TIẾN HÀNH TỔNG HỢP, BÁO CÁO TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI LUẬT HÒA GIẢI, ĐỐI THOẠI TẠI TÒA ÁN SAU 06 THÁNG THI HÀNH

Nhằm đánh giá toàn diện về tình hình thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án trong hơn 06 tháng vừa qua, Tòa án nhân dân tối cao đề nghị Tòa án nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai tổng hợp, báo cáo tình hình triển khai Luật để kịp thời đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành.

Đại diện Tòa án địa phương chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối hoại tại Tòa án

Công văn số 140/TANDTC-PC của Tòa án nhân dân tối cao cho biết, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 9 ngày 16/6/2020, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021.

Trong hơn 06 tháng thi hành Luật, Tòa án nhân dân tối cao đã nhận được phản ánh của một số Tòa án địa phương về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thi hành. Nhằm đánh giá toàn diện về tình hình thi hành Luật để kịp thời đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả, Tòa án nhân dân tối cao đề nghị Chánh án các Tòa án nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương triển khai tổng hợp, báo cáo tình hình triển khai Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án theo đề cương sau:

Về công tác chỉ đạo và tuyên truyền, phổ biến Luật, văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, các hoạt động triển khai Luật, Tòa án nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tổng kết Công tác chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh, thành phố; Lãnh đạo Tòa án nhân dân cấp tỉnh, công tác phối hợp với các sở, ban, ngành địa phương trong triển khai thi hành Luật: kết quả, khó khăn, vướng mắc và đề xuất. Việc chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị truyền thông cùng cấp tổ chức phổ biến, tuyên truyền Luật và văn bản quy định chi tiết thi hành Luật tại địa phương: Kết quả, khó khăn, vướng mắc và đề xuất.

Về tuyển chọn, bồi dưỡng, bổ nhiệm và hoạt động của Hòa giải viên, cần đánh giá, báo cáo tình hình tuyển chọn, bồi dưỡng, bổ nhiệm, cấp thẻ và hoạt động của Hòa giải viên: Kết quả, khó khăn, vướng mắc và đề xuất (Báo cáo số lượng Hòa giải viên đã bổ nhiệm/số lượng định biên của toàn tỉnh, thành phố và số liệu của từng đơn vị Tòa án cấp huyện, cấp tỉnh; nêu rõ lý do nếu thiếu định biên; đánh giá chất lượng, hiệu quả làm việc của Hòa giải viên, đề xuất tuyển chọn, bổ nhiệm bổ sung, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho Hòa giải viên...).

Về tình hình tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án, cần báo cáo, đánh giá rõ kết quả hoạt động hòa giải, đối thoại của toàn tỉnh, thành phố và tình hình từng đơn vị Tòa án cấp huyện, cấp tỉnh (Số liệu được phân loại rõ theo từng loại vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh-thương mại, lao động, hành chính) từ ngày 01-01-2021 đến ngày 31-7-2021. Cụ thể: Tỷ lệ phần trăm của vụ việc đã hòa giải thành, đối thoại thành trên tổng số vụ việc đã chuyển sang hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Tỷ lệ phần trăm của vụ việc đã hòa giải thành, đối thoại thành trên tổng số đơn khởi kiện vụ án dân sự, hành chính; đơn yêu cầu về hôn nhân và gia đình mà Tòa án nhận được; Tỷ lệ phần trăm của vụ việc đã hòa giải thành, đối thoại thành theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án trên số vụ việc đã hòa giải thành, đối thoại thành trong tố tụng; Tỷ lệ phần trăm của vụ việc đã ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành; Số lượng vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành nhưng chưa ra quyết định công nhận.

Đồng thời, báo cáo cần nêu tối thiểu 05 vụ việc hòa giải, đối thoại điển hình theo từng loại vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh-thương mại, lao động, hành chính; trong đó, nêu tóm tắt vụ việc, quá trình hòa giải, đối thoại, thời gian tiến hành, số phiên hòa giải, đối thoại, các phương pháp, kỹ năng mà Hòa giải viên đã sử dụng để hòa giải, đối thoại, kết quả hòa giải, đối thoại. Trường hợp có vụ việc liên quan đến nạn nhân bạo lực gia đình, người chưa thành niên, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người nghèo, người già...hoặc những người yếu thế khác thì nêu cụ thể số lượng và nội dung vụ việc trong Báo cáo. Kỹ năng, kinh nghiệm, lưu ý (nếu có) khi hòa giải, đối thoại từng loại vụ việc.

Ngoài ra, trên cơ sở quá trình tổng hợp, Tòa án nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tiến hành đánh giá việc triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án theo hướng chỉ rõ thuận lợi và những khó khăn, vướng mắc trong việc phân công Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại; sự hỗ trợ của Thẩm phán, thư ký Tòa án đối với công tác hòa giải, đối thoại; chỉ định, lựa chọn Hòa giải viên; trình tự, thủ tục tiến hành hòa giải, đối thoại, ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành; theo dõi, vào sổ, lưu hồ sơ vụ việc..../.

Hồ Hương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=59508