Tiễn biệt ông Tạ Quang Chiến - người cận vệ cuối cùng của Bác Hồ

Qua gần 50 năm hoạt động cách mạng, trong đó có 23 năm công tác trong ngành Thể dục thể thao, dù trên bất kỳ cương vị công tác nào, ông Tạ Quang Chiến cũng luôn trung thành tuyệt đối với Đảng và Tổ quốc.

Lễ tang ông Tạ Quang Chiến được tổ chức theo nghi thức tang lễ cấp cao

Sáng 14/6, tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Tổng cục Thể dục Thể thao tổ chức lễ tang ông Tạ Quang Chiến (tức Nguyễn Hữu Văn), cận vệ cuối cùng trong 8 cận vệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo nghi thức tang lễ cấp cao. Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Đạo Cương làm Trưởng Ban lễ tang.

Ông Tạ Quang Chiến sinh ngày 2/5/1925 tại xã Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Ngay từ khi còn trẻ, ông đã tích cực tham gia hoạt động trong các phong trào thanh thiếu niên ở địa phương.

Năm 1943, ông tham gia đoàn viên thanh niên cứu quốc Hà Nội, cán bộ đội tự vệ chiến đấu cứu quốc Hoàng Diệu, Hà Nội.

Gia quyến bên linh cữu ông Tạ Quang Chiến

Năm 1945, ông được nhà cách mạng Nguyễn Lương Bằng tuyển chọn vào tổ thư ký giúp việc cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, là một trong 8 cận vệ đặc trách phục vụ Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch cùng với các ông Võ Chương, Vũ Long Chuẩn, Nguyễn Văn Lý, Văn Lâm, Ngọc Hà, Nguyễn Quang Chí, Trần Đình và được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên là Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi.

Tháng 6/1946, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ 1953 đến 1957, ông tham gia Ban chỉ huy Đoàn Thanh niên xung phong, phụ trách các đơn vị phục vụ ATK Trung ương, Trưởng phòng I cục 5, Bộ Công an kiêm Trưởng phòng I Phủ Chủ tịch.

Đoàn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch do Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương dẫn đầu vào viếng ông Tạ Quang Chiến

Từ tháng 9/1957 đến tháng 9/1963, ông được cử học Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương và được chọn cử sang học Trường Đảng cao cấp tại Liên Xô. Sau khi tốt nghiệp về nước, ông được bổ nhiệm giữ chức Phó Vụ trưởng, Quyền Vụ trưởng Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương.

Từ năm 1966 đến 1969, ông giữ chức Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, có thời gian trực tiếp phụ trách lực lượng thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước phục vụ chiến trường miền Nam.

Tháng 10/1969, ông được bổ nhiệm giữ chức Ủy viên Ủy ban Thể dục thể thao Trung ương. Tháng 10/1981, ông được bổ nhiệm giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao.

Tháng 4/1981, ông được bầu tham gia Đại biểu Quốc hội khóa VII và được phân công giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Ủy ban Y tế và Xã hội của Quốc hội.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương đọc điếu văn tại lễ truy điệu ông Tạ Quang Chiến

Năm 1992, ông nghỉ hưu tại Hà Nội. Sau khi nghỉ hưu, ông vẫn thường xuyên tham gia đóng góp ý kiến với Đảng, Nhà nước về đường lối xây dựng và phát triển đất nước, trong đó đặc biệt quan tâm việc phát triển phong trào Olympic và sự nghiệp thể dục thể thao.

Trong điếu văn tại lễ truy điệu ông Tạ Quang Chiến, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, qua gần 50 năm hoạt động cách mạng, trong đó có 23 năm công tác trong ngành Thể dục thể thao, dù trên bất kỳ cương vị công tác nào, ông Tạ Quang Chiến cũng luôn trung thành tuyệt đối với Đảng và Tổ quốc, làm việc tận tụy, dũng cảm, sáng tạo với tinh thần trách nhiệm cao; ông luôn luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, chí công, vô tư, sống mực thước, giản dị, tiết kiệm. Cuộc đời của ông là tấm gương sáng về sự cống hiến, hy sinh vì Tổ quốc, vì sự nghiệp thể dục thể thao cách mạng.

Thay mặt tang quyến, ông Nguyễn Tiến Hải, em trai ông Tạ Quang Chiến gửi lời cảm ơn tới Ban Tổ chức lễ tang và các cơ quan, đoàn thể

Với những cống hiến xuất sắc, ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương độc lập hạng Nhất, huy hiệu 75 năm tuổi Đảng, Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Thể dục thể thao và nhiều danh hiệu cao quý khác.

Đúng 10h15 phút diễn ra lễ truy điệu ông Tạ Quang Chiến

Đối với gia đình, ông là một người chồng, người cha, người ông đáng kính. Ông sinh thành và nuôi dưỡng các con, các cháu trưởng thành, phát huy tốt truyền thống gia đình, trung thành với con đường cách mạng, trở thành những công dân có ích cho xã hội./.

PV/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/tien-biet-ong-ta-quang-chien-nguoi-can-ve-cuoi-cung-cua-bac-ho-post950240.vov