Tiễn đưa nhà văn Tô Hải Vân về cõi vĩnh hằng

Sáng nay, 12/2/2019, tại Hà Nội, đã diễn ra lễ tang nhà văn Tô Hải Vân (Tô Đăng Hải). Gia đình nhà văn Tô Hải Vân cùng đông đảo đồng nghiệp, bạn bè... đã đau xót tiễn đưa nhà văn Tô Hải Vân về cõi vĩnh hằng. Nhà văn Đỗ Trí Huân, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đọc điếu văn.

Văn hiến trân trọng gửi tới bạn đọc toàn văn Điếu văn của Hội Nhà văn Việt Nam

NHỮNG VẺ ĐẸP SẼ CÒN LẠI MÃI…

Điếu văn nhà văn Tô Hải Vân

Của HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM

Kính thưa các cụ, các ông, các bà

Kính thưa các quý vị và các bạn

Thưa gia quyến nhà văn Tô Hải Vân!

Có lẽ tất cả chúng ta ở đây, và cả các nhà văn, những bạn đọc yêu quý nhà văn Tô Hải Vân suốt mấy chục năm nay, không ai ngờ lại có khoảnh khắc đau đớn này. Dù chúng ta vẫn biết nhà văn mang trọng bệnh: Ung thư. Một căn bệnh hiểm nghèo, mà hầu như không có ai có thể thoát qua được. Nhưng rồi, chính trong thời gian chống lại bệnh tật, nhà văn lại miệt mài sáng tạo, cho ra đời những tác phẩm quan trọng nhất của đời mình, trong đó có ba cuốn tiểu thuyết, có cuốn được trao Giải thưởng cao của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội. Chúng ta rất vui mừng. Rồi chúng ta lại hi vọng. Hi vọng vào một phép nhiệm màu nào đó. Nhưng rồi sự thật vẫn cứ là sự thật. Nhà văn đã động viên chúng ta, an ủi chúng ta bằng tập truyện ngắn cuối cùng, cuốn sách có tên là “Hội hè”, rồi lặng lẽ ra đi vào hồi 17 giờ 25 phút tại nhà riêng ngày 4-2-2019 (tức 30 tháng Chạp, ngày cuối cùng của năm Mậu Tuất), hưởng thọ 72 tuổi.

Nhà văn Tô Hải Vân, tên thật là Tô Đăng Hải, sinh ngày 26-3-1947 tại một làng quê mà gia đình ông tản cư ở Hưng Yên. Nhưng cả cuộc đời và sự nghiệp của ông lại gắn liền với Hà Nội - mảnh đất thiêng liêng nghìn năm văn hiến này.

Năm 1969, tốt nghiệp trường đại học Kinh tế - Kế hoạch Hà Nội (nay là trường Đại học Kinh tế quốc dân), ông được nhà trường giữ lại làm cán bộ giảng dạy khoa Thống kê. Từ 1978, ông là nghiên cứu sinh tại Liên Xô, và đến năm 1982 được cấp bằng Tiến sĩ. Ông quay lại trường đại học Kinh tế Quốc dân, tiếp tục làm cán bộ giảng dạy và đến năm 1989 được bổ nhiệm làm Phó chủ nhiệm khoa Thống kê, năm 1991 được phong hàm Phó Giáo sư kinh tế. Cũng trong năm này, ông chuyển về công tác tại Ủy ban khoa học nhà nước (nay là bộ Khoa học và Công nghệ), làm Giám đốc Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, sau đó kiêm Tổng biên tập báo “Khoa học và phát triển”, Tổng biên tập tạp chí “Sách và đời sống” (của Hội Xuất bản Việt Nam). Năm 2008, ông nghỉ hưu. Năm 2009, ông còn là thành viên sáng lập Nhà xuất bản Dân trí

Trong suốt cuộc đời giảng dạy, nghiên cứu khoa học, quản lý xuất bản - báo chí…, và trong bất cứ môi trường làm việc nào, nhà giáo, nhà báo, Phó Giáo sư Tiến sĩ, nhà văn Tô Hải Vân cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Sự nghiệp khoa học của ông thăng tiến liền mạch, suôn sẻ, hanh thông. Nhưng sự nghiệp văn chương của nhà văn Tô Hải Vân lại không như vậy. Chặng đường cầm bút của ông có những gián đoạn, những khúc ngoặt bất ngờ.

