Tiễn cà phê, rước bưởi da xanh, anh nông dân này giờ có tiền tỷ

Năm 2012, với diện tích 2,5 ha đất ở vùng sâu, vùng xa xã Đan Phượng, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, anh Nguyễn Văn Chức trồng 1.000 cây bưởi da xanh sau khi 'tống tiễn' dần cây cà phê. Năm 2016, anh thu hái 20 tấn trái, lãi hơn 1 tỷ đồng.

Mô hình trồng bưởi da xanh của anh Nguyễn Văn Chức giờ đây được nhiều người dân trong vùng tới tham quan học hỏi kinh nghiệm canh tác.

Thu 1,5 tỷ đồng mỗi năm

Trước đây, toàn bộ diện tích đất của gia đình anh Nguyễn Văn Chức được trồng cà phê nhưng làm cà phê vất vả và vài năm trở lại đây sản lượng trái không đạt. Năm 2012, khi chở trái cây thuê cho gia đình ông Ba Tài người cùng thôn, anh Chức thấy có giống bưởi da xanh ăn ngon mà giá bán lại rất cao. Nhận thấy Đan Phượng là vùng đất có điều kiện thổ nhưỡng khí hậu phù hợp với cây có múi nên anh quyết định xuống nhiều nhà vườn ở Bến Tre để học hỏi, tìm mô hình mới, đồng thời mua 1.000 cây giống bưởi da xanh với giá 40.000 đồng/cây về trồng...

Nhờ chịu khó, chăm chỉ, ham học hỏi kiến thức, kinh nghiệm chăm sóc nên vườn bưởi da xanh của anh Nguyễn Văn Chức cho sản lượng năm sau cao hơn năm trước. Ảnh: H.Y.

Anh Chức kể: “Lúc đó tôi là một trong số ít người đem cây bưởi da xanh về trồng ở địa phương. Ban đầu, tôi cũng không bỏ toàn bộ cà phê mà chỉ dám trồng bưởi da xanh ở giữa khoảng cách các cây cà phê. Hễ cây cà phê nào già cỗi là tôi lại phá và trồng xen bưởi. Khi cây bưởi còn nhỏ có thể thu hoạch cà phê để trang trải chi phí. Cứ cây bưởi càng lớn thì tôi phá dần cà phê để chuyển hẳn sang chuyên canh cây ăn quả - bưởi da xanh”.

Vừa trồng, chăm sóc bưởi da xanh, anh Chức vừa học hỏi, đúc kết kinh nghiệm nhằm không ngừng đưa năng suất, sản phẩm đạt chất lượng cao hơn để bán được giá. Khi quả cho trái ngọt đầu tiên, anh đem xuống tỉnh Bến Tre thử sản phẩm, thì sản phẩm của anh chất lượng không khác là mấy so với cây trồng ở đây. Từ năm 2015 đến nay, năng suất bưởi ở vườn nhà anh Chức tăng dần.

Theo anh Chức, cây bưởi ra rất sai trái, nếu để cây tự nhiên ra quả thì mỗi cây có khoảng hơn 100 trái, nhưng trái sẽ không chất lượng nên anh tiến hành vặt bớt chỉ để lại những trái chất lượng. Năm 2016, anh Chức thu hoạch được 20 tấn bưởi, bán với giá bình quân 40.000 đồng/kg, đồng thời anh thuê nhân viên kỹ thuật chiết giống để bán cho những người nông dân trong vùng có nhu cầu trồng nên trong năm ấy anh xuất được 20.000 cây giống, giá 40.000 đồng/cây. Sau khi trừ chi phí, với diện tích trồng bưởi nêu trên đã đem về lợi nhuận cho anh Chức hơn 1,5 tỷ đồng/năm. Anh cho hay, dự kiến vụ bưởi tết năm nay, gia đình anh sẽ có vụ mùa bội thu...

Thấy hiệu quả từ giống bưởi da xanh, người nọ truyền tai người kia, rất nhiều nông dân trong tỉnh như xã Tân Thanh, Liên Hà, Nam Ban, huyện Di Linh, TP Đà Lạt... tới tham quan học hỏi và mua giống cây của gia đình anh Chức

Hướng tới xuất khẩu

Nhiều năm gắn bó với cây cà phê, nhưng với sự nhạy bén, nắm bắt nhu cầu tiêu dùng, đón đầu thị trường, anh Chức nhận ra rằng, giống bưởi da xanh sẽ là đặc sản trong tương lai và có giá trị kinh tế cao. Vì thế, anh đã mạnh dạn đốn bỏ vườn cà phê để chuyển sang trồng bưởi. Nhờ quyết định đúng đắn, hiện nay anh Chức đã có trên 2,5 ha trồng bưởi da xanh, lợi nhuận thu về mỗi năm cả tỷ đồng.

Không chỉ nhanh nhạy với thị trường mà anh Chức còn tích lũy bí quyết chăm sóc bưởi da xanh đạt chất lượng cao. Trong tương lai anh Chức sẽ cho ra những sản phẩm chất lượng, thị trường không chỉ bó hẹp trong nước mà anh còn muốn tìm mối đưa bưởi da xanh của gia đình và bà con địa phương ra nước ngoài để tiêu thụ nâng tầm giá trị nông sản của địa phương. Hiện anh Chức đang trong quá trình làm hồ sơ để bưởi da xanh của gia đình được công nhận trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.

Theo anh Chức, sản xuất bưởi theo hướng VietGAP nông dân rất cực vì phải có sổ ghi chép hàng ngày, bón phân, xịt thuốc đúng cách, đúng liều lượng, tuân thủ nghiêm ngặt nhiều quy tắc. Tuy nhiên, ưu điểm là năng suất bưởi được tăng cao và giảm giá thành sản xuất. Đồng thời đây là cách để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nhằm giúp quả bưởi có thể xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

Nếu đã sản xuất thì phải làm có bài bản bởi tính anh Chức không muốn làm ăn manh mún. Là người bán giống nên anh Chức có thể nắm được diện tích người dân trồng, anh đang có hướng sẽ thành lập Tổ hợp tác Bưởi da xanh Đan Phượng để nông dân chủ động được kỹ thuật cũng như liên kết người dân trồng theo tiêu chuẩn VietGAP để có số lượng hàng lớn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Úc, Trung Quốc...

Ông Nguyễn MinhToản, Chủ tịch UBND xã Đan Phượng nhìn nhận, cùng với các loại cây ăn quả có múi, bưởi da xanh đang là giống cây mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, được thị trường ưa chuộng. Thành công của mô hình bưởi da xanh của gia đình anh Nguyễn Văn Chức cho thấy cây trồng này phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương.

Theo ông Toản, tại xã Đan Phượng, một số hộ dân đã bắt đầu thực hiện trồng xen, chuyển đổi trên một số diện tích cây trồng khác kém hiệu quả. Hiện Đan Phượng có khoảng 40 ha diện tích trồng bưởi da xanh, trong tương lai chắc chắn không chỉ dừng lại con số 40 ha mà sẽ tăng lên, sớm hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả lớn nhất huyện, đồng thời sản phẩm sẽ có thương hiệu được thị trường trong nước và thế giới đón nhận.

Theo Hoàng Yên (Báo Lâm Đồng)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/tien-ca-phe-ruoc-buoi-da-xanh-anh-nong-dan-nay-gio-co-tien-ty-802873.html