Tiêm vaccine cho 900 nhân viên của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM

Sáng 8/3, Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia phối hợp với hệ thống tiêm chủng VNVC bắt đầu thực hiện tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn trực tiếp tham gia giám sát.

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM thông tin về đợt tiêm vaccine tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM. Ảnh: VGP/Nguyễn Kim

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM thông tin về đợt tiêm vaccine tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM. Ảnh: VGP/Nguyễn Kim

Cùng thời điểm này, tại Hải Dương và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng tổ chức tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

Theo đó, 900 nhân viên y tế Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM được tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trong đợt đầu. Trong ngày đầu tiên, có khoảng 100 nhân viên y tế của bệnh viện được tiêm vaccine. Dự kiến thời gian tiêm phòng vaccine COVID-19 sẽ kéo dài trong vòng 1 tuần. Đây cũng là bệnh viện đầu tiên tại TPHCM được tiêm vaccine COVID-19.

Những người được tiêm trong đợt này gồm các y bác sĩ làm việc tại Khoa nhiễm D, Khoa Cấp cứu, Khoa Khám bệnh, Phòng Công tác xã hội, Phòng Xét nghiệm sinh học phân tử, Hồi sức tích cực chống độc người lớn và các trưởng, phó phòng chức năng cùng Ban Giám đốc bệnh viện.

Xe chở vaccine COVID-19 về đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM khoảng gần 7h sáng 8/3. Ảnh: VGP/Nguyễn Kim

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM là nơi tiếp nhận điều trị ca nghi nhiễm, nhiễm COVID-19 và nghiên cứu về COVID-19. Ngoài điều trị bệnh nhiễm khu vực phía Nam, bệnh viện còn thực hiện tiêm chủng ngừa một số loại vaccine nên có kinh nghiệm trong tiêm và xử lý các tình huống sau tiêm. Trước khi thực hiện tiêm vaccine COVID-19, bệnh viện đã xây dựng kịch bản, tình huống và có thông tin đầy đủ cho nhân viên.

Vaccine phòng COVID-19 sử dụng trong đợt tiêm đầu tiên này là vaccine của AstraZeneca, một trong ba vaccine đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông qua chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp và được sử dụng tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đợt tiêm vaccine phòng COVID-19 lần này là khởi đầu cho chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với hơn 100 triệu mũi tiêm được thực hiện trên toàn quốc.

Nhân viên Công ty cổ phần vaccine Việt Nam (VNVC) chuyển vaccine vào kho của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM. Ảnh: VGP/Nguyễn Kim

Theo các dữ liệu đến tháng 2/2021, vaccine của AstraZeneca có hiệu quả phòng lây nhiễm SARS-COV-2 là 76% sau mũi tiêm thứ nhất và 81% sau mũi tiêm thứ hai, chưa ghi nhận trường hợp mắc phải nhập viện do COVID-19 trong nhóm những người đã tiêm chủng. Với vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca sử dụng lần này, mỗi người trên 18 tuổi sẽ được tiêm 2 mũi, mũi thứ hai cách mũi thứ nhất 12 tuần với liều lượng 0,5 ml, tiêm bắp.

Việt Nam bắt đầu triển khai đợt tiêm vaccine đầu tiên từ ngày 8/3 tại 13 tỉnh/thành phố đang là điểm nóng về phòng chống dịch (Hải Dương, Hà Nội, TPHCM, Gia Lai, Quảng Ninh, Điện Biên, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hưng Yên, Bắc Giang, Hà Giang, Bình Dương) và 21 bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn giám sát Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM. Ảnh: VGP/Nguyễn Kim

Trước đó, Công ty cổ phần vaccine Việt Nam (VNVC) đã sẵn sàng phương tiện vận chuyển 117.600 liều vaccine COVID-19 về các điểm tiêm tại các địa phương theo chỉ đạo của Bộ Y tế.

Ngày 6/3, Bộ Y tế đã tổ chức tập huấn trực tuyến triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 và xử trí sốc phản vệ cho nhân viên y tế các tuyến tỉnh, huyện, xã trên cả nước và nhân viên hệ thống tiêm chủng VNVC.

Nguyễn Kim

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/xa-hoi/tiem-vaccine-cho-900-nhan-vien-cua-benh-vien-benh-nhiet-doi-tphcm/425075.vgp