềm năng để phát triển [1, 28].

- Bằng việc sử dụng enzyme depolymerase, TKT có thể tiến hóa để vượt qua rào cản màng sinh học biofilm có tác dụng bảo vệ vi khuẩn chống lại thuốc kháng sinh và các chất diệt khuẩn khác [28, 37].

4.2. Hạn chế

- Mặc dù tính chuyên biệt đặc hiệu là ưu điểm rất lớn của liệu pháp TKT nhưng ở khía cạnh khác đây cũng là một hạn chế vì để điều trị bệnh có hiệu quả phải xác định chính xác đối tượng gây bệnh, điều này sẽ chiếm một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, vấn đề này hiện nay cũng đã có biện pháp khắc phục là sử dụng hỗn hợp TKT (phage cocktails) thay vì sử dụng từng TKT đơn lẻ [35].

- Liệu pháp không có hiệu quả vì vi khuẩn đột biến, phát triển cơ chế kháng TKT [37].

- TKT khi phá vỡ vách tế bào có thể làm tiết ra nội độc tố (endotoxin) của vi khuẩn [29, 37].

- Chỉ TKT độc mới được lựa chọn để ứng dụng cho liệu pháp vì TKT ôn hòa sẽ trì hoãn quá trình ly giải đồng thời có khả năng chuyển DNA từ vi khuẩn này sang vi khuẩn khác trong đó có thể có gen độc [37].

