Tiền Giang thúc đẩy phát triển du lịch thông minh

Hiện nay, ngành Du lịch tỉnh Tiền Giang đang tăng cường hợp tác, ứng dụng chuyển đổi số trong công tác xúc tiến, phát triển du lịch. Đây cũng là một trong những giải pháp để duy trì các kênh thông tin, quảng bá sản phẩm tới du khách trong thời đại 4.0 hiện nay.HIỆU QUẢ BƯỚC ĐẦU

Ngày nay, tác động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, đặc biệt là sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của công nghệ thông tin và truyền thông cho phép tạo ra các sản phẩm ứng dụng đa dạng cho ngành Du lịch. Việc ứng dụng những công nghệ tiên tiến cho ngành Du lịch đã góp phần làm thay đổi diện mạo của ngành, các hoạt động du lịch ngày càng được công nghệ hóa, trở nên hiện đại hơn và thông minh hơn.

Trải nghiệm du lịch bằng công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality).

Sự phát triển không ngừng của công nghệ mới trong những năm qua đã thay đổi cách tìm kiếm, chia sẻ thông tin và tạo ra nhiều thay đổi trong hành vi của khách du lịch. Sự bùng nổ của các ứng dụng di động và mạng xã hội cũng tác động tích cực đến phương thức tiếp cận, chia sẻ thông tin du lịch của du khách; đến việc lựa chọn điểm đến, nơi lưu trú, địa điểm ăn uống của khách du lịch. Do vậy, du lịch thông minh trở thành một xu hướng tất yếu nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp và các điểm đến.

Nhận thấy tầm quan trọng của chuyển đổi số trong phát triển du lịch, không nằm ngoài xu hướng, năm 2019, Tiền Giang đã ứng dụng nền tảng công nghệ để phát triển du lịch thông qua các hoạt động xúc tiến du lịch, truyền thông quảng bá theo xu hướng hiện đại thông qua bộ sản phẩm du lịch thông minh gồm: Hệ thống trang web, cổng thông tin du lịch (mytiengiang.vn) với khoảng trên 51 ngàn lượt khách truy cập hằng tháng; ứng dụng TienGiang Tourism cung cấp thông tin chuẩn xác về các dịch vụ du lịch, địa điểm du lịch, địa điểm nghỉ ngơi, các điểm đến vui chơi giải trí, văn hóa, lịch sử… trong tỉnh, các địa điểm tổ chức các sự kiện, hội nghị, họp báo…; lắp đặt 77 thiết bị phát sóng wifi tại 29 điểm du lịch và di tích giúp du khách dễ dàng tiếp cận các thông tin về du lịch của tỉnh.

Thời gian qua, Tiền Giang triển khai nhiều giải pháp thiết thực để tạo sức hút du lịch. Cụ thể, trong dịp nghỉ Lễ 2-9 (từ ngày 1 đến 4-9) vừa qua, tổng lượt khách du lịch tham quan tại Tiền Giang là 44.170 lượt, tăng 44,8% so với cùng kỳ năm 2022 (trong đó, khách quốc tế 4.720 lượt, khách nội địa 39.450 lượt). Tổng lượt khách do các cơ sở lưu trú phục vụ đạt 8.800, tăng 92% so với cùng kỳ; công suất sử dụng phòng bình quân khoảng 65%. Doanh thu trực tiếp từ du lịch đạt 24,3 tỷ đồng, tăng 58,3% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó là tiếp tục cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 theo lộ trình đã được phê duyệt; triển khai thực hiện phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu hướng dẫn viên du lịch và quản lý dữ liệu doanh nghiệp lữ hành nhằm tăng cường công tác quản lý điều hành theo hướng hiện đại và mang lại hiệu quả thiết thực.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang Võ Phạm Tân cho biết, việc đưa vào sử dụng cổng thông tin du lịch thông minh sẽ đáp ứng nhu cầu du lịch đa dạng của du khách và các doanh nghiệp du lịch. Hiện nay, hầu hết các dịch vụ được triển khai trực tuyến, như: Marketing, quảng bá sản phẩm; nghiên cứu mở rộng thị trường; tư vấn, chăm sóc khách hàng; thực hiện các giao dịch mua - bán, thanh toán.

Do đó, cổng thông tin du lịch thông minh chính là một công cụ đắc lực để hỗ trợ cơ quan quản lý và doanh nghiệp quảng bá các sản phẩm dịch vụ đến khách hàng của mình một cách hiệu quả 24/7 ở bất kỳ nơi nào mà không phải trực tiếp gặp mặt; cho phép giao dịch các tour trọn gói, khách sạn và vé máy bay, cho phép khách du lịch tìm kiếm thông tin, so sánh, lựa chọn và thực hiện các giao dịch đặt tour, đặt phòng khách sạn…

Ngoài ra, website có thể cung cấp đầy đủ thông tin cho khách hàng về địa chỉ liên hệ, tour du lịch, thời gian khởi hành, hình ảnh các điểm đến. Thậm chí, các doanh nghiệp du lịch có thể tải lên web các video quảng cáo về những khu vui chơi giải trí, cung đường du lịch… để thu hút khách truy cập. Ngoài ra, doanh nghiệp còn có thể nhận phản hồi từ những khách hiện có, kết nối với khách hàng tiềm năng nhờ biểu mẫu liên hệ…

TIẾP TỤC NÂNG CHẤT

Để phát triển du lịch thông minh một cách hiệu quả, trong thời gian tới, ngành Du lịch tỉnh Tiền Giang tiếp tục xây dựng và phát triển kho dữ liệu du lịch tích hợp, phục vụ đồng thời cho 4 đối tượng: Khách du lịch, người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước về du lịch.