Từ những năm đầu làm giảng viên ở trường đại học, Tô Hải Vân đã khiến cho bạn bè đồng nghiệp ngỡ ngàng vì một thứ tài năng bấy lâu nay tiềm ẩn trong con người kín đáo, nho nhã của ông: Tài viết văn. Còn nhớ, vào đầu những năm 70 của thế kỷ trước, truyện ngắn “Một buổi chấm thi” xuất hiện dưới bút danh Tô Hải Vân trên tờ tạp chí “Văn nghệ quân đội” danh tiếng, ngay lập tức đã thu hút được sự chú ý của đông đảo bạn đọc. Đề tài mới, văn phong hiện đại với những dấu chấm câu như một phương tiện biểu đạt được khai thác triệt để sự tinh tế. Rõ ràng tác giả của truyện ngắn này đã thổi vào văn xuôi đương đại một luồng gió lạ. Không lâu sau, khi trình làng tập truyện đầu tiên, “Chiều dài của một ngày”, công chúng rộng rãi mới biết Tô Hải Vân chính là thày giáo trẻ Tô Đăng Hải ở trường đại học Kinh tế - Kế hoạch. Bút danh Tô Hải Vân trở thành thương hiệu đáng kể trong làng văn, gắn liền và theo suốt cuộc đời sáng tác của ông. Ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1984.

Thật không ai ngờ, sau thành công ban đầu rất đáng trân trọng và hy vọng đó, Tô Hải Vân lại đột ngột bỏ viết. Không ai biết lý do vì sao. Có thể ông muốn dành toàn tâm toàn ý cho nghiên cứu khoa học. Có thể vốn sống của một thày giáo trẻ trong nhà trường không đủ cho ông triển khai tài năng… Bẵng đi khoảng hai chục năm, văn đàn vắng tên tuổi Tô Hải Vân. Nhưng giữa lúc công chúng văn học tưởng chừng chỉ còn nhớ đến ông như một kỉ niệm đẹp, một vệt sao băng thoáng qua rất nhanh rồi vụt tắt, Tô Hải Vân đã bừng trở lại. Định mệnh, sau rất nhiều cân nhắc, vẫn quyết định chọn ông làm nghề cầm bút. Ông trở lại, bằng thể loại văn chương sở trường quen thuộc: Truyện ngắn. Nhưng truyện ngắn Tô Hải Vân dường như không chịu theo lối quen, không chịu cũ. Bạn đọc, trước một tên tuổi không mới nhưng gương mặt đã đổi khác, lại tiếp tục bị ông dẫn dụ vào cuộc trình diễn tâm hồn ngoạn mục của mình.