5. Kết luận

Với những kết quả đạt được liệu pháp TKT đã cho thấy tiềm năng của phương pháp trong vai trò là tác nhân sinh học phòng trừ các bệnh do vi khuẩn gây ra trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ thực phẩm cũng như một số các lĩnh vực khác như công nghệ sinh học, y dược, xử lý môi trường, công nghệ hóa dầu... Tuy nhiên cần những nghiên cứu sâu hơn để hoàn thiện cũng như nâng cao hiệu quả của phương pháp. Riêng ở Việt Nam, các nghiên cứu về ứng dụng TKT vẫn còn rất hạn chế, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, do đó tiềm năng ứng dụng của TKT còn rất lớn, đặc biệt trong lĩnh vực an toàn thực phẩm như phát hiện nhanh vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm, sản xuất bao bì có khả năng phòng trừ sự xâm nhập của vi khuẩn góp phần kéo dài thời hạn bảo quản của sản phẩm một cách an toàn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO: Ahern S.J. et al., (2014). Isolation and characterization of novel virulent broad-host-range phages of Xylella fastidiosa and Xanthomonas. J.Bacteriol. 196:459 - 471.
Angulo C., Muro A.L., Trujillo E., & González A.L., (2018). Control of AHPND by phages: a promising biotechnological approach. Review in aquaculture. http://doi.org/10.1111/rag.12275
Chan B.K., Abedon S.T., & Carrillo C.L., (2013). Phage cocktails and the future of phage therapy. Future Microbiol. 8(6):769 - 783.
Cooper I.R., (2016). A review of current methods using bacteriophages in live animals, food and animal products intended for human consumption. Journal of Microbiological methods, 130: 38 - 47.
Cui H., Yuan L., & Lin L., (2017). Novel chitosan film embedded with liposome-encapsulated phage for biocontrol of Escherichia coli O157:H7 in beef. Carbohydr Polym, 177: 156 - 164.
Fujiwara A., Kawasaki T., Usami S., Fujie M., & Yamada T., (2008). Genomic characterization of Ralstonia solanacearum phage _RSA1 and its related prophage (_RSX) in strain GMI1000. J. Bacteriol.,190:143 - 156.
García P., Dobrea M. & Georgescu D., (2009). Microbial population dynamics in presence of lactococcal bacteriophage during ripening of traditional raw milk Romanian cheese. J.Dairy Sci., 92(7): 3019 - 3026.
Golkar Z., Bagasra O., & Pace D.G., (2014). Bacteriophage therapy: A potential solution for the antibiotic resistance crisis. J Infect Dev Ctries, 8(2): 129 - 136.
Gouvêa D.M., Mendonca R.C.S., Soto M.L. & Cruz R.S., (2015). Acetate cellulose film with bacteriophages for potential antimicrobial use in food packaging. LWT-Food Science and Technology, 63: 85 - 91.
Guenther S. & Loessner M., (2011). Bacteriophage biocontrol of Listeria monocytogenes on soft ripened white mold and red-smear cheeses. Bacteriophage, 1(2):94 - 100.
Guenther S., Huwyler D., Richard S. & Loessner M., (2009). Virulent bacteriophage for efficient biocontrol of Listeria monocytogenes in ready-to-eat foods. Appl.Environ.Microbiol, 75(1): 93 - 100.
Hermoso J.A., Garcia J.L. & Garcia P., (2007). Taking aim on bacterial pathogens: from phage therapy to enzybiotics. Current Opinion in Microbiology, 10: 461 - 472.
Hong X. & Xu D., (2016). Progress in research on acute hepatopancreas necrosis disease (AHPND). Aquaculture International. http://dx.doi.org/10.1007/s10499-015-9948-x
Higuera G., Bastías R., Tsertsvadze G., Romero J. & Espejo R.T., (2013). Recently discovered Vibrio anguillarum phages can protect against experimentally induced vibriosis in Atlantic salmon, Salmo salar. Aquaculture. 392 - 395: 128 - 133.
Huff W.E., Huff G.R., Rath N.C., Balog J.M., & Donoghue A.M., (2002). Prevention of Escherichia coli infection in broiler chickens with a bacteriophage aerosol spray. Poultry Science.81: 1486 - 1491.
Huỳnh Ngọc Tâm, Lê Uyển Thanh, Trần Thanh Tùng, Lưu Thái Danh, Nguyễn Thị Thu Nga. (2017). Tuyển chọn thực khuẩn thể có tiềm năng kiểm soát bệnh héo xanh do vi khuẩn Ralstonia solanacearum trên cây hoa cúc (Chrysanthemum sp.) trong điều kiện phòng thí nghiệm. Hội thảo quốc gia bệnh hại thực vật, Đại học Đà Nẵng.
Kim K.H., Ingale S.L., Kim J.S., Lee S.H., Lee J.H., Kwon I.K. & Chae B.J. (2014). Bacteriophage and probiotics both enhence the performance of growing pigs but bacteriophage are more effective. Anim. Feed Sci.Technol, 196: 88 - 95.
Kropinski A.M., (2018). Bacteriophage research: What we have learnt and what still needs to be addressed. Research in Microbiology, 169(9): 481-487.
Kutateladze M. & Adamia R., (2010). Bacteriophages as potential new therapeutics to replace or supplement antibiotics. Trends in Biotechnology, 28(12): 591 - 595.
