Tiên Lữ (Hưng Yên): Ngang nhiên lập bến bãi trên đất nông nghiệp, vi phạm hành lang an toàn đê điều!

Hiện nay trên địa bàn huyện Tiên Lữ (Hưng Yên) tồn tại hàng chục bến bãi tập kết vật liệu xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, vi phạm hành lang thoát lũ, an toàn đê điều (tuyến đê sông Luộc). Mặc dù UBND tỉnh Hưng Yên, UBND huyện Tiên Lữ đã chỉ đạo UBND các xã dẹp bỏ nhiều lần nhưng cho đến nay những bến bãi này vẫn ngang nhiên hoạt động.

Huyện Tiên Lữ là địa phương có đường thủy sông Hồng dài 6 km và sông Luộc dài 12 km cùng với hệ thống các sông khác tạo thành hệ thống giao thông đường thủy quan trọng đi Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... Lợi dụng địa hình này, nhiều cá nhân, tổ chức đã lập các bến bãi tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng như: cát, đá, sỏi...

Những bến bãi này ngang nhiên hoạt động trái phép trên đất nông nghiệp, lấn chiếm hành lang an toàn thoát lũ; nghiêm trọng hơn, một số đơn vị còn lập bến bãi ngay trên đỉnh kè của Nhà nước đầu tư khiến người dân vô cùng bức xúc.

Những bến bãi tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng nằm rải rác ở các xã như: Hải Triều, Đức Thắng, Thủ Sỹ, Minh Phượng, Thiện Phiến và hầu hết đã hoạt động nhiều năm nay. Theo ghi nhận của phóng viên tại thôn Lương Trụ, xã Đức Thắng, có bãi tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng của Công ty TNHH Quyền Anh do ông Đỗ Văn Quyền làm Giám đốc.

Công ty này đã ngang nhiên san lấp trái phép, sử dụng hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp (được chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây ăn quả) thuộc khu vực đầm Lương Trụ để làm bến bãi. Những núi cát vàng cao khổng lồ của Công ty TNHH Quyền Anh đã khiến người dân nơi đây ngao ngán, mỗi lần có gió to thì cát bụi mù mịt.

Núi cát rộng hàng nghìn mét vuông của Công ty TNHH Quyền Anh trên đất nông nghiệp

Núi cát rộng hàng nghìn mét vuông của Công ty TNHH Quyền Anh trên đất nông nghiệp

Ngang nhiên hơn, Công ty TNHH Quyền Anh còn lấn chiếm hành lang đê, kè sông Luộc; cho tàu thuyền chở vật liệu xây dựng đậu đỗ sau đó dùng máy múc, xe trọng tải lớn để chuyển vào phía trong bãi tập kết.

Địa điểm này cũng là nơi có nguy cơ sạt lở cao được Nhà nước đầu tư không ít tiền của để gia cố và cho làm tuyến kè nhằm đảm bảo an toàn. Theo quan sát của phóng viên, bến bãi của đơn vị này tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng chỉ cách Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy (PC68) của Công an tỉnh Hưng Yên vài bước chân nhưng hằng ngày vẫn có hàng chục con tàu ngang nhiên đậu đỗ nhưng không hề bị xử lý.

Hoạt động bến bãi vi phạm pháp luật của Công ty TNHH Quyền Anh diễn ra nhiều năm nhưng chính quyền địa phương bất lực trong xử lý

Qua trao đổi với ông Phạm Văn Kế - Chủ tịch UBND xã Đức Thắng, ông Kế than rằng bến bãi của Công ty TNHH Quyền Anh đã tồn tại hàng chục năm, bản thân mới lên giữ chức Chủ tịch UBND xã mới được “2 năm” nên chưa xử lý được.

Vị Chủ tịch xã này còn cho biết thêm: “Chỗ bến bãi này năm nào chả xử lý, lập biên bản xử phạt. Mới đây cũng lập, phạt 1-2 triệu thôi. Năm nào cũng có liên ngành về kiểm tra, báo chí về phản ánh nhưng có xử lý được đâu. Bây giờ đang chờ chỉ đạo từ UBND huyện...”. Ông Kế còn cho biết, Cảnh sát đường sông năm nào cũng phối hợp kiểm tra xử lý vi phạm nhưng cũng không rõ vì sao Phòng Cảnh sát đường thủy Hưng Yên ngay bên bến bãi trái phép, có tàu thuyền đậu đỗ trung chuyển vật liệu mà không bị xử lý?

Trên địa bàn huyện Tiên Lữ còn hàng chục các bến bãi trái phép, vi phạm hành lang thoát lũ, an toàn đê điều. Cụ thể: xã Hải Triều có các bến bãi trái phép như: Doanh nghiệp tư nhân Hồng Sơn, ông Hoàng Văn Tuệ, ông Vũ Văn Tuấn, ông Nguyễn Văn Phiến...

