Tiền Giang cần phát huy lợi thế đặc thù, đi đầu trong đổi mới, sáng tạo

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Tiền Giang.

Một góc thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang

Trong 6 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu của tỉnh Tiền Giang đạt 1,21 tỷ USD, thu ngân sách đạt 4.756 tỷ đồng (xếp thứ 4/13 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long), khách du lịch đạt 954 ngàn lượt, tăng 12% so với cùng kỳ; kết quả xây dựng nông thôn mới và thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp đạt được kết quả tích cực.

Các lĩnh vực văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, Tỉnh đã thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, trợ giúp người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, vay vốn tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề lao động nông thôn, tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2017 giảm xuống còn 4,02%; đã làm tốt công tác chăm lo gia đình chính sách, người có công. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Kết quả phát triển kinh tế - xã hội mà tỉnh Tiền Giang đạt được trong những năm qua đóng góp vào thành tựu phát triển chung của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước nhưng Tỉnh vẫn chưa phát huy hết tiềm năng phát triển kinh tế, lao động chưa qua đào tạo còn chiếm tỷ lệ cao (khoảng 60%), biến đổi khí hậu, sạt lở bờ sông, bờ biển, ô nhiễm môi trường tác động đáng kể đến chất lượng tăng trưởng kinh tế, khiếu kiện đông người, trật tự an toàn xã hội và tình trạng cho vay nặng lãi ở nông thôn ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của doanh nghiệp và sinh hoạt của nhân dân.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đảng bộ, chính quyền tỉnh Tiền Giang phát huy kết quả đã đạt được trong những năm qua, tiếp tục đoàn kết, khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra.

Tiền Giang - Mỹ Tho có vị trí chiến lược phong thủy đắc địa hàng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối giao thông thuận lợi, là “mặt tiền” của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hành lang kinh tế, điểm giao hòa giữa miền Đông và miền Tây; Tỉnh có lợi thế đặc thù, hội đủ các yếu tố “nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ” để trở thành một siêu vệ tinh của Thành phố Hồ Chí Minh với tầm nhìn và khả năng hiện thực hóa tầm nhìn phát triển trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, đặc biệt là công nghiệp chế biến cây ăn quả để Tiền Giang trở thành một chỉ dẫn địa lý về thương hiệu trái cây Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Tiền Giang phải là một trong những địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đi đầu trong đổi mới, sáng tạo để có thêm những động lực cho sự phát triển, vượt trên những thách thức của biến đổi khí hậu, hạn mặn, tích cực giải quyết tốt các điểm nghẽn, khắc phục kinh tế phát triển dưới mức tiềm năng, sẵn sàng các điều kiện cần thiết bứt phá vươn lên để trở thành động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tiền Giang kết hợp tốt Năm nhà, nhất là với các ngân hàng thương mại để huy động nguồn vốn cho đầu tư phát triển các ngành kinh tế; khai thác tốt tiềm năng huy động vốn. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); giải quyết tốt các thủ tục hành chính, giảm các thủ tục hành chính, tạo điều kiện và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp nhằm thu hút những nhà đầu tư lớn, doanh nghiệp có tầm nhìn xa để cùng xây dựng tỉnh Tiền Giang phát triển nhanh, bền vững. Phấn đấu đến năm 2020 Tỉnh có khả năng cân đối ngân sách địa phương.

Đồng thời mở rộng hợp tác, liên kết với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, ứng dụng công nghệ (CMCN 4.0) trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến nông thủy sản; làm tốt công tác lập, quản lý và thực hiện quy hoạch Tỉnh đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050 gắn với biến đổi khí hậu, hội nhập quốc tế, chuẩn bị cho lập kế hoạch 5 năm giai đoạn 2020 - 2025.

Bảo đảm an sinh xã hội, giáo dục, y tế; giải quyết tốt việc làm gắn với phát triển thị trường lao động. Thực hiện tốt chính sách người có công với cách mạng, giảm nghèo bền vững; phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển, nhất là nhân lực quản lý, chất lượng cao. Thường xuyên đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo trong thời gian qua; bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Minh Hiển

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/chi-dao-quyet-dinh-cua-chinh-phu-thu-tuong-chinh-phu/tien-giang-can-phat-huy-loi-the-dac-thu-di-dau-trong-doi-moi-sang-tao/345196.vgp