Cùng với đó là tích hợp và quản lý các nhóm cơ sở dữ liệu có liên quan đến ngành Du lịch gồm: Cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp lữ hành; cơ sở lưu trú du lịch; tài nguyên, di sản và sản phẩm du lịch; sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao; dịch vụ mua sắm; dịch vụ ăn uống; dịch vụ vui chơi, giải trí trên địa bàn; dịch vụ chăm sóc sức khỏe - y tế; phương tiện vận chuyển khách du lịch; về hướng dẫn viên, thuyết minh viên; bản đồ số du lịch…; dữ liệu về khách du lịch quốc tế xuất nhập cảnh từ Công an; dữ liệu về khách du lịch quốc tế, công ty lữ hành quốc tế, cơ sở lưu trú đạt 4 sao và 5 sao… từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam.

Đồng thời, nâng cao trải nghiệm khách hàng thông qua các ứng dụng: Cổng tích hợp thông tin dịch vụ du lịch; ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động tích hợp bản đồ số du lịch, tham quan thực tại ảo và lên lịch trình du lịch trực tiếp; Booth tra cứu thông tin du lịch và tham quan thực tại ảo; hệ thống wifi công cộng; hệ thống chatbot hỗ trợ thông tin du lịch trên các nền tảng, qua tin nhắn…; hệ thống hỗ trợ du khách trực tuyến (check in thông minh, thanh toán đa năng).

Nhằm thúc đẩy lĩnh vực du lịch phát triển trên nền tảng số, Viettel Tiền Giang đang trong giai đoạn thử nghiệm các phương thức du lịch thông minh thông qua nền tảng thực tế ảo.

Vừa qua, đơn vị Viettel đã tổ chức địa điểm trải nghiệm dịch vụ 5G, tương tác thực tế ảo và các nền tảng chuyển đổi số tại Tượng đài Tết Mậu Thân, đường Ấp Bắc, phường 4, TP. Mỹ Tho. Đồng thời, Viettel Tiền Giang sẽ duy trì phủ sóng mạng 5G tại 2 tuyến phố chuyển đổi số tại đường Yersin và Tết Mậu Thân (phường 4, TP. Mỹ Tho).

Song song đó là đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch thông minh; tiếp tục nâng cấp Cổng thông tin du lịch Tiền Giang và các ứng dụng trong bộ sản phẩm du lịch thông minh của tỉnh; xây dựng hệ sinh thái đa chiều cho hoạt động kinh doanh du lịch thông qua việc tận dụng tối đa công nghệ 4.0, hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số, quảng bá hình ảnh, thông tin nhanh chóng về các sản phẩm, dịch vụ, chương trình khuyến mại… đến người dân và du khách, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, tiếp cận đối tác trong và ngoài nước. Đặc biệt là tăng cường quảng bá thông tin trên các trang mạng xã hội: Tiktok, Youtube, Facebook, Twitter, Instagram, Google map...

Đồng chí Võ Phạm Tân cho biết, trong thời gian tới, cần tập trung công tác đào tạo nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, kỹ năng về ứng dụng công nghệ thông tin, du lịch thông minh, an toàn thông tin cho các doanh nghiệp du lịch và cộng đồng làm du lịch.

Bên cạnh đó là đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch để có thể sử dụng các công nghệ thông minh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp du lịch Tiền Giang chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn ít, kinh doanh nhỏ lẻ nên khả năng tài chính chi trả cho đầu tư ứng dụng công nghệ không cao.

Do đó để góp phần quảng bá du lịch hướng đến du lịch thông minh và mang tính trải nghiệm mới cho du khách, cần xây dựng hệ thống ứng dụng QR code quản lý và truy xuất thông tin, qua đó giới thiệu chi tiết các đặc điểm kèm thuyết minh sinh động những đối tượng có dán mã nhận diện QR code tại các điểm tham quan.

Hiện nay, một số nhà cung cấp dịch vụ đã ra mắt du lịch bằng công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality). Công nghệ này cho phép người dùng được trải nghiệm những hình ảnh chân thực, sống động của điểm đến đã được số hóa trên môi trường 3D theo 2 hình thức là tương tác trên thiết bị điện tử và kính thực tế ảo.

Khi du khách trải nghiệm bằng kính thực tế ảo sẽ đem đến cảm giác như mình đang trực tiếp tham quan điểm đến đó. Trong khi đó, du khách trải nghiệm bằng thiết bị điện tử trên Cổng thông tin du lịch thông minh thì sử dụng bằng tay để di chuyển đến các vị trí mong muốn của điểm đến.

Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng phát triển của du lịch thông minh, các điểm đến trong đó có Tiền Giang cần phải năng động thích ứng, phát triển một hệ sinh thái điểm du lịch thông minh với cơ sở hạ tầng và công nghệ thông minh, quản trị thông minh, môi trường thông minh… nhằm mang đến những trải nghiệm chất lượng cho khách du lịch, tiến tới sự phát triển bền vững.

LÊ MINH - HÀ NAM

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-quyen-dien-tu/202309/tien-giang-thuc-day-phat-trien-du-lich-thong-minh-991691/