Thôn Lam Sơn, xã Thiện Phiến: Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Phong Anh, Công ty Cổ phần Nam Tiến Công, ông Trần Tuấn Đạt, ông Trần Duy Hưng. Bến bãi của bà Phạm Thị Hựu, ông Nguyễn Văn Thảo thuộc thôn Mai Xá, xã Minh Phượng. Bến bãi của bà Nguyễn Thị Kim Tuyến thuộc thôn Thống Nhất, xã Thủ Sỹ.

Một số bến bãi trái phép tại xã Thiện Phiến đang được cơ quan chức năng huyện Tiên Lữ yêu cầu giải tỏa trước 30/5/2018

Ngày 17/4/2018, Chi cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên) đã có văn bản số 116/ĐĐ về việc giải tỏa vi phạm chứa chất vật liệu trên bãi sông thuộc địa bàn huyện Tiên Lữ, yêu cầu các cá nhân, tổ chức vi phạm phải tự giải tỏa xong trước ngày 10/5/2018. Nếu sau ngày 10/5/2018 vẫn còn hiện tượng bơm cát, tập kết chứa vật liệu trên bãi sông, Chi cục sẽ tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.

Tình trạng hút cát chuyển vào san lấp, bến bãi xã Hải Triều, Đức Thắng vẫn ngang nhiên hoạt động

Ngày 8/5/2018, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lữ - ông Nguyễn Thế Hưng cũng đã có chỉ đạo trong văn bản số 110/TB-UBND Thông báo kết luận của Chủ tịch UBND huyện tại phiên họp giao ban Chủ tịch, các Phó Chủ tịch huyện tháng 5/2018.

Chủ tịch UBND huyện Tiên Lữ chỉ đạo: Giao Phòng Tài nguyên và Môi trường, phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Thanh tra huyện, Phòng Kinh tế & Hạ tầng phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra, đôn đốc UBND các xã, thị trấn thực hiện nghiêm chỉ thị số 02/CT-UBND và Kế hoạch số 93A/KH của UBND tỉnh, trong đó tập trung một số nội dung chính sau: Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tái vi phạm hành lang bảo vệ đê điều; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm bến bãi tập kết, chứa vật liệu không nằm trong quy hoạch và yêu cầu tự giải tỏa xong trước ngày 31/5/2018. Nếu hết thời hạn trên các hộ không tự giải tỏa, giao Chủ tịch UBND xã xây dựng kế hoạch tổ chức giải tỏa, cưỡng chế, thời gian xong trước ngày 30/6/2018. Đối với các bến bãi có trong quy hoạch nhưng chưa hoàn thành các thủ tục giao đất, cấp phép và yêu cầu các chủ bến bãi kinh doanh tạm dừng hoạt động.

Nhằm chấn chỉnh hoạt động trên, ngày 19/5/2018, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên – ông Bùi Thế Cử đã có văn bản số 1112/QĐ-UBND Quyết định thành lập Đoàn thanh tra liên ngành thanh tra toàn diện việc chấp hành pháp luật về đầu tư, xây dựng, thuế, sử dụng đất đai, khai thác cát, kinh doanh bến bãi vật liệu xây dựng đối với các tổ chức, cá nhân đang hoạt động khai thác cát, kinh doanh bến, bãi chứa vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh (thời hạn 45 ngày).

Liệu chỉ đạo của Chủ tịch UBND huyện Tiên Lữ có được thực hiện nghiêm khi những vi phạm trên đã diễn ra suốt nhiều năm qua.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đức Lăng – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiên Lữ cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND huyện kiên quyết xử lý các bến bãi vi phạm trên địa bàn huyện, hiện nay chúng tôi đã lập Đoàn thanh kiểm tra, yêu cầu các xã báo cáo phối hợp và xử lý, giải tỏa các bến bãi vi phạm. Tính đến thời điểm hiện nay đã giải tỏa được 5 bãi vi phạm và xử phạt hàng trăm triệu đồng..”.

Liệu rằng “ma trận” bến bãi tập kết, kinh doanh vật liệu trái phép trên đất nông nghiệp, vi phạm hành lang thoát lũ, an toàn đê điều trên địa bàn huyện Tiên Lữ tồn tại nhiều năm qua có được dẹp bỏ trước ngày 30/6/2018?

Congluan.vn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Quốc Trần

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/phap-luat/dieu-tra/tien-lu-hung-yen-ngang-nhien-lap-ben-bai-tren-dat-nong-nghiep-vi-pham-hanh-lang-an-toan-de-dieu-38129