Tiền kiểm hay hậu kiểm trong phổ biến phim: Phải bảo đảm bình đẳng, cạnh tranh

Thảo luận về Luật Điện ảnh (sửa đổi) liên quan đến nội dung phổ biến phim trên không gian mạng vào chiều 25/5, nhiều ý kiến tranh luận liên quan đến tiền kiểm hay hậu kiểm trong việc phổ biến phim, các đại biểu cho rằng cần phải nghiên cứu để đảm bảo sự công bằng giữa các nhà làm phim Việt Nam với các OTT xuyên biên giới.

Liên quan đến nội dung phổ biến phim trên không gian mạng, dự thảo Luật quy định cụ thể, chặt chẽ về các chủ thể được phép phổ biến phim trên không gian mạng. Theo đó, dự thảo Luật quy định chủ thể phổ biến phim trên không gian mạng phải là doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp được thành lập, hoạt động điện ảnh theo đăng ký kinh doanh, theo chức năng, nhiệm vụ được giao đúng quy định của pháp luật; trước khi phổ biến phim trên không gian mạng, chủ thể phổ biến phim phải tự phân loại phim chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung, kết quả phân loại phim hoặc đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phân loại phim theo trình tự, thủ được quy định.

Thảo luận tại Hội trường Quốc hội chiều 25/5, nhiều đại biểu đồng tình với nội dung này và cho rằng cần phải thực hiện hậu kiểm đối với việc phổ biến phim trên mạng để đảm bảo tính khả thi của Luật.

Ông TRẦN VĂN KHẢI, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam: Đối với một xã hội số, một không gian mạng mênh mông, không biên giới như hiện nay, tôi nghĩ quy định tiền kiểm là bất khả thi và không phù hợp với thông lệ quốc tế. Tôi đồng tình với quy định hậu kiểm đối với hình thức phổ biến phim trên không gian mạng.”

Ông NGUYỄN MẠNH CƯỜNG, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình: Dịch vụ OTT là dịch vụ có nhiều ưu điểm, là xu thế toàn cầu trong bối cảnh cách mạng 4.0 và cũng rất khác với phim chiếu rạp, số lượng phim thì rất lớn, liên tục cập nhật, qua dịch vụ này, nếu tiền kiểm thì khó khả thi và khó bảo đảm tính kịp thời. Hiện nay chúng ta mới kiểm duyệt 350 phim, còn tồn đọng hàng nghìn phim thì cái này rất khó khả thi tiền kiểm có hạn chế là doanh nghiệp OTT mất chủ động, người dân thì mất cơ hội tiếp cận nhiều phim hơn, tiếp cận sớm đối với phim, làm tăng tính kiểm duyệt, tăng thủ tục tuân thủ, không phù hợp với thông lệ chung của quốc tế. Tiền kiểm trong nhiều trường hợp vẫn phải hậu kiểm. Quy định hậu kiểm như vậy sẽ mang lợi ích là giảm chi phí quản lý, lợi ích cho người dân và cho doanh nghiệp, phù hợp với thông lệ quốc tế phù hợp với bối cảnh hội nhập.”

Tranh luận về nội dung này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, điều quan trọng là phải đảm bảo tính bình đẳng đối với điện ảnh trong phổ biến phim. Nếu áp dụng hậu kiểm cho phổ biến phim trên không gian mạng thì cũng nên áp dụng hậu kiểm đối với việc phổ biến phim trên các nền tảng khác.

Ông TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA, Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh: Các nền tảng OTT xuyên biên giới xâm nhập thị trường, chuyện tiền kiểm là bất khả thi vì sao điện ảnh trong nước là phải tiền kiểm, làm như thế là điện ảnh Việt Nam bị ràng buộc, bị cản trở rất nhiều và mất đi sự cạnh tranh đối với OTT xuyên biên giới. OTT xuyên biên giới đâu có nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền Việt Nam, đâu có nghĩa vụ bảo tồn bản sắc Việt Nam. Tôi nghĩ là nên bỏ nguyên tắc tiền kiểm đối với điện ảnh Việt Nam, tạo ra sự bình đẳng với OTT nước ngoài.”

Đại biểu Phạm Trọng Nhân cũng đặt câu hỏi, cùng một nội dung phổ biến phim nhưng lại có sự phân biệt đối xử thông qua việc tiền kiểm và hậu kiểm. Như vậy là chưa tạo điều kiện để cho nền điện ảnh nước nhà phát triển. Trong khi các nền tảng OTT xuyên biên giới trong thực tế đã có các vi phạm. Và đặc biệt không thể dùng lý do khó khăn về nhân lực để lý giải cho quy định hậu kiểm đối với phổ biến phim trong khi các công đoạn tiền kiểm hiện nay đang được số hóa.

Ông PHẠM TRỌNG NHÂN, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương: Dự thảo lại xây dựng cơ chế hậu kiểm đối với phổ biến phim trên không gian mạng mà điển hình là các nền tảng streaming xuyên biên giới tại điểm a, khoản 2 Điều 18, điểm b, khoản 2 Điều 21 và khoản 1 Điều 27. Trong khi để các nền tảng này tự do đi lại trên mặt trận văn hóa thời gian qua đã gây ra nhiều tổn thương về văn hóa không hề nhỏ đối với nền tảng tinh thần của xã hội. Gỡ bỏ những nội dung sai phạm là một việc làm không nhiều ý nghĩa vì người xem đã kịp tải xuống và đăng tải trên các nền tảng khác.

Việc xem các nội dung trên nền tảng này mọi lúc mọi nơi thì có biện pháp nào để thực hiện các biện pháp kỹ thuật cần thiết để cha mẹ, những người giám sát trẻ em tự kiểm soát, quản lý, đảm bảo cho trẻ em xem phim được phổ biến trên không gian mạng phù hợp với trình độ và độ tuổi.”

Việc nghiên cứu để đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, cạnh tranh giữa các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh như mục tiêu của dự án Luật đề ra là trách nhiệm mà các đại biểu Quốc hội cần phải gánh vác để môn nghệ thuật thứ 7 này phát triển và thực hiện sứ mệnh lớn lao của mình là góp phần xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trở thành một nền công nghiệp điện ảnh theo đúng nghĩa.

Thực hiện : Bích Nhung

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/tien-kiem-hay-hau-kiem-trong-pho-bien-phim-phai-bao-dam-binh-dang-canh-tranh