Tiền đề và những thách thức với 'quê lúa'

Mục tiêu lớn và đáng chú ý nhất được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Phú Bình nhiệm kỳ mới là xây dựng huyện cơ bản đạt tiêu chuẩn thị xã vào năm 2025. Nhìn lại những năm gần đây, địa phương thường được gọi là 'quê lúa' này đã có sự bứt phá trong nhiều lĩnh vực, đó chính là tiền đề để huyện phấn đấu trở thành đô thị. Tuy nhiên, chặng đường phía trước của huyện cũng còn không ít khó khăn, thách thức.

Khu công nghiệp Điềm Thụy (diện tích quy hoạch 170ha phần lớn thuộc địa phận huyện Phú Bình) đang được đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng và thu hút đầu tư, sẽ là điểm nhấn mới cho phát triển công nghiệp và dịch vụ của huyện.

Khi đề cập đến những kết quả và cũng là tiền đề chính để Đảng bộ huyện đặt mục tiêu phấn đấu trở thành thị xã trong 5 năm tới, đồng chí Hoàng Thanh Giao, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, nguyên Chủ tịch UBND huyện Phú Bình khái quát: 5 năm qua, lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng trên địa bàn huyện có bước phát triển đột phá, kéo theo sự tăng trưởng về thương mại - dịch vụ, cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng tích cực. Đây là yếu tố quan trọng nhất để huyện tiệm cận các tiêu chuẩn của đô thị. Đi kèm với đó là hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư, giúp Phú Bình kết nối, hòa nhập tốt hơn với T.X Phổ Yên và T.P Sông Công, 2 địa phương nằm trong khu vực trọng điểm công nghiệp phía Nam của tỉnh đang phát triển sôi động. Các yếu tố đáng kể nữa là đến tháng 6 năm nay, 19/19 xã của huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới, hàng chục khu dân cư, khu đô thị đã, đang và sẽ được triển khai trên địa bàn giúp đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa.

Lĩnh vực đạt kết quả phát triển ấn tượng nhất của huyện Phú Bình thời gian qua là công nghiệp - xây dựng và tiểu thủ công nghiệp với tốc độ tăng trưởng bình quân tới 46%/năm (giá trị sản xuất năm nay ước đạt gần 20,5 nghìn tỷ đồng theo giá so sánh năm 2010, gấp 7,3 lần năm 2015). Nhiều nhà đầu tư đã và đang tiếp tục chọn Phú Bình là điểm đến, đặc biệt là Khu A - Khu công nghiệp (KCN) Điềm Thụy, nơi đã có hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Hiện có 51 doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp của huyện, tao ra phần lớn giá trị sản xuất công nghiệp của địa phương và việc làm cho trên 12.000 lao động. Ngoài ra, trên địa bàn có 172 doanh nghiệp, hợp tác xã và gần 8.600 cơ sở sản xuất - kinh doanh đang hoạt động. Điều này khiến cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch mạnh mẽ, đến nay, tỷ trọng ngành Công nghiệp và Thương mại - Dịch vụ chiếm khoảng 81% (đã đáp ứng tiêu chí thị xã).

Những năm gần đây, huyện Phú Bình thu hút được hàng chục dự án khu dân cư, khu đô thị góp phần đẩy nhanh quá trình đô thị hóa. Trong ảnh: Hạ tầng Khu dân cư số 2 thị trấn Hương Sơn (diện tích 7,6ha, do Công ty TNHH Anh Quân làm chủ đầu tư) đã cơ bản hoàn thiện.

Về giao thông, ngoài “huyết mạch” là Quốc lộ 37, những năm gần đây, các tuyến tỉnh lộ chạy qua địa bàn như: ĐT 266, 269B, 269C, 261C, 261D, 261E và ĐT 261… liên tục được đầu tư nâng cấp, cải tạo, nhiều cầu qua sông Đào đã và đang được xây mới. Đặc biệt là đường Vành đai V, tuyến đường “xương sống” kết nối Phú Bình và T.X Phổ Yên, với KCN Yên Bình và cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, đã cơ bản hoàn thiện. Đó là yếu tố rất quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tăng sức hấp dẫn với các nhà đầu tư và tạo thêm đà cho quá trình đô thị hóa....

Những tiền đề cơ bản nêu trên chính là cơ sở để Đại hội Đảng bộ huyện Phú Bình nhiệm kỳ 2020-2025 đưa vào Nghị quyết mục tiêu phấn đấu xây dựng huyện cơ bản đạt tiêu chuẩn thị xã trong 5 năm tới. Nhìn vào thực tế hiện tại, để đạt được mục tiêu này, địa phương cần quyết tâm chính trị lớn và triển khai các giải pháp đồng bộ, phù hợp ngay từ đầu nhiệm kỳ. Những năm gần đây, ngoài các yếu tố khách quan thuận lợi và sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh, huyện Phú Bình đã thực hiện khá hiệu quả 3 khâu đột phá (tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, giải phóng mặt bằng thu hút đầu tư và cải cách hành chính) bằng việc xây dựng các chương trình, đề án, dự án cụ thể, huy động tốt các nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Từ những thành công và bài học kinh nghiệm này, trong giai đoạn phát triển mới, Đảng bộ huyện Phú Bình tiếp tục xác định 3 đột phá gồm: Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, ưu tiên hạ tầng giao thông, khu, cụm công nghiệp; tập trung giải phóng mặt bằng và nâng cao chất lượng cải cách hành chính. Đồng thời, huyện sẽ tiếp tục triển khai và xây dựng thêm các chương trình, đề án phù hợp với mục tiêu Nghị quyết.

Đến nay, ngoài cơ cấu kinh tế, huyện Phú Bình có “vốn” là đã đạt một số tiêu chí trong bộ tiêu chuẩn của thị xã như quy mô dân số, số đơn vị hành chính trực thuộc, diện tích tự nhiên, hoặc có tiêu chí đã tiệm cận như tỷ lệ hộ nghèo. Nhưng nhiều tiêu chí khác đang ở xuất phát điểm khá thấp như: thu nhập bình quân đầu người, cân đối thu chi ngân sách, tỷ lệ đô thị hóa và lao động phi nông nghiệp, hạ tầng kỹ thuật… Trong đó, thách thức lớn nhất với huyện là việc thực hiện tiêu chí có ít nhất 50% số đơn vị hành chính cấp xã đạt tiêu chuẩn đô thị loại V trở lên (tương đương 10/20 xã, thị trấn của huyện).

Hiện, Phú Bình mới có thị trấn Hương Sơn và xã Điềm Thụy cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại IV và loại V (xã Điềm Thụy đang được hoàn thiện các thủ tục thành lập thị trấn). Để thực hiện tiêu chí khó này, huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn rà soát kỹ hiện trạng, chọn các xã phù hợp để xây dựng kế hoạch, lộ trình, giải pháp cụ thể, tập trung huy động, lồng ghép các nguồn lực để ưu tiên đầu tư…

Có thể nói, để đạt mục tiêu trở thành đô thị trong nhiệm kỳ mới, huyện Phú Bình có rất nhiều việc phải làm và những thách thức không nhỏ ở phía trước. Nhưng những thách thức đó đã được cấp ủy, chính quyền huyện nhận rõ để sớm có giải pháp phù hợp. Điều quan trọng nhất là nội lực, tiềm năng của địa phương vẫn đang và sẽ được phát huy tốt như giai đoạn vừa qua.

Trần Quyền

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/dau-tu/tien-de-va-nhung-thach-thuc-voi-que-lua-274701-102.html