Tiền Giang: Chuyển biến tích cực trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính

Xử lý vi phạm hành chính (VPHC) là công cụ quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước nhằm duy trì trật tự, kỷ cương hành chính trong đời sống xã hội. Thời gian qua, công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC tại tỉnh Tiền Giang đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần quan trọng phòng ngừa, đấu tranh đối với các hành vi vi phạm pháp luật, giữ vững an ninh trật tự, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

ĐA DẠNG CÁC HÌNH THỨC TUYÊN TRUYỀN

Ghi nhận từ thực tế cho thấy, tình hình VPHC trên địa bàn tỉnh Tiền Giang xảy ra trên hầu hết các lĩnh vực trong đời sống xã hội; trong đó chủ yếu trên các lĩnh vực: Giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, trật tự an toàn giao thông, an ninh trật tự, tài nguyên và môi trường, nông nghiệp, khoa học và công nghệ…

Đoàn giám sát của Ban Pháp chế - HĐND tỉnh làm việc tại Công an tỉnh Tiền Giang về xử lý VPHC trên địa bàn tỉnh.

Để phòng ngừa, đấu tranh đối với các hành vi vi phạm pháp luật, hằng năm, UBND tỉnh đã chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật của cấp Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về công tác quản lý xử phạt VPHC và theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn như: Kế hoạch 17 ngày 19-1-2023 của UBND tỉnh về tổ chức thực hiện công tác quản lý nhà nước về xử lý VPHC trên địa bàn tỉnh năm 2023; Kế hoạch 361 ngày 18-7-2023 của UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị 10 ngày 19-4-2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới…

Để nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong quản lý thi hành pháp luật xử lý VPHC, ngăn ngừa và hạn chế các hành vi VPHC, UBND tỉnh đã tăng cường công tác phối hợp, chỉ đạo các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xử phạt VPHC với nội dung, hình thức đa dạng. Thông qua các chuyên mục, chuyên trang của Báo Ấp Bắc như: “An ninh trật tự”, “An toàn giao thông”, “Thực thi Hiến pháp và pháp luật”.

Ở góc độ Đoàn giám sát, Trưởng ban Pháp chế - HĐND tỉnh Nguyễn Thị Kim Nhung cho biết: “Tăng cường tập huấn công tác nghiệp vụ, chuyên môn phải đúng đối tượng; các cơ quan, ban, ngành, các cấp ở địa phương cần đôn đốc thi hành các quyết định xử phạt VPHC khi còn thời hiệu.

Đồng thời, đối với Nghị định 166 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC nên tùy theo điều kiện, tính chất, mức độ cưỡng chế xử phạt VPHC để áp dụng các biện pháp cưỡng chế xử phạt VPHC ngay khi còn thời hiệu dài”.

Trong năm 2023, 2 cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về an toàn giao thông”, “Tìm hiểu pháp luật về hôn nhân gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống xâm hại trẻ em” trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị chuyên đề công tác pháp chế trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND cấp huyện, cấp xã tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật xử lý VPHC thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý được truyền tải thông qua các cuộc họp, hội nghị của cơ quan, đơn vị, địa phương… để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, hội viên, nhân dân thấu hiểu, nắm vững và có ý thức, trách nhiệm thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Song song với việc kịp thời ban hành các văn bản, giải pháp chỉ đạo về xử lý VPHC, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện các giải pháp tăng cường công tác quản lý, theo dõi, kiểm tra, xử lý và xử phạt VPHC trong nhiều lĩnh vực có yếu tố phức tạp nhằm khắc phục các sai sót, hạn chế trong công tác quản lý, thi hành pháp luật xử lý VPHC.

