Tiền của mình nhưng doanh nghiệp Việt suốt đời làm thầu phụ?

Tránh tình trạng doanh nghiệp nước ngoài làm chủ còn người Việt Nam suốt đời làm thầu phụ, trong khi đây là tiền vay của mình.

Ngày 11/10/2018, Bộ GVT tổ chức cuộc họp bàn về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam. Phía đại diện tư vấn đề xuất vận tốc của tuyến đường khi đưa vào sử dụng là 320km/h.

Phương án quản lý được chia làm 2 công ty gồm đơn vị đầu tư hạ tầng và khai thác vận hành. Về nhân lực, dự kiến đến năm 2030, dự án sẽ cần 5.100 người cho công tác vận hành và đến giai đoạn 2045 cần thêm 8.600 người. Để có đủ nguồn nhân lực thì cần thành lập Học viện Đường sắt để đào tạo trước từ 5 - 7 năm.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, không cần thành lập Học viện Đường sắt mà có thể thành lập các Viện ở các trường đại học hiện có.

Đường sắt cao tốc Bắc Nam dự kiến chạy 320km/h.

Việc chuẩn bị vật liệu cũng cần được lên kế hoạch trước để đặt hàng các doanh nghiệp trong nước, tránh phải nhập từ nước ngoài.

Với lĩnh vực tự động hóa, ông gợi ý giao cho các đơn vị của Việt Nam mua giấy phép sản xuất chi tiết, dần hình thành ngành công nghiệp trong nước, tránh tình trạng doanh nghiệp nước ngoài làm chủ còn người Việt Nam suốt đời làm thầu phụ, trong khi đây là tiền vay của mình.

TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, cần “số hóa” đào tạo để giảm thời gian, chi phí. “Đào tạo nhân lực và tổ chức hệ thống quản lý đường sắt tốc độ cao cần phải được số hóa để tiết kiệm chi phí. Áp dụng đào tạo số hóa, học để thực hành, học và thi cử đều qua số hóa sẽ rất nhanh.

Số lượng nhân lực 13.000 - 20.000 người không phải là lớn. Tránh chuyện như thế hệ trước được đào tạo trước rất lâu rồi chờ mà không có việc làm”, TS. Nghĩa nói.

GS Đỗ Đức Tuấn, chuyên gia giao thông góp ý, tư vấn cần so sánh và nghiên cứu việc đào tạo nguồn nhân lực của nước ngoài. Việc thành lập mới Học viện đường sắt buộc phải xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo giáo viên…, gây lãng phí không cần thiết.

“Vì vậy, ngoài phương án này thì phải có phương án khác. Cụ thể, phải nghiên cứu nguồn nhân lực trong nước cho giao thông vận tải. Hiện nay, chúng ta có trường Đại học Giao thông vận tải hay trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải… nên cần thiết phải nghiên cứu nâng cấp một trường nào đó nhằm đảm đương được chức năng đào tạo cho ngành đường sắt…”, GS Đỗ Đức Tuấn nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, mô hình quản lý khai thác vận hành gắn liền với đầu tư và hiện các nước có cơ chế đầu tư, quản lý vận hành khác nhau. Vì vậy, Thứ trưởng yêu cầu tư vấn nghiên cứu kỹ hơn để bổ sung, làm rõ căn cứ đề xuất trong báo cáo cuối kỳ dự án được tổ chức vào cuối tháng 10/2018.

Ngọc Mai (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/tien-cua-minh-nhung-doanh-nghiep-viet-suot-doi-lam-thau-phu-3367135/