Tiền có, vì sao chưa làm sân bay quốc tế Long Thành?

Trong phiên họp tại hội trường, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV ngày 29/10, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã báo cáo tiến độ 2 dự án trọng điểm quốc gia là sân bay Quốc tế Long Thành và cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Mô hình sân bay Long Thành

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết: Tháng 11/2018, nếu Chính phủ phê duyệt được dự án giải phóng mặt bằng chúng ta sẽ sử dụng khoản 23.000 tỷ đồng bố trí cho giải phóng mặt bằng dự án sân bay quốc tế Long Thành, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ bắt đầu sử dụng số tiền này.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, kỳ họp tháng 10/2017 sau khi Quốc hội thống nhất tách dự án giải phóng mặt bằng thành dự án riêng, Chính phủ và Quốc hội có Nghị quyết số 54 ngày 24/11/2017 giao cho UBND tỉnh Đồng Nai và Bộ Giao thông vận tải thực hiện.

Như vậy, 2 nhiệm vụ được thực hiện song song, UBND tỉnh Đồng Nai khẩn trương hoàn thành dự án giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành để trình Chính phủ phê duyệt. Sau khi phê duyệt mới bắt đầu tiến hành kiểm đếm và chi trả.

Bộ GTVT được giao tiến hành đấu thầu quốc tế để lập dự án khả thi cho sân bay quốc tế Long Thành.

Tháng 3/2018, UBND tỉnh Đồng Nai đã trình Chính phủ dự án GPMB, Chính phủ tổ chức thẩm định và góp ý.

Tháng 7/2018, UBND tỉnh Đồng Nai trình lại lần thứ 2 và hiện nay, 25 thành viên của Hội đồng thẩm định quốc gia đã thống nhất ý kiến và hồ sơ đã trình Chính phủ.

“Có lẽ đầu tháng 11/2018 Chính phủ sẽ phê duyệt dự án”, Bộ trưởng Thể cho biết.

Về phí Bộ Giao thông vận tải, ông Thể cho biết, đã đấu thầu quốc tế, lập dự án tổng thể giai đoạn 1 cho sân bay quốc tế Long Thành.

Vì đấu thấu quốc tế, tháng 6 mới ký hợp đồng chính thức lập dự án. Như vậy, liên doanh 5 nhà thầu, trong đó có 3 nhà thầu của Nhật Bản và 2 nhà thầu trong nước đang thực hiện khẩn trương công tác lập dự án.

Theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào tháng 7/2019, tháng 3/2019 sẽ hoàn thành đánh giá tác động môi trường, cuối cùng tháng 10/2019 cố gắng báo cáo Quốc hội.

“Hiện nay, Bộ đã phối hợp với các tỉnh điều chỉnh lại quy hoạch giao thông của khu vực Long Thành, cố gắng khi hình thành được sân bay 100 triệu hành khách/năm thì toàn bộ hệ thống giao thông phải được đầu tư kết nối và hoạt động đồng bộ, tránh tình trạng như sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay.

Giao thông liên kết vùng, chúng tôi đánh giá là khu vực miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long, Tây Bắc hiện nay, hệ thống giao thông đang rất yếu kém, chúng tôi đang làm việc với các tỉnh cố gắng chọn mỗi tỉnh, khu vực những công trình, dự án quan trọng nhất cho khu vực để chúng tôi lập kế hoạch cho nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Hy vọng, sau nhiệm kỳ này, chúng tôi mới có khả năng, điều kiện tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ để điều chỉnh quy hoạch giao thông và lộ trình đầu tư, cố gắng làm sao hệ thống giao thông đi trước một bước để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội” – ông Nguyễn Văn Thể chia sẻ.

Còn đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông thì tháng 1/2019, sau khi bàn giao mặt bằng, các địa phương sẽ khẩn trương chọn các đoạn tuyến đủ điều kiện làm trước và phê duyệt, lúc đó hơn 14.000 tỷ cho GMPB mới bắt đầu chi trả.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Thể, với hơn 27.000 tỷ Nhà nước đầu tư vào 654km đường cao tốc Bắc- Nam phía Đông, phải đến tháng 9/2019, sau khi tiến hành đấu thầu, chọn được nhà thầu quốc tế hoặc trong nước tham gia 8 dự án đối tác công tư thì lúc đó mới dùng số tiền này chi trả theo tiến độ

Hiếu Nguyễn

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/tien-co-vi-sao-chua-lam-san-bay-quoc-te-long-thanh-3960418-v.html