Điển hình trong năm 2023, UBND tỉnh đã tiến hành thành lập Đoàn kiểm tra định kỳ theo từng lĩnh vực, địa bàn vào tháng 8-2023 đối với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Tiền Giang và 2 địa phương là huyện Châu Thành và TX. Gò Công về thực hiện công tác quản lý thi hành pháp luật xử lý VPHC…

Theo báo cáo của UBND tỉnh, từ ngày 1-1-2022 đến 30-6-2023, tổng số vụ VPHC trên địa bàn tỉnh là 69.627 vụ; tổng số quyết định xử phạt VPHC là 72.906 quyết định. Trong đó, tổng số quyết định được ban hành về xử phạt VPHC thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh là 312 quyết định; các quyết định thuộc thẩm quyền các chức danh của các sở, ngành tỉnh là 2.683 quyết định…

Điều đó cho thấy, các ngành, các cấp đã thực hiện đúng vai trò, trách nhiệm trong tổ chức thực hiện công tác quản lý, thi hành pháp luật về xử lý VPHC nghiêm túc, kịp thời theo quy định của pháp luật.

TIẾP TỤC NÂNG CAO HIỆU QUẢ VỀ XỬ LÝ VPHC

Mới đây, Đoàn giám sát của Ban Pháp chế - HĐND tỉnh đã có đợt giám sát về việc thi hành pháp luật, xử phạt VPHC trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Ghi nhận tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh cho thấy, công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả khả quan.

Lực lượng chức năng lập biên bản xử phạt VPHC về an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập như: Việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tại một số cơ quan, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức; áp dụng pháp luật có trường hợp còn chưa đảm bảo đầy đủ, chính xác, chặt chẽ về căn cứ pháp lý, trình tự, thủ tục, nhất là các vấn đề về xử lý VPHC trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông; lấn chiếm, xây dựng công trình, lều quán trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ; khai thác cát không có giấy phép; quản lý thị trường, đất đai.

Đồng thời, việc thực hiện Luật xử lý VPHC và các nghị định, quy định chi tiết về xử phạt VPHC trong thực tiễn thực hiện tại một số cơ quan, đơn vị còn gặp lúng túng trong việc tổ chức thi hành các quyết định xử phạt VPHC, thi hành biện pháp khắc phục hậu quả chưa được triệt để; việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế chưa được rõ ràng, chi tiết…gây khó khăn cho các đơn vị, địa phương trong triển khai thực hiện.

Trên cơ sở những khó khăn, vướng mắc của các sở, ngành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh đã chỉ rõ nguyên nhân, đề xuất một số giải pháp trong phòng ngừa, xử lý VPHC trong thời gian tới.

Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, UBND các cấp rà soát, đánh giá, rút kinh nghiệm, sớm khắc phục những hạn chế, thiếu sót. Qua đó, tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Xử lý VPHC, các nghị định của Chính phủ liên quan việc thi hành pháp luật về xử lý VPHC.

Đồng thời, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc thi hành pháp luật về xử lý VPHC. Đặc biệt là nâng cao hiệu quả vai trò quản lý nhà nước ở địa phương khi phát hiện các vụ việc cần ngăn chặn ngay từ đầu, đó là nhiệm vụ trọng tâm cần được phát huy.

Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện pháp luật về xử lý VPHC, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện nhiệm vụ, cần nêu cao tinh thần trách nhiệm và tổ chức triển khai nghiêm túc, hiệu quả công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC trong phạm vi được giao quản lý.

Tăng cường tập huấn nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức tham mưu thực hiện công tác xử lý VPHC. Bố trí cán bộ, công chức có trình độ, năng lực, kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ công tác lập hồ sơ xử lý VPHC ban đầu, bảo đảm đúng đối tượng, hành vi, mức xử phạt, tránh tình trạng hồ sơ phải điều chỉnh nhiều lần.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thi hành pháp luật về xử lý VPHC, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm, khắc phục những hạn chế, vướng mắc góp phần phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi VPHC, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội địa phương, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức trong thời gian tới…

HOÀI THU - LÊ NGUYÊN

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/phap-luat-an-ninh-trat-tu/202312/tien-giang-chuyen-bien-tich-cuc-trong-thi-hanh-phap-luat-ve-xu-ly-vi-pham-hanh-chinh-998758/