Tiền ảo, hệ lụy thật

Mặc dù các cơ quan quản lý nhà nước đã cảnh báo về rủi ro liên quan đến tiền ảo (Bitcoin, NEO, Ripple, Litecoin…), nhưng hiện nay nhiều tổ chức, cá nhân vẫn tiếp tục lợi dụng kênh đầu tư tiền ảo để lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo hình thức 'đa cấp'…

Công an lấy lời khai đối tượng Trịnh Ngọc Thắng (phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa) về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản dưới hình thức đầu tư Bitcoin và các dự án bất động sản. Ảnh: DUY HƯNG

Trong vài năm gần đây, các loại tiền ảo như Bitcoin, NEO, Ripple, Litecoin… làm mưa, làm gió trên thị trường tài chính và mang đến nhiều cung bậc cảm xúc cho các nhà đầu tư (NĐT). Tiêu biểu như thời điểm cuối năm 2017, giá mỗi đồng Bitcoin tăng vọt lên gần 20 nghìn USD. Đến cuối tháng 4-2018, giảm xuống còn khoảng 9.000 USD/đồng Bitcoin. Do vậy, nhiều người chỉ sau một đêm mua bán tiền ảo đã trở thành triệu phú, tỷ phú.

Cũng trong khoảng thời gian ngắn, một số người trở thành nạn nhân của những trò lừa đảo kinh doanh tiền ảo. Chị Lê Phương T ở quận 7, TP Hồ Chí Minh cho biết: Vào tháng 12-2017, tôi có giao dịch qua mạng với Nguyễn Hồng H, ở quận Ba Đình (Hà Nội) để mua khoảng 300 triệu đồng usdt (tiền ảo). Sau khi hai bên thống nhất, tôi đã chuyển cho H khoảng 300 triệu đồng. Đổi lại, H phải chuyển lại số usdt tương ứng với tỷ giá khoảng 25.000 đồng/usdt. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, H không chuyển lại số tiền ảo như đã thỏa thuận.

Khác với chị T, anh Nguyễn Văn Minh là một trong số hơn 30 nghìn người bị Công ty cổ phần Modern Tech, ở đường Nguyễn Huệ (quận 1, TP Hồ Chí Minh) lừa đảo dùng tiền thật để mua tiền ảo Ifan, Pincoin theo hình thức gọi vốn ban đầu. Anh Minh cho biết: Tôi tham dự hội thảo với chủ đề kinh doanh tiền ảo của công ty theo lời mời của một người bạn, càng nghe càng thấy cuốn hút bởi những thông tin về lợi nhuận hấp dẫn mà các lãnh đạo công ty đưa ra như đồng Ifan này đang trong quá trình gọi vốn ban đầu với giá khởi điểm 1USD/coin. Dự kiến, cuối năm 2017 đạt 12,8 USD và đầu năm 2018 sẽ lên sàn giao dịch như một loại cổ phiếu.

Công ty cam kết lợi nhuận thấp nhất cho các NĐT là 48%/tháng và hoàn vốn tối đa bốn tháng. Ngoài ra, nếu kết nạp thêm mỗi người vào hệ thống sẽ được hưởng 8% số tiền của người mới đầu tư vào công ty. Ham lời cao, tôi bỏ ra hơn 100 triệu đồng để mua tiền ảo mà giờ tiền lãi, tiền vốn cũng không biết đi đâu, về đâu… Tại trụ sở Công an quận Phú Nhuận (TP Hồ Chí Minh), rất nhiều người đến tố cáo ông Lê Minh Tâm, Chủ nhiệm HTX Bầu Trời công nghệ - Sky Mining, có trụ sở tại 202B Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, lừa đảo chiếm đoạt khoảng 900 tỷ đồng của các NĐT dưới hình thức đầu tư vào máy đào tiền ảo để sinh lợi.

Để thuyết phục các NĐT, ông Tâm tổ chức nhiều buổi hội thảo, thuyết trình về ý tưởng kinh doanh máy đào tiền ảo và đưa ra nhiều gói đầu tư từ 100 USD đến 5.000 USD. Ông Tâm cam kết với các NĐT tham gia sẽ hưởng lợi nhuận 300% và thu lại số tiền đầu tư ban đầu trong 12 tháng. Thời gian đầu, ông Tâm trả lãi rất sòng phẳng cho NĐT, sau thì thưa dần và không trả lãi… Xét thấy tính chất nghiêm trọng của vụ việc, Công an TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu Công an quận Phú Nhuận chuyển hồ sơ sang Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ (PC46) để điều tra, làm rõ.

