Tiêm vắc xin COVID-19: Chia sẻ của người trong cuộc

Ngày 8 tháng 3 năm 2021, sau rất nhiều sự nỗ lực của nhiều bên, vắc xin cuối cùng đã về Việt Nam và đây là ngày đầu tiên triển khai tiêm chủng. Các cơ quan y tế đã rất nghiêm túc trong việc khám sàng lọc và theo dõi sát sức khỏe sau tiêm chủng một cách chủ động. Tuy nhiên những phản ứng sau khi tiêm vắc xin, đặc biệt với loại vắc xin còn quá mới (chỉ xong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 ở một số quốc gia khác không phải Việt Nam) là điều khiến nhiều người còn băn khoăn, do dự. Báo Sức khỏe và Đời sống xin giới thiệu bài viết của TS. BS. Phạm Quang Thái - Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc, Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương để độc giả có những nhận định rõ ràng hơn về vấn đề này.

Chia sẻ của những người trong cuộc

Với một số người, việc được tiêm mũi tiêm đầu tiên là sự sung sướng và tự hào khi được quan tâm và ưu tiên sử dụng đầu tiên, một số người khác thấy lo lắng bởi vắc xin còn quá mới. Ngày đầu tiên ngay sau khi triển khai, một số người đã thông báo tình trạng đau tại chỗ tiêm, nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi thậm chí buồn ngủ. Dấu hiệu này kéo đến ngày hôm sau ở khoảng một nửa số trường hợp với hiện tượng đau đầu, đau nhức cơ thể, mệt mỏi. Quan trọng đây là các triệu chứng thường gặp sau chủng ngừa của phần lớn các vắc xin, và đặc biệt là sau khi tiêm vắc-xin COVID-19 này. Phần lớn mọi người đều ổn sau khi dùng thuốc hạ sốt, giảm đau thông thường. Với nhiều trường hợp, hiện tượng này mất đi ngay vào sáng hôm sau, cảm giác như chưa bao giờ có sự khó chịu sau tiêm chủng như vậy.

Khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin COVID-19.

Khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin COVID-19.

Bản chất vắc xin và nguyên nhân các phản ứng

Khác với những kiến thức thông thường về vắc xin hiện nay, đây là loại vắc xin dùng công nghệ mới nhất “vắc xin véc tơ”. Nguyên lý của loại vắc xin này là sử dụng một loại vi rút gây cảm lạnh (Adeno vi rút) ở tinh tinh làm vật trung gian mang vật liệu di truyền của vi rút SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đến các tế bào của người. Sau khi tiêm chủng, vi rút Adeno sẽ tìm đến các tế bào đích và truyền vật liệu di truyền đó vào trong, tế bào có đoạn gen này sẽ tích cực sản xuất ra một loại protein gai của vi rút SARS-CoV-2 và từ đó cơ thể sẽ điều động các tế bào miễn dịch tới tiêu diệt, nhận diện và sinh ra kháng thể. Với công nghệ mới này, đáp ứng miễn dịch sẽ rất mạnh và khả năng tạo kháng thể tốt nhưng đi kèm với nó là phản ứng sau tiêm chủng cũng sẽ mạnh mẽ hơn. Trên 50% số người tiêm than phiền về đau tại chỗ tiêm, gần 50% các trường hợp ghi nhận sốt, cảm giác ớn lạnh, đau cơ, đau đầu. Các triệu chứng ít gặp hơn như chóng mặt, buồn nôn cũng là các dấu hiệu bình thường sau tiêm chủng. Một số triệu chứng ít gặp khác cần lưu ý như tiêu chảy/đau bụng gặp ở khoảng 10% và thường đến muộn ở ngày thứ 2 sau tiêm.

Chống chỉ định những ai?

Một số người đang do dự về vắc xin; một số người do dự khi nhận bất kỳ loại vắc xin nào. Những người khác đã đọc báo cáo trên các phương tiện truyền thông về các phản ứng dị ứng rất, rất ít và hiếm gặp. Đúng là nếu ai đó có tiền sử dị ứng nghiêm trọng với bất kỳ thành phần nào trong vắc xin, họ không nên tiêm. Những người có cơ địa dị ứng hoặc bệnh lý có sẵn cần phải tiêm tại bệnh viện với sự theo dõi y tế nghiêm ngặt. Nếu không có những vấn đề đó, những người lớn đủ điều kiện có thể cảm thấy an toàn khi xắn tay áo lên, và nhớ là, nếu đã được tiêm, hãy báo cáo những phản ứng bất lợi cho đơn vị tiêm chủng. Vắc xin không tuyệt đối an toàn cho tất cả mọi người nhưng sẽ bảo vệ người được tiêm và cả cộng đồng trước đại dịch.

Tiêm vắc xin cho nhân viên y tế.

Đừng ngần ngại!

Dữ liệu tiêm chủng đến thời điểm hiện tại cũng như trải nghiệm thực tế của những cán bộ y tế đã sử dụng vắc xin này là tích cực. Việc vẫn còn những trường hợp phản ứng cũng một phần liên quan đến việc cung cấp thông tin về tiền sử dị ứng tới bác sĩ khám sàng lọc và Bộ Y tế đang có những điều chỉnh cần thiết để việc khám sàng lọc được tốt hơn. Và thêm nữa, hãy nhớ rằng, những người được tiêm chủng vẫn có thể bị nhiễm vi rút, nó chỉ ít khả năng hơn và họ không bị bệnh nặng. Chúng tôi vẫn chưa biết liệu những người đã được tiêm phòng có thể bị nhiễm trùng không có triệu chứng và từ đó tiếp tục lây lan hay liệu vắc xin có bảo vệ được khỏi các biến thể mới hơn của vi rút. Điều này cần được theo dõi nghiêm ngặt trong thời gian tiếp theo.

Trên thế giới, hàng ngày vẫn có thể gặp các trường hợp nhiễm COVID-19 ở những người chưa được tiêm vắc xin và những người từ chối tiêm. Nhưng phần lớn, một khi hầu hết mọi người được chủng ngừa, nhịp sống sôi động, nhộn nhịp và sự giao lưu kinh tế quốc tế cũng như du lịch sẽ bình thường trở lại. Và vì điều đó, chúng ta đừng nên lo ngại khi được tiêm vắc xin COVID-19.

TS. BS. Phạm Quang Thái

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tiem-vac-xin-covid-19-chia-se-cua-nguoi-trong-cuoc-n188132.html