Liu H., Niu Y., Meng R., Wang J., Li J., Jonhson R., McAllister T. & Stanford K., (2015). Control of Escherichia coli 0157 on beef at 37, 22 and 4 oC by T5-, T10, T4- and O1- like bacteriophages. Food Microbiol, 51: 69 - 73.
Lone A., Anany H., Hakeem M., Aguis L., Avdjian A.C., Bouget M., Atashi A., Brovko L., Rochefort D. & Griffiths M.W., (2016). Development of prototypes of bioactive packaging materials based on immobilized bacteriophages for control of growth of bacterial pathogens in foods. Int.J.Food Microbiol, 217: 49 - 58.
Martínez B., García P. & Rodríguez A., (2019). Swapping the roles of bacteriocins and bacteriophages in food biotechnology. Current Opinion in Biotechnology, 56:1 - 6.
Matsuzaki S. et al., (2005). Bacteriophage therapy: A revitalized therapy against bacterial infectious diseases. J Infect Chemother, 11: 211 - 219.
Meaden S.& Koskella B., (2013). Exploring the risks of phage application in the environment. Front Microbiol, 4:8.
Nguyễn Thành Đạt và Mai Thị Hằng. (2008). Giáo trình vi sinh vật học. NXB Đại học Sư phạm.
Nguyễn Thị Thanh Vân và Bùi Thị Việt Hạ, (2011). Giáo trình di truyền học sinh vật nhân sơ và virut. NXB Giáo Dục Việt Nam.
Nguyễn Thị Trúc Giang, Đoàn Thị Kiều Tiên và Nguyễn Thị Thu Nga. (2014). Phân lập thực khuẩn thể và đánh giá hiệu quả phòng trị bệnh cháy bìa lá lúa do vi khuẩn Xanthomonas oryzae pv.oryzae. Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Cần Thơ, số chuyên đề: Nông nghiệp (4): 194 - 203.
Nobrega F.L., Costa A.R., Kluskens L.D. & Azeredo J., (2015). Revisiting phage therapy: New applications for old resources. Trends in Microbiology, 23(4): 185 - 191.
Parisien A., Allain B., Zang J. & Mandeville R., (2008). Novel alternatives to antibiotics: bacteriophage, bacterial cell wall hydrolases, and antimicrobial peptides.J.Appl.Microbiol, 104(1):1 - 13.
Richards G.P., (2014). Bacteriophage remediation of bacterial pathogens in aquaculture: a review of the technology. Journal Bacteriophage, 4(4), https://doi.org/10.4161/21597081.2014.975540
Sharma S., Chatterjee S., Datta S., Prasad R., Dubey D., Prasad R.K. & Vairale M.G., (2017). Bacteriophages and its applications: An overview. Folia Microbiol, 62: 17 - 55.
Singh P.J., (2010). Text book of botany diversity of microbes and cryptogams. Fourth edition. Rakesh kumar rastogi for rastogi publication. India. 282 pp.
Tanaka H., Negishi H. & Maeda H., (1990). Control of tobacco bacteria wilt by an avirulent strain of Pseudomons solanacearum M4S and its bacteriophage. Ann.Phytopathol.Soc.Jpn, 56:243 - 46.
Trần Trung Tú, Trương Thị Bích Vân và Nguyễn Trọng Ngữ. (2018). Khả năng phân giải vi khuẩn Escherichia coli của thực khuẩn thể phân lập từ các trại gà ở một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Tạp chí KHKT Chăn nuôi số 233.
Trương Thị Bích Vân, Akihiro Kondo, Kaito Miki, Kaeko Kamei, Dang Thi Phuong Thao, Ryuta Namikawa & Pham Khanh Nguyen Huan, (2015). Genomic characterization of Ralstonia solanacearum phage fRS138 of the family Siphoviridae. Archives of Virology, 1432-8798: 1 - 4.
Trương Thị Bích Vân, Kaeko Kamei, Akihiro Kondo, Kaito Miki & Shohei Yoshida, (2014). Genomic characterization of fRS603, a filamentous bacteriophage that is infectious to the phytopathogen Ralstonia solanacearum. Microbiology and Immunology, 58(12): 697 - 700.
Wittebole X., Roock S.D. & Opal S.M., (2014). A historical overview of bacteriophage thrapy as an alternative to antibiotics for the treatment of bacterial pathogens. Virulent, 5(1):226 - 235.
Yamada T., Satoh S., Ishikawa H., Fujiwara A., Kawasaki T., Fujie M. & Ogata H., (2010). A jumbo phage infecting phytopathogen Ralstonia solanacearum defines a new lineage of the Myoviridae family. Virology, 398: 135 - 147.

THE POTENTIAL OF USING BACTERIOPHAGE IN AGRICULTURE

AND FOOD TECHNOLOGY SECTORS TO PRODUCE SAFE FOOD

Master. LE HOANG BAO NGOC

Department of Biotechnology, Faculty of Agriculture - Natural Resources

An Giang University

ABSTRACT:

This article is introduction an overview about the bacteriophage method which is a specific and safe antimicrobial method. The bacteriophage method is not a new method, it is only re-used to prevent antibiotic resistant bacteria that have ability to form the biofilm. This article covers contents of biologic properties, bacteriolysis mechanism, structure and classification of bacteriophage. This article also presents the potential of using bacteriophage in agriculture and food technology sectors, thereby drawing out advantages and limitations of the bacteriophage method.

Keywords: Bacteriophage, biocontrol, food safety, agriculture.

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/tiem-nang-ung-dung-cua-thuc-khuan-the-trong-linh-vuc-nong-nghiep-va-an-toan-thuc-pham-64226.htm