Tiền Giang đẩy nhanh tốc độ triển khai các mô hình giảm nghèo hiệu quả

Tiếp tục đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo một cách bền vững và toàn diện, đó là mục tiêu mà tỉnh Tiền Giang đặt ra và quyết tâm thực hiện thành công trong năm 2019. Với phương châm để người nghèo của tỉnh được tiếp cận thuận tiện hơn các chính sách trợ giúp của Nhà nước, Tiền Giang phấn đấu đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn mới giảm xuống còn 2,99%.

Để thực hiện mục tiêu đề ra, tỉnh sẽ tạo môi trường thuận lợi để người nghèo, tiếp cận các dịch vụ sản xuất, dịch vụ xã hội và tự lực vươn lên thoát nghèo. Cải thiện, nâng cao mức sống của người nghèo, thu hẹp dần khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị, nông thôn, giữa nhóm hộ giàu và nhóm hộ nghèo (theo Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 03/10/2017 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đến năm 2020). Cùng với đó, trên cơ sở nguồn vốn được phân bổ thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội xây dựng Kế hoạch, hướng dẫn các huyện, thị thành xây dựng kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo để triển khai thực hiện.

Mô hình nuôi dê đạt hiệu quả cao ở Tiền Giang

Mô hình nuôi dê đạt hiệu quả cao ở Tiền Giang

Trong năm vừa qua, công tác giảm nghèo của tỉnh luôn được các ngành và các địa phương triển khai đạt được những kết quả rất tốt. Toàn tỉnh đã xây dựng được 66 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, hỗ trợ 977 hộ (hộ nghèo và cận nghèo) với tổng kinh phí thực hiện 14.819 triệu đồng, trong đó kinh phí sự nghiệp từ Chương trình MTQG Giảm nghèo là 12.450 triệu đồng, vốn đối ứng của người dân 2.109 triệu đồng. Qua đó, thực hiện được 28 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và 21 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn 11 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển của tỉnh, số người tham gia là 764 người, kinh phí thực hiện 11.561 triệu đồng. Thực hiện 15 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và 02 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo tại 11 xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135 trên địa bàn tỉnh, số ngươi tham gia là 193 người, kinh phí thực hiện 3.303 triệu đồng. Ngoài ra, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn triển khai thực hiện được 02 Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, chăn nuôi, giảm nghèo trong Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau của Hội người cao tuổi tỉnh. Số hộ nghèo tham gia 02 Dự án là 100 hộ (hộ nghèo và cận nghèo), kinh phí thực hiện là 500 triệu đồng. Các hộ này đã sử dụng vốn đúng mục đích, cần cù lao động trồng trọt, chăn nuôi, mua bán nhỏ đạt hiệu quả phù hợp với hoàn cảnh, khả năng của từng hộ, góp phần nâng cao thu nhập của từng hộ.

Toàn tỉnh có 4.563 hộ nghèo khó khăn về nhà ở, theo danh sách phê duyệt của các huyện, tổng số có 661 hộ nghèo đăng ký hỗ trợ xây dựng nhà ở. Thời gian qua, đã có 215 hộ làm thủ tục vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội, với kinh phí 5,4 tỷ đồng. Như vậy, tính từ năm 2016, đã có 955 hộ được hỗ trợ xây nhà, với kinh phí 23,9 tỷ đồng. Việc tổ chức thăm và tặng quà Tết nguyên đán cho hộ nghèo cũng được thực hiện chu đáo. Có 20.710 hộ nghèo được nhận quà tết với tổng số tiền là 6,4 tỷ đồng trong đó quà Chủ tịch nước 30 người số tiền 30 triệu đồng, ngân sách tỉnh 9.840 người số tiền 2,9 tỷ đồng, ngân sách huyện 9.840 người số tiền 2,9 tỷ đồng, từ nguồn khác 1.000 người số tiền 500 triệu đồng.

Nhiều hộ dân thoát nghèo từ nuôi vịt

Nhìn chung, Các địa phương đã triển khai thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đúng đối tượng (tập trung chủ yếu là hộ nghèo và hộ cân nghèo), đúng định mức và đạt hiệu quả thiết thực, giúp cho người dân có thu nhập, góp phần giảm nghèo và từng bước vươn lên khá giả. Đồng thời đã triển khai lồng ghép nhiều hoạt động ở địa bàn nông thôn, tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi đã làm thay đổi tập quán sản xuất, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Thời gian tới, Tiền Giang sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo ở một số địa phương. Cân đối các nguồn vốn để áp dụng các mô hình sản xuất của đối tượng là hộ nghèo nhằm phục vụ sản xuất, đầu tư chăn nuôi… Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của một số bộ phận hộ nghèo mang tâm lý ỷ lại, chưa thật sự chủ động phấn đấu thoát nghèo vẫn trông chờ hỗ trợ của nhà nước. Tỉnh phấn đấu năm 2019, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh bình quân từ 0,6-0,9% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020, trong đó tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các huyện, xã nghèo giảm bình quân 4%/năm. Tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo, cận nghèo như dịch vụ y tế, giáo dục, điều kiện sống cơ bản, thông tin, bảo hiểm, trợ giúp xã hội.

PHA LÊ

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/tien-giang-day-nhanh-toc-do-trien-khai-cac-mo-hinh-giam-ngheo-hieu-qua-d100184.html