Tiền công đức tại chùa Tây Thiên: Sự thật đằng sau tin đồn

Thời gian qua có nhiều thông tin liên quan đến việc quản lý tiền công đức tại chùa Tây Thiên khiến Tăng ni, Phật tử bất an, thiền môn kinh động.

Tây Thiên là đất Phật thanh tịnh, là nơi tu tập của nhiều Tăng ni, Phật tử và là điểm hành hương, vãn cảnh của cả triệu khách thập phương. Nhưng gần đây có thông tin về việc quản lý tiền công đức.

Một sư thầy đã có đơn đề nghị gửi hàng loạt cơ quan, đơn vị tỉnh Vĩnh Phúc và huyện Tam Đảo về sự bất ổn diễn ra tại chùa Tây Thiên trong thời gian qua, nhất là vấn đề quản lý tiền công đức mập mờ.

Nội dung đơn nêu rõ: “Lâu nay, tình hình bất ổn tại chùa Tây Thiên xảy ra do các sư không tôn trọng trụ trì, không tuân thủ quy định của Nhà nước về chính sách hộ khẩu, đi lại, sinh hoạt tùy tiện, tự do mở hòm công đức và thu vén toàn bộ tiền đem đi, không ghi sổ sách, không báo cáo trụ trì”.

Chùa Tây Thiên

Chùa Tây Thiên

Nhà chùa đã thực hiện báo cáo gửi cấp thẩm quyền và ban hành nội quy, cấp thẻ cho những người có trách nhiệm và được đóng dấu suy cử, có đeo thẻ của chùa Tây Thiên để thực hiện việc tiếp lễ, ghi nhận công đức cũng như thực hiện các công việc trong chùa.

Trao đổi về vấn đề này, sư ni Thích Linh Quang, Ủy viên Thường trực Ban Quản trị Sơn môn Tịnh thất Tây Thiên cho biết, hiện tại sơn môn có hơn 120 sư ni đang tu tập trong 5 cơ sở thờ tự. Khác với những cơ sở thờ tự khác, Sơn môn Tịnh thất Tây Thiên có hình thái quản lý đặc thù.

Theo đó, 5 cơ sở thờ tự là chùa Tây Thiên, chùa Bảng (Pháp Long Uyển Tự), Đại bảo tháp Madana, chùa Phù Nghì, chùa Thiên Ân đều thuộc quyền quản lý của ni chúng Tây Thiên mà trực tiếp là Ban Quản trị Sơn môn Tịnh thất Tây Thiên.

Ở các chùa khác, trụ trì là người có quyền quản lý về mọi mặt cả về Phật sự cũng như sinh hoạt của chư Tăng Ni, nhưng từ khi mới thành lập rồi trải qua nhiều năm phát triển với Sơn môn Tịnh thất Tây Thiên thì trụ trì chỉ là người đứng chức danh, đại diện cho Ni chúng và để hợp thức hóa về mặt pháp lý.

Nói về chuyện quản lý tiền công đức, Sư ni Thích Linh Quang cho biết, giống như mô hình các cơ quan bên ngoài, Sơn môn Tịnh thất Tây Thiên có Ban Quản lý Tài chính riêng. Ban Quản lý Tài chính sử dụng tiền đúng theo giới luật và những quy định nghiêm ngặt khác của tịnh thất.

Tất cả tiền công đức thu được từ 5 cơ sở thờ tự đều do Ban Quản lý Tài chính của Tịnh thất giữ và quản lý. Chi tiêu, sử dụng tiền ấy như thế nào thì đều phải báo cáo và được sự đồng ý của thường trực Ban Quản trị Sơn môn.

Cũng theo Sư ni Thích Linh Quang, từ nhiều năm nay, tất thảy tiền công đức của cả 5 cơ sở thờ tự đều được sử dụng, chi tiêu vào việc xây dựng, tu tạo quần thể 5 chùa của Sơn môn. "Việc chi tiêu ra sao Ban Quản lý Tài chính đều có sổ sách rõ ràng ", Sư ni Thích Linh Quang khẳng định.

Nói về việc xây dựng quần thể Tịnh thất, trao đổi với chúng tôi, Ni sư Thích Nữ Bảo Tâm, Phó Ban Trị sự GHPGVN huyện Tam Đảo, Trưởng Phân ban Đặc trách Ni giới huyện Tam Đảo, Trưởng Ban Quản trị Sơn môn Tịnh thất Tây Thiên cho biết, 25 năm qua, tịnh thất Tây Thiên đã xây dựng rất nhiều công trình. Và những công trình khang trang, tầm cỡ này đã làm thay đổi bộ mặt của Tịnh thất nói riêng và đất Phật Tây Thiên nói chung.