Vừa qua, Cơ quan CSĐT, Bộ Công an phối hợp các lực lượng liên quan bắt khẩn cấp ông Nguyễn Hữu Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần VNCOINS (trụ sở tại phường Đa Kao, quận 1, TP Hồ Chí Minh) và các đồng phạm về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo điều tra, tháng 8-2016, ông Tiến thành lập Công ty OTCMAX. Để thu hút nhiều người tham gia, Tiến thường tổ chức hội thảo ở các khách sạn lớn; đăng thông tin trên trang OTCMAX.VN để kêu gọi góp vốn vào các dự án “ma” như: xây dựng Trung tâm thương mại tại TP Thanh Hóa; khai thác mỏ cát nước ngọt tại Bình Thuận; mở chuỗi hàng cà-phê tại TP Hồ Chí Minh… Đồng thời, Tiến bày ra “bánh vẽ” dưới hình thức các gói đầu tư linh hoạt trong ba tháng với gói thấp nhất là năm triệu đồng, lợi nhuận hơn tám triệu đồng; gói cao nhất ba tỷ đồng, lợi nhuận hơn bốn tỷ đồng…

Bằng chiêu trò này, Tiến đã huy động được khoảng 6.000 người góp vốn vào Công ty OTCMAX, với số tiền khoảng 200 tỷ đồng… Không dừng lại ở đó, tháng 9-2017, Tiến đổi tên Công ty OTCMAX thành Công ty cổ phần VNCOINS với mục đích kinh doanh tiền ảo và tuyên bố lợi nhuận của mỗi gói đầu tư này lên đến 2,5%/ngày. Khi thấy lượng tiền khách hàng đổ vào các giao dịch tiền ảo của công ty ngày càng nhiều, Tiến chỉ đạo cấp dưới lấy tiền góp vốn của NĐT để tự trả lãi cho các NĐT theo hình thức xoay vòng đa cấp…

Theo một số cán bộ công tác tại các đơn vị phòng, chống tội phạm liên quan đến tiền ảo của Bộ Công an, sở dĩ nhiều người “dính bẫy” bởi vì trong khoảng thời gian từ một đến hai tháng đầu, “nhà cái” thường trả lãi suất rất cao bằng tiền thật, thực chất là lấy tiền của NĐT sau trả lãi cho NĐT trước nhằm tạo niềm tin và để họ tiếp tục đầu tư, lôi kéo thêm nhiều NĐT khác. Từ đó, nhiều người nảy sinh lòng tham, tiếp tục gom tiền đầu tư với mong muốn hưởng lợi nhuận “khủng”. Khi số lượng NĐT tăng lên và số tiền trong các tài khoản “ảo” đạt tới đỉnh điểm thì “nhà cái” sẽ đánh sập sàn và chiếm quyền đăng nhập tài khoản trên hệ thống máy tính.

Bên cạnh đó, để huy động cao nhất số người tham gia, các tổ chức này thường trích “hoa hồng” cao cho những NĐT có khả năng tìm kiếm, giới thiệu được nhiều khách hàng cùng tham gia… Nguy hiểm hơn, một số đối tượng phạm tội kinh tế, tham nhũng còn sử dụng tiền ảo như một phương tiện cất trữ tiền bất hợp pháp nhằm rửa tiền, chuyển hàng, trả tiền cá độ bóng đá... Việc làm này khiến các cơ quan pháp luật khó điều tra và thu hồi tài sản do phạm tội mà có.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp Bộ Công an trong việc phát hiện, xử lý các hành vi sử dụng tiền ảo làm tiền tệ, phương tiện thanh toán trái pháp luật…; Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan có biện pháp, hạn chế nhập khẩu, quản lý thiết bị, máy móc cho mục đích đào tiền ảo…; Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương đề xuất, hoàn thiện khung khổ pháp lý về quản lý, xử lý đối với tiền ảo, tài sản ảo...

(Trích Chỉ thị số 10/CT-TTg, của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự)

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp Bộ Công an trong việc phát hiện, xử lý các hành vi sử dụng tiền ảo làm tiền tệ, phương tiện thanh toán trái pháp luật…; Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan có biện pháp, hạn chế nhập khẩu, quản lý thiết bị, máy móc cho mục đích đào tiền ảo…; Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương đề xuất, hoàn thiện khung khổ pháp lý về quản lý, xử lý đối với tiền ảo, tài sản ảo...

(Trích Chỉ thị số 10/CT-TTg, của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự)

NHẬT MINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/bandoc/item/37570702-tien-ao-he-luy-that.html