'Tiền hậu bất nhất' trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất

Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm tuyên hủy bản án sơ thẩm về 'Yêu cầu hủy Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hủy Giấy CNQSDĐ', giao vụ án về cấp sơ thẩm xét xử lại. Tuy nhiên, TAND tỉnh Đắk Lắk vẫn tuyên án sơ thẩm lần hai y chang lần một đã bị hủy.

Nội dung bản án sơ thẩm lần hai y chang bản án lần một

Tại phiên xét xử sơ thẩm lần 2 vào ngày 22/11, TAND tỉnh Đắk Lắk tuyên bác toàn bộ đơn khởi kiện và đơn khởi kiện bổ sung của nguyên đơn Bùi Văn Hoàn và Đinh Thị Thủy (cùng ngụ khối 1, thị trấn Ea Knốp, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk), về yêu cầu hủy Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất; hủy một phần Quyết định số 2009/QĐ-UBND ngày 7/5/2010 về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 405 hộ (trong đó có bà Trương Thị Hậu); hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BA 651451 cấp ngày 7/5/2010 đứng tên bà Trương Thị Hậu (thửa đất số 57, tờ bản đồ số 2, diện tích 110m2 đất ở đô thị) được chỉnh lý cơ sở pháp lý cho ông Trương Ngọc Sơn và hủy Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa bà Trương Thị Hậu và ông Trương Ngọc Sơn.

Theo đó, HĐXX cấp sơ thẩm TAND tỉnh Đắk Lắk viện dẫn, căn cứ theo Điều 697, 698, 722, 723, 724, 725 Bộ Luật dân sự năm 2005; Điều 129 Điều 417 Bộ Luật dân sự 2015. Đồng thời, áp dụng Điều 50 Luật đất đai năm 2003; Mục d Khoản 2 Điều 106 Luật đất đai năm 2013; Khoản 5 Điều 87 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014. Điều đáng nói ở đây, trong nội dung nhận định và tuyên án của HĐXX, không đề cập đến những vấn đề bất thường trong Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất lập ngày 20/6/2001, tình hình thực tế và các sự kiện “vô lý” liên quan.

Như báo Công lý & Xã hội đã có bài phản ánh, Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ ghi ngày chuyển nhượng là 20/6/2001 thế nhưng ngày cấp chứng minh nhân dân (CMND) của ông Bùi Văn Hoàn được cấp ngày 21/10/2004, còn bà Trương Thị Hậu cấp ngày 25/3/2008. Trong khi đó, ông Trương Ngọc Vận (anh ruột bà Hậu) là người trực tiếp đưa tờ giấy trắng cho vợ chồng ông Hoàn và bà Thủy ký khống, xác nhận ký vào năm 2008. Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ trên không thể hiện đơn vị công chứng, lấy dấu vân tay ngón trỏ, đóng dấu giáp lai theo Luật Đất đai năm 2003.

Quyết định bản án sơ thẩm (lần 2) không khác với bản án lần đầu của TAND tỉnh Đắk Lắk

Không chỉ vậy, nhân chứng là 7 hộ dân sống liền kề xác nhận gia đình ông Hoàn xây nhà ở từ năm 2001, sinh sống ổn định từ đó cho đến nay. Trong đó, ông Lê Xuân Hùng (chủ thầu) cho hay, ông là người đã thi công nhà ở cho ông Hoàn vào năm 2001.

Từ đó thấy rằng việc HĐXX cho Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ lập ngày 20/6/2001 là hợp pháp, dẫn đến việc bác toàn bộ đơn khởi kiện của nguyên đơn là chưa thực hiện đúng và đầy đủ quy định của pháp luật, bỏ lọt chứng cứ cùng tình tiết có lợi cho nguyên đơn.

Điều đáng nói hơn, tài sản này ông Hoàn và bà Thủy mua lại của bà Nguyễn Thị Hồng vào năm 1992, chưa làm thủ tục cấp GCNQSDĐ, vậy nên càng không hiểu bằng cách nào bà Trương Thị Hậu có thể “phù phép” thành sổ hồng đứng tên của mình?! Ngạc nhiên hơn, đối với thửa đất đang tranh chấp, tại giấy chuyển nhượng đất ở lập ngày 10/10/1992 giữa bà Nguyễn Thị Hồng với vợ chồng ông Hoàn bà Thủy là lô số 3, với số tiền 2,8 triệu đồng nhưng đến ngày 24/4/2007 mới được UBND thị trấn Ea KNốp xác nhận. Vậy lý do gì UBND thị trấn Ea KNốp xác nhận sau gần 15 năm. Chưa nói đến tại giấy sang nhượng này không thể hiện số thửa đất, tờ bản đồ nhưng tại Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa ông Hoàn, bà Thủy với bà Hậu lập ngày 20/6/2001 được UBND thị trấn Ea KNốp xác nhận ngày 24/4/2007 (gần 7 năm) thể hiện thửa đất số 57, tờ bản đồ số 2.

Trước đó, vào ngày 10/9/2018, TAND tỉnh Đắk Lắk tuyên án sơ thẩm (lần đầu) số 14/2018/DS-ST như nội dung tuyên án lần 2 nêu trên.