"Nếu không có sự hỗ trợ của Phật tử thập phương, sức gánh gồng dốc tâm xây dựng của Ni chúng thì tiền công đức cũng không đủ để trang trải. Thậm chí, ở nhiều công trình, khi tiến hành xây dựng dở dang thì hết kinh phí, Ban Quản trị phải đi vay sau đó trả dần", Sư ni Thích Nữ Bảo Tâm chia sẻ.

Thời gian đó, sư thầy Thanh Tịnh thỉnh Viện chủ Tùng lâm Hương Tích, cố Hòa thượng Thích Viên Thành cùng một số Phật tử tìm đến chân chùa cổ Phù Nghì cắm đất, xây dựng ngôi Tịnh thất đầu tiên. Trải qua thời gian, với lòng khát ngưỡng giáo pháp, nhiều người đã đến Tịnh thất xin xuất gia, một lòng hướng Phật.

Lượng sư ni ngày một đông nhưng thời gian đó, bởi nằm trong địa phận rừng quốc gia nên về mặt pháp lý có nhiều việc chưa được hợp thức. Bởi thế, năm 2006, được sự gợi ý, hướng dẫn địa phương, Ni chúng Tây Thiên quyết định nhận ngôi chùa Tây Thiên Thiền Tự (chùa Thượng) để làm chỗ hợp thức pháp lí.

Năm 2009, được sự đồng thuận của các cơ quan hữu quan, Ni chúng Tây Thiên đã nhận thêm chùa Thiên Ân, năm 2010 được sự cho phép của Thủ tướng chính Phủ cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng Đặc dụng Quốc gia thành đất tôn giáo để hợp thức thành chùa Phù Nghì. Năm 2012 ni chúng Tây Thiên hoan hỷ đón nhận Đại bảo tháp Madana và năm 2015 thì có thêm chùa Bảng, còn gọi là Pháp Long Uyển Tự.

Mỗi khi nhận thêm cơ tu hành, Ni chúng Tây Thiên đều nhóm họp và cử người đại diện cho Ni chúng, đứng danh nghĩa là Trụ trì.

Ngày 17/1/2018, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Vĩnh Phúc đã chính thức ban hành quyết định Bổ nhiệm và phê chuẩn Ban Quản trị Sơn môn Tịnh thất Tây Thiên. Theo đó, Ban Trị sự Tỉnh VP đã bổ nhiệm, phê chuẩn Ban Quản trị Sơn môn Tịnh thất Tây Thiên gồm 21 vị, đại diện cho toàn bộ Ni chúng đang quản lý, sinh hoạt tại 5 chùa gồm: Chùa Tây Thiên, Đại bảo tháp Madana, Chùa Phù Nghì, Chùa Thiên Ân, Long Uyển Tự.

Cũng theo quyết định này, Ni trưởng Thích Đàm Tịnh được bổ nhiệm làm Viện chủ và Ni sư Thích Nữ Bảo Tâm được bổ nhiệm làm Trưởng Ban Quản trị Sơn môn Tịnh thất Tây Thiên.

Quyết định cũng nêu rõ, Viện chủ Thích Đàm Tịnh và Trưởng Ban quản trị Thích Nữ Bảo Tâm có trách nhiệm điều hành, chỉ đạo mọi mặt hoạt động Phật sự tại 5 cơ sở thờ tự (như đã nêu ở trên) thuộc Sơn môn Tịnh thất Tây Thiên quản lý theo đúng Hiến chương GHPGVN và pháp luật Nhà nước hiện hành.

Mới đây, ngày 10/3/2018, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Vĩnh Phúc đã ra thông báo nêu rõ, kể từ ngày 17/1/2018, khi quyết định bổ nhiệm về phê chuẩn Ban Quản trị Sơn môn Tịnh thất Tây Thiên có hiệu lực thì các quyết định bổ nhiệm trụ trì của 5 cơ sở thờ tự trước đây đã không còn giá trị và con dấu của 5 cơ sở thờ tự trên cũng không còn hiệu lực.

Thông báo nhấn mạnh, Ban Quản trị Sơn môn Tịnh thất Tây Thiên là tổ chức duy nhất được quyền thay mặt Giáo hội cơ sở tổ chức các hoạt động Phật sự, quản lý tự, viện cùng nhiều vấn đề khác cho 5 cơ sở thờ tự của Sơn môn Tịnh thất Tây Thiên.

Theo Ni sư Thích Nữ Bảo Tâm, có được sơn môn tịnh thất khang trang như ngày hôm nay phải kể đến công sức đóng góp của các Phật tử, khách thập phương và sự nỗ lực, gồng gánh của toàn bộ Ni chúng Sơn môn.

"Đặc biệt là sự quan tâm, sát sao của lãnh đạo địa phương, GHPGVN và GHPGVN tỉnh Vĩnh Phúc", Ni sư Thích Nữ Bảo Tâm cảm kích.

Nam Anh (T/h)

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/doi-song/tien-cong-duc-tai-chua-tay-thien-su-that-dang-sau-tin-don-a222521.html