Tiến bộ mới trong điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ

Theo GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương, kết quả nghiên cứu cho thấy, dùng thuốc ức chế TKI thế hệ thứ 3 đối với bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giúp người bệnh kéo dài thời gian sống, bệnh không tiến triển một cách rõ rệt.

Bệnh viện K Trung ương và Bệnh viện Ung bướu TP.HCM vừa phối hợp cùng Văn phòng Đại diện Công ty AstraZeneca tổ chức các hội thảo khoa học nhằm chia sẻ các tiến bộ mới nhất trong điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn tiến triển tại chỗ hoặc di căn có đột biến hoạt hóa thụ thể yếu tố phát triển biểu bì (EGFR).

Cũng theo TS Trần Văn Thuấn, ung thư phổi là bệnh ung thư đứng hàng thứ 2 tại Việt Nam về số ca mắc mới mỗi năm. Tại Việt Nam, mỗi năm có trên 23.000 ca mới mắc và khoảng 20.000 người tử vong do ung thư phổi; tỉ lệ tử vong của ung thư phổi lên đến gần 90% số bệnh nhân mắc mới, đa phần người mắc ung thư này được phát hiện muộn nên hiệu quả điều trị không cao.

Tại Việt Nam, mỗi năm có trên 23.000 ca mới mắc và khoảng 20.000 người tử vong do ung thư phổi

Tại Việt Nam, mỗi năm có trên 23.000 ca mới mắc và khoảng 20.000 người tử vong do ung thư phổi

“Đáng mừng là điều trị ung thư phổi đã có nhiều tiến bộ theo hướng cá thể hóa cho từng bệnh nhân dựa trên các xét nghiệm có giá trị tiên lượng đáp ứng điều trị cao và góp phần đưa ra quyết định hướng điều trị phù hợp như xét nghiệm tìm đột biết gene EGFR”, TS Thuấn cho biết.

Trong các trường hợp ung thư phổi không tế bào nhỏ, tỉ lệ khối u có đột biến gene EGFR lên đến gần 50% và các bệnh nhân này có tỷ lệ đáp ứng điều trị khác biệt rõ rệt với các thuốc nhóm TKI so với hóa trị liệu thường quy hiện nay.

Nghiên cứu lâm sàng FLAURA so sánh hoạt chất mới là thuốc thuộc nhóm ức chế TKI thế hệ thứ 3 so với các thuốc ức chế TKI thế hệ 1 cho thấy, dùng thuốc thế hệ thứ 3 giúp kéo dài thời gian sống, bệnh không tiến triển cho bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn tiến triển tại chỗ hoặc di căn có đột biến gene EGFR lên đến 18,9 tháng, gần gấp đôi so với cách điều trị bằng các thuốc ức chế TKI thế hệ 1 hiện hành là 10,2 tháng. TS Trần Văn Thuấn cho rằng, liệu pháp này mở ra hy vọng mới cho các bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ tại Việt Nam.

Theo TS Trần Văn Thuấn, ung thư phổi thường có các dấu hiệu như: Thở khó khăn, nặng nhọc, ho nhiều và ho ra đờm có lẫn máu, đau tức ngực, sút cân một cách bất thường, không rõ nguyên nhân, thường xuyên bị nhiễm trùng đường hô hấp… Mọi người đều có thể mắc ung thư này nhưng người hút thuốc lá, thuốc lào trong thời gian dài, có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn. Khi có các dấu hiệu trên, người trong cuộc nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để kiểm tra và chẩn đoán, điều trị bệnh kịp thời.

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/ky-nang/tien-bo-moi-trong-dieu-tri-ung-thu-phoi-khong-te-bao-nho-post58183.html