Tiến độ triển khai tiêm vaccine Covid-19 của Việt Nam

Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Hà Nội) đánh giá công tác triển khai tiêm chủng tại một số địa phương chưa đạt tiến độ mong muốn.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sáng 16/4 về tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19 và tiêm chủng vaccine Covid-19 với ngành y tế của 63 tỉnh, thành phố, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương hoàn thành kế hoạch tiêm phòng trước ngày 5/5. Địa phương nào không tổ chức tiêm hết, Bộ Y tế sẽ thu hồi. Tính đến 15/4, hơn 73.000 người Việt Nam đã được tiêm phòng vaccine.

Theo báo cáo Triển khai tiêm vaccine Covid-19 ngày 16/4 của Chương trình Tiêm chủng mở rộng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Hà Nội), Việt Nam đang bước vào giai đoạn triển khai tiêm vaccie Covid-19 đợt 2. Hầu hết địa phương được cung ứng vaccine, vật tư tiêm chủng phục vụ đợt 2. Tính đến ngày 16/4, 49/63 tỉnh được cấp vaccine, vật tư. Trong đó, miền Bắc và khu vực Tây Nguyên đã hoàn thành kế hoạch. 14 tỉnh, thành tại miền Trung, miền Nam dự kiến hoàn thành trong ngày 19 và 24/4.

Tuy nhiên, báo cáo của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết nhiều tỉnh chưa phê duyệt Kế hoạch triển khai tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 (đợt 2). Công tác triển khai tiêm chủng chiến dịch tại một số địa phương chưa đạt tiến độ mong muốn. Bên cạnh đó, thời hạn sử dụng vaccine khá ngắn (tối đa 2 tháng). Đây là vaccine mới, các thông tin về an toàn đang được tiếp tục cập nhật.

 Những người đầu tiên được tiêm vaccine Covid-19 tại Việt Nam là nhân viên y tế tuyến đầu, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch... Ảnh: Thạch Thảo.

Những người đầu tiên được tiêm vaccine Covid-19 tại Việt Nam là nhân viên y tế tuyến đầu, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch... Ảnh: Thạch Thảo.

Trước những vấn đề này, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đề nghị UBND tỉnh, thành phố sớm phê duyệt kế hoạch triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19, chỉ đạo sát sao để đạt tiến độ tiêm chủng của các đợt chiến dịch, bố trí kinh phí triển khai. Đơn vị này cũng đề nghị các địa phương triển khai liên tục theo hình thức chiến dịch, không gián đoạn để đạt tiến độ đề ra; tăng cường công tác phối hợp giữa hệ điều trị và dự phòng trong quá trình triển khai...

Trong đợt 1, hầu hết tỉnh, thành nhanh chóng xây dựng kế hoạch và triển khai việc tiêm phòng. Vaccine Covid-19 của AstraZeneca là loại mới nên các cơ sở y tế thận trọng trong quá trình triển khai. Một số địa phương triển khai còn dè dặt, ngắt quãng nên tiến độ chưa như mong muốn.

Cụ thể, tính đến ngày 14/4, 9/19 tỉnh, thành đã kết thúc đợt 1 tiêm phòng vaccine Covid-19. Đó là Bắc Ninh, Hòa Bình, Hà Giang, Tây Ninh, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Gia Lai, Khánh Hòa, Đà Nẵng. Ngoài ra, Hà Nội, Bắc Giang, Điện Biên, Bình Dương là 4 địa phương có tỷ lệ sử dụng vaccine đợt 1 trên 90%. Dự kiến, những nơi này kết thúc đợt 1 tiêm chủng chậm nhất là ngày 25/4. Tỷ lệ sử dụng vaccine đợt 1 của Hải Phòng, Hưng Yên, TP.HCM là 80-90%. Con số này tại Đồng Tháp, Quảng Ninh, Hải Dương là dưới 80%.

Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng đã tiêm chủng cho 13.000 người trên tổng số 20.000 liều vaccine được cấp. 1.960 chiến sĩ tại Bộ Công an được tiêm phòng, trên tổng số 10.000 liều vaccine được cấp.

Hệ thống giám sát của Chương trình Tiêm chủng Mở rộng quốc gia cũng ghi nhận gần 33% người được tiêm xuất hiện phản ứng nhẹ thông thường sau khi nhận vaccine. Hầu hết đều là phản ứng tại chỗ như đau, ngứa, nóng đỏ. Một số trường hợp bị sốt nhẹ. Tuy nhiên, những phản ứng này đều tự hết sau 1-2 ngày mà không cần phải điều trị, chăm sóc y tế.

Hệ thống giám sát của Chương trình Tiêm chủng Mở rộng quốc gia đánh giá mức độ phản ứng sau tiêm chủng của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều quốc gia khác. Bộ Y tế cho biết với vaccine 5 trong 1 được tiêm ở Chương trình Tiêm chủng Mở rộng, tỷ lệ phản ứng sau tiêm cũng trên 50%. Do đó, người dân nên chủ động trong việc tiêm phòng, giúp Việt Nam nhanh chóng đạt đến miễn dịch cộng đồng.

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tien-do-trien-khai-tiem-vaccine-covid-19-cua-viet-nam-post1204961.html