Tiền đi đâu hết?

Bắt đầu từ cuối tháng 5-2022, một số ngân hàng đã cảnh báo khách hàng là room tín dụng sắp hết và có thể những tháng cuối năm 2022, việc giải ngân nguồn vốn tín dụng sẽ gặp khó khăn. Thực tế diễn ra đúng như dự đoán. Tùy từng ngân hàng mà việc vay vốn đã trở nên khó khăn hơn. Với các ngân hàng đã sử dụng gần hết hạn mức % tăng trưởng tín dụng trong mức cho phép, cánh cửa vay tiền của cả khách hàng doanh nghiệp (DN) lẫn cá nhân gần như khép kín kể từ tháng 7-2022.

Đầu năm 2022, theo nội dung Chỉ thị 01, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra định hướng tín dụng năm 2022 sẽ tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Song rất nhiều ngân hàng đã sử dụng gần hết room trong nửa đầu năm 2022, dẫn đến không đủ đáp ứng nguồn cung vốn tín dụng trong những tháng cuối năm.

Vấn đề ở đây không chỉ nằm ở room tín dụng, mà là dòng vốn tín dụng nửa đầu năm hầu như chỉ “chảy” vào một vào lĩnh vực đặc thù (bất động sản, chứng khoán), do đó vào cuối năm, khi nhu cầu vay vốn sản xuất, kinh doanh tăng cao, room tín dụng không còn đủ đáp ứng.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 10-2022 đạt 11,5% so với cuối năm 2021. Với hạn mức tăng trưởng tín dụng cho cả năm 2022 là 14%, “không gian tín dụng” cho 2 tháng cuối năm vẫn còn khoảng 2,5%. Phân tích số liệu tăng trưởng tín dụng từ tháng 7 đến tháng 10 cho thấy, trong 4 tháng, tín dụng toàn hệ thống ngân hàng chỉ tăng thêm 2,15%. Nếu lý giải theo cách này thì có vẻ “không gian tín dụng” cho 2 tháng cuối năm 2022 đã “dễ thở” hơn so với giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 10. Tuy nhiên, thực tế là DN vẫn rất khó vay tiền và ngân hàng cũng đang “than” hết tiền.

Tại Diễn đàn kinh tế 2023: Cùng DN vượt sóng do Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây, TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam lý giải, khi dư nợ tín dụng đã gần tương đương với tổng vốn huy động, nghĩa là có bao nhiêu vốn ngân hàng đều cho vay gần hết, trong khi tăng trưởng huy động vốn lại chưa bằng một nửa tăng trưởng tín dụng thì dù Ngân hàng Nhà nước có nới trần tín dụng, các ngân hàng thương mại cũng khó có đủ vốn để cho vay. Chưa kể hiện nay, các ngân hàng đang rất khó khăn trong hệ số an toàn vốn và cũng buộc phải tăng mạnh lãi suất để tăng huy động.

Nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh tăng mạnh nhưng vì nhiều lý do, các kênh cấp vốn khác (ví dụ như trái phiếu DN), thanh khoản bất động sản lại kém, dẫn đến DN đang rất vất vả trong việc tiếp cận các nguồn tiền. Nếu có thể tiếp cận, lãi suất vay đang tăng cũng khiến nhiều DN “khó chồng thêm khó”.

Thực tế, nhiều chuyên gia cho rằng, tiền không thiếu, song lại “nằm đóng băng” trong bạt ngàn các dự án bất động sản, trong những lô trái phiếu kém thanh khoản hoặc nằm trong túi tiền của nhiều người dân do họ không có đủ niềm tin để “bung” tiền ra vào lúc này. Vậy nên, giải quyết vấn đề “tiền đi đâu hết” ở bối cảnh này thực sự khó khăn, đòi hỏi những can thiệp mạnh tay, hiệu quả từ các chính sách điều hành, điều tiết vĩ mô.

Vi Lâm

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202211/so-tay-phong-vien-tien-di-dau-het-3145532/