Năm 2007, Tô Hải Vân cho xuất bản tập truyện “Bỗng nhiên có một ngày”. Một ngày thật đẹp. Một ngày có vẻ bất ngờ với sự trở lại văn đàn. Nhưng không. Những người bạn đồng nghiệp thân thiết nhất của Tô Hải Vân chợt hiểu ra: Những năm ông im lặng chính là những năm ông tích lũy và tu luyện. Tích lũy kinh nghiệm, tích lũy vốn sống. Tu tâm dưỡng tính, nghiền ngẫm tư tưởng. Và luyện bút. Chỉ có thể giải thích bằng cách ấy, mới hiểu được vì sao khi viết lại, Tô Hải Vân lại có thể viết nhiều và viết hay như thế. Ông liên tiếp cho ra mắt những tập truyện: “Phép màu của Mèo Con”, “Bỗng nhiên có một ngày”, “Bán Sách và Bán Giày”, “Truyện ngắn Tô Hải Vân”… Những năm sau cùng, Tô Hải Vân lại có một bước ngoặt mới: ông chuyển sang viết tiểu thuyết. Từ 2015 đến 2018, chỉ có ba năm, ông lần lượt cho xuất bản 3 cuốn tiểu thuyết dày dặn: “Người thứ hai”, “6 ngày”, và “Khởi đầu là mèo”. “Người thứ hai” đoạt giải Nhì cuộc thi viết tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam. “6 ngày” đoạt Giải thưởng văn học hàng năm của Hội Nhà văn Hà Nội. Cũng như hầu hết truyện ngắn ở giai đoạn sau (tính từ lúc ông sáng tác trở lại), tiểu thuyết Tô Hải Vân không đề cập đến những vấn đề thời sự ở bề nổi. Ông lách sâu ngòi bút của mình vào những ngõ ngách tâm hồn con người – những nhân vật rất đỗi bình thường, thậm chí vô danh, đang hàng ngày đi lại, ăn ngủ, làm việc, suy nghĩ, yêu đương, cô đơn, bất an, đau khổ, hy vọng, xuất hiện, biến mất… xung quanh chúng ta. Họ không xuất chúng, không nổi tiếng, không có địa vị cao chót vót. Họ không làm những việc động trời. Không là anh hùng hảo hán. Cũng không là tội đồ nguy hiểm… Họ là những con người bé nhỏ, bình thường, thậm chí là cô danh. Nhưng cái thế giới riêng của họ mà rất ít người như Tô Hải Vân đã biết cách đặt chân đến, khám phá, bày biện ra trước mặt chúng ta bằng nghệ thuật ngôn từ điêu luyện, lại khiến cho chúng ta phải ngạc nhiên. Từ ngạc nhiên đến chiêm nghiệm, suy ngẫm. Có phải như thế không, có phải chính bằng cách đó không, mà tâm hồn, nhân cách của những người yêu văn chương sẽ được làm mới, được bồi bổ, để thêm giàu có và trưởng thành?

Và, có phải như thế không, mà hóa ra tiểu thuyết Tô Hải Vân vẫn rất thời sự - những vấn đề thời sự của mọi thời, mọi người?

Năm 2014, bệnh ung thư bắt đầu tấn công vào sức khỏe của nhà văn Tô Hải Vân. Ông bắt đầu giai đoạn làm khách quen thường xuyên của bệnh viện. Cơ thể thư sinh của ông được sự trợ giúp của thầy thuốc và các loại hóa chất, chống chọi bệnh tật một cách kiên cường. Và ông vẫn viết, như chúng ta biết. Tác phẩm cuối cùng của ông lại là một tập truyện ngắn. “Hội hè”, tên tập truyện ngắn đó, như một ẩn dụ về tinh thần lạc quan của Tô Hải Vân.

Với ông, còn viết được là còn vui, còn hội hè. Chết đâu có gì quan trọng?

Với gia đình, với những người ruột thịt thân thương nhất, những người góp phần to lớn vào thành công trong sự nghiệp của ông, “Hội hè” là lời động viên, là niềm an ủi giúp họ vượt qua những mất mát đau đớn.

Với đồng nghiệp, với bạn đọc, “Hội hè” là niềm vui sáng tạo chưa bao giờ chịu nguội tắt trong lòng một nhà văn, dù ở trong hoàn cảnh hiểm nghèo. Ông đã góp phần truyền cảm hứng để chúng ta tin vào giá trị bền vững của văn chương, vào sự bất tử của tâm hồn con người.

Thưa nhà văn Tô Hải Vân!

Giây phút cuối cùng ly biệt đã đến rồi. Với tất cả những gì đã cống hiến cho Khoa học, cho Văn chương, cho cuộc sống này, ông có thể yên lòng ra đi, khi không còn có cách nào khác, dù tuổi 72 chưa phải là cao. Hai cô con gái của ông, giờ cũng đã trưởng thành, đã là thạc sĩ, Tiến sĩ, nối tiếp sự nghiệp khoa học của ông.

Ông vẫn còn mẹ già. Mẹ năm nay đã 103 tuổi. Và vợ ông, người vợ hiền thảo đã nói với chúng tôi rằng, bà sẽ thay ông chăm sóc mẹ chu toàn.

Ông có thể yên lòng ra đi.

Đây là một tổn thất không gì bù đắp được. Nhưng “Thác là thể phách còn là tinh anh”…Tinh anh Tô Hải Vân, những vẻ đẹp mà Tô Hải Vân để lại cho chúng ta sẽ còn lại mãi.

Xin kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt ông, nhà văn tài hoa Tô Hải Vân!

PV

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/tien-dua-nha-van-to-hai-van-ve-coi-vinh-hang-67120