Quyết định tuyên án phúc thẩm phù hợp thực tế và đúng quy định pháp luật của TAND cấp cao tại Đà Nẵng

Nhận định của cấp phúc thẩm khi hủy án sơ thẩm lần 1

Đến ngày 11/6/2019, TAND cấp cao tại Đà Nẵng tuyên Bản án phúc thẩm số 58/2019/DS-PT nhận định về phần nội dung, mối quan hệ giữa bà Đinh Thị Thủy với bà Trương Thị Hậu, ông Trương Ngọc Sơn là thông gia (anh ruột của bà Hậu, ông Sơn là chồng của chị ruột bà Thủy).

Đối với thửa đất đang tranh chấp thì tại Giấy sang nhượng đất ở lập ngày 10/10/1992 giữa bà Nguyễn Thị Hồng với vợ chồng ông Hoàn, bà Thủy đối với lô đất ở số 3, diện tích 91m2 (4,5m x 18m) với số tiền 2,8 triệu đồng nhưng đến ngày 24/4/2007 mới được UBND thị trấn Ea Knốp xác nhận. Tòa án cấp sơ thẩm (lần đầu) chưa làm rõ lý do gì UBND thị trấn Ea Knốp xác nhận sau gần 15 năm. Tại Giấy sang nhượng này không thể hiện số thửa đất, tờ bản đồ nhưng tại Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Hoàn, bà Thủy với bà Hậu lập ngày 20/6/2001 được UBND thị trấn Ea Knốp xác nhận ngày 24/4/2007 (gần 7 năm) thể hiện thửa đất số 57, tờ bản đồ số 02 thì căn cứ vào đâu các đương sự biết được việc này vì vợ chồng ông Hoàn, bà Thủy cho rằng hợp đồng do bà Hậu lập, còn người đại diện cho bà Hậu thì cho rằng hợp đồng do vợ chồng ông Hoàn, bà Thủy lập nên cần phải được làm rõ ai là người đem hợp đồng đi chứng thực.

Tại hợp đồng ghi giá chuyển nhượng là 90 triệu đồng, theo người đại diện theo ủy quyền của bà Hậu cho rằng giá chuyển nhượng 410 triệu đồng bằng số tiền ông Hoàn, bà Thủy nợ bà Hậu, không được nguyên đơn đồng ý. Tòa án sơ thẩm (lần đầu) không thu thập giấy nợ này để làm cơ sở vì sao còn nợ 410 triệu đồng không ghi vào để trừ luôn mà chỉ ghi 90 triệu đồng. UBND thị trấn Ea Knốp xác nhận vào ngày 24/4/2007 trong khi đó vợ chồng ông Hoàn, bà Thủy chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng vẫn lập hợp đồng chuyển nhượng cho bà Hậu cũng cần xác định rõ.

Phóng viên ghi nhận đương sự nguyên đơn vẫn sống ổn định tại căn nhà đang tranh chấp từ năm 2001 đến nay

Như vậy, hai hợp đồng giữa vợ chồng ông Hoàn, bà Thủy với bà Hồng và với bà Hậu đều được UBND thị trấn Ea Knốp xác nhận cùng ngày 24/4/2007. Bản án sơ thẩm chưa làm rõ các vấn đề trên mà công nhận Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất lập ngày 20/6/2001 hợp pháp là không đúng.

Ngoài ra, TAND cấp cao tại Đà Nẵng đề nghị tòa cấp sơ thẩm cần làm rõ về số tiền 410 triệu đồng (giấy thanh toán mâu thuẫn với lời khai), không đưa ông Thủy cùng chị Thư vào tham gia tố tụng,… Từ đó, HĐXX phúc thẩm áp dụng Khoản 3 Điều 308 và Điều 310 Bộ luật tố tụng dân sự tuyên hủy bản án sơ thẩm số 14/2018/DS-ST ngày 10/9/2018 của TAND tỉnh Đắk Lắk và chuyển hồ sơ giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

Qua 2 bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Đắk Lắk và bản án phúc thẩm của TAND cấp cao tại Đà Nẵng, thể hiện tòa cấp sơ thẩm chưa “tôn trọng” nhận định của tòa cấp phúc thẩm. Lo ngại hơn khi thực thi cùng Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật đất đai và các Nghị định nhưng hai cấp vẫn chưa đồng nhất với nhau.

Song song công tác xét xử, phóng viên nhiều lần liên hệ với UBND huyện Ea Kar đề nghị làm việc liên quan đến vụ án này. Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Trí – Phó Chánh văn phòng HĐND & UBND huyện Ea Kar thường xuyên thông báo lãnh đạo Phòng TN&MT đang bận việc(?!).

Từ diễn biến vụ án mâu thuẫn nhiều tình tiết, hy vọng HĐXX cấp phúc thẩm một lần nữa xem xét và làm rõ những vấn đề trái với quy định của pháp luật, sớm giải quyết dứt điểm vụ việc, tránh kéo dài, gây bức xúc dư luận

Dương Vương

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/phap-luat/tien-hau-bat-nhat-trong-hop-dong-chuyen-nhuong-quyen-su-dung-dat-30044.html