Tiêm vắc xin Covid-19 mũi 4, cần lưu ý những gì?

Hiện nay, Việt Nam đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin Covid-19 và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 4. Dưới đây là những thông tin cần biết xung quanh vấn đề này.

Ảnh minh họa.

Nguồn: HCDC.

Bộ Y tế vừa có văn bản, yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều nhắc lại lần 2 (mũi 4).

Theo đó, Sở Y tế tham mưu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quyết định đối tượng tiêm phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn. Đồng thời đề xuất nhu cầu vắc xin tiêm mũi 4 gửi Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur theo phân vùng quản lý trước ngày 25/5/2022.

Đối tượng tiêm liều nhắc lại lần 2 (mũi 4) vắc xin phòng Covid-19 gồm người từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng; người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với Covid-19 (cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu, công nhân, người làm việc tại các khu công nghiệp).

Với khoảng cách tiêm chủng là ít nhất 4 tháng sau mũi 3 (mũi nhắc lần 1). Đối với người đã mắc Covid-19 sau tiêm mũi 3 cần trì hoãn 3 tháng sau khi mắc Covid-19.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, loại vắc xin sử dụng để tiêm mũi 4 là vắc xin mRNA (vắc xin do hãng Pfizer hoặc Moderna sản xuất); vắc xin do AstraZeneca sản xuất; vắc xin cùng loại với mũi 3 (mũi nhắc lần 1).

Theo ông Phạm Quang Thái - trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương - cho biết đến nay đã có khoảng 7 quốc gia trên thế giới triển khai tiêm nhắc lại thứ 2 (mũi 4) như: Israel, Hoa Kỳ, Canada, Thụy Điển, Lào...

Ông Thái thông tin, hiện nay chúng ta không thiếu vắc xin, vì vậy việc tiêm mũi 4 cho các đối tượng nguy cơ cao để hạn chế việc bùng phát dịch, làm đứt gãy chuỗi sản xuất, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Phạm Hiền

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/tiem-vac-xin-covid-19-mui-4-can-luu-y-nhung-gi-pgGLXgXnR.html