Tiện ích trong triển khai hộ tịch điện tử

Từ đầu năm 2019 đến nay, huyện Cẩm Mỹ là một trong những địa phương trong tỉnh triển khai có hiệu quả Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch điện tử do Bộ Tư pháp xây dựng.

Đến nay Phòng Tư pháp và 13 xã trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ đã triển khai hộ tịch điện tử. Tất cả các dữ liệu hộ tịch phát sinh mới đều được công chức Tư pháp - hộ tịch huyện cập nhật lên hệ thống nhằm đảm bảo cơ sở dữ liệu thông tin hộ tịch đồng bộ, thông suốt giữa các cơ quan đăng ký hộ tịch từ cơ sở đến Trung ương.

* Đảm bảo đồng bộ, chính xác

Ông Nguyễn Hữu Chiến, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Cẩm Mỹ cho hay, điểm nổi bật khi sử dụng Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch điện tử đó là phần mềm đăng ký khai sinh điện tử đã tích hợp đăng ký khai sinh và cấp mã số định danh cá nhân cho công dân. Từ đó, giúp cho các cơ quan quản lý hộ tịch dễ dàng quản lý, theo dõi và không để trường hợp trùng lặp sự kiện hộ tịch.

Qua 9 tháng triển khai hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch điện tử (từ tháng 1-2019), huyện Cẩm Mỹ đã đăng ký trên 2 ngàn trường hợp khai sinh, trên 1,7 ngàn trường hợp xác nhận tình trạng hôn nhân và gần 800 trường hợp kết hôn.

Theo ông Lu Nhật Đồng, cán bộ Tư pháp - hộ tịch xã Bảo Bình, việc cập nhật hồ sơ trên phần mềm đăng ký khai sinh điện tử và phần mềm đăng ký quản lý hộ tịch dùng chung khá dễ dàng, giúp cho công chức Tư pháp - hộ tịch giải quyết hồ sơ nhanh chóng. Vì vậy, hiện nay trên địa bàn huyện, tất cả công chức làm công tác hộ tịch đều sử dụng thành thạo hệ thống này. Nhờ vậy, việc đăng ký các sự kiện hộ tịch đều được cập nhật lên dữ liệu điện tử và đảm bảo độ chính xác.

“Phần mềm còn cho phép công chức Tư pháp - hộ tịch sửa chữa, bổ sung các nội dung thông tin còn thiếu hoặc sai sót trong quá trình thực hiện nhằm đảm bảo độ chính xác của các thông tin trong cơ sở dữ liệu hộ tịch. Các công cụ tìm kiếm, in ấn... đều dễ sử dụng, mang lại hiệu quả cao trong tra cứu, tìm kiếm thông tin mà trước đây không có” - ông Đồng nhận xét.

* Bất cập lỗi kỹ thuật

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi, qua triển khai hệ thống, các địa phương phản ánh hệ thống thông tin và quản lý hộ tịch điện tử bộc lộ một số khuyết điểm như: khi xử lý hồ sơ thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch... liên quan đến dữ liệu đã đăng ký tại cơ quan khác (các cơ quan ngoài tỉnh, các cơ quan được sáp nhập, chia tách, thay đổi thông tin về địa danh hành chính) không thực hiện được do hệ thống mặc định nhập dữ liệu phân quyền cho tài khoản gần với đơn vị hành chính hiện hành.

Ông Nguyễn Hữu Chiến nêu ví dụ: huyện Cẩm Mỹ được chia tách từ huyện Xuân Lộc và huyện Long Khánh (cũ) trong năm 1991 và 2003. Cho nên, đối với những sự kiện hộ tịch trước đây đăng ký ở huyện Xuân Lộc hoặc huyện Long Khánh (cũ), nay công dân có yêu cầu thay đổi, cải chính, xác định lại dân tộc thì UBND huyện Cẩm Mỹ hoặc UBND các xã không thể cập nhật hồ sơ lên Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch điện tử để thực hiện cải chính. Do lỗi này chưa được khắc phục nên cơ quan đăng ký hộ tịch buộc phải thực hiện thủ công trên sổ hộ tịch như trước đây.

Đối với những sự kiện hộ tịch đã được UBND huyện hoặc UBND xã cập nhật trên phần mềm hộ tịch cũ, hiện nay vẫn chưa được chuyển đổi hoặc đồng bộ qua hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch điện tử mới, dẫn đến những bất cập khi công dân có yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch đối với các sự kiện đã được đăng ký trước năm 2019 thì công chức Tư pháp - hộ tịch vẫn phải truy cập lại phần mềm hộ tịch cũ hoặc tra cứu trong sổ hộ tịch. Điều này làm mất thời gian xử lý công việc đối với cán bộ tư pháp - hộ tịch.

Thành Nhân

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/201911/tien-ich-trong-trien-khai-ho-tich-dien-tu-2972946/