Tiền lương làm thêm giờ không nên quy định cứng trong luật

Trước đề xuất trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi về tăng giờ làm thêm, và việc tính tiền làm thêm giờ sẽ được tính theo lũy kế, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho rằng, trong điều kiện năng suất lao động của chúng ta còn thấp, nếu chúng ta mong muốn vừa tăng làm thêm giờ vừa tăng lũy tiến về tiền lương thì tất cả các chi phí đầu vào đều tăng và điều này sẽ 'đánh sập' doanh nghiệp.

PV: Quan điểm của ông như nào về đề xuất tăng giờ làm thêm và tiền lương làm thêm giờ sẽ được tính lũy tiến?

Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Ông Phạm Minh Huân:

Vấn đề giờ làm thêm không phải là vấn đề mới, về phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mong muốn nếu tăng giờ làm thêm thì cũng tăng ở mức vừa phải, bên doanh nghiệp do áp lực sản xuất nên luôn mong muốn tăng giờ làm thêm lên mức cao nhất, nhiều hơn mức 400 giờ/năm đang được đề xuất. Theo tôi nên mở rộng khung làm thêm giờ, nhưng tăng lên là 200-400 hay 300-400 giờ/năm thì còn cần phải tính toán thêm. Theo xu hướng chung của thế giới là phải giảm giờ làm, nhưng do trong giai đoạn hiện nay năng suất lao động của Việt Nam còn rất thấp nên việc tăng giờ làm thêm là cần thiết.

Liên quan đến việc tính tiền làm thêm giờ theo phương án của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra là tính lũy tiến thì theo tôi cần phải cân nhắc lại, bản chất của làm thêm giờ là để bù đắp thêm cho năng suất lao động còn thấp của chúng ta, chưa cân bằng được với các sản phẩm cùng ngành nghề.

Ví dụ nếu so với một số nước khác thì các sản phẩm dệt may, da giày của chúng ta đều thấp hơn, chi phí tăng rất lớn. Bên cạnh đó, hiện nay, theo phản ánh của các doanh nghiệp chi phí đầu vào của doanh nghiệp đều tăng rất cao trong khi đó giá gia công của chúng ta không tăng hoặc tăng không đáng kể. Nếu tất cả các chi phí đó ép vào thì đương nhiên lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ giảm dần và giảm đến một lúc nào đó thì doanh nghiệp sẽ không thể tồn tại đươc nữa.

Đồng thời, về vấn đề tiền lương, khi thị trường lao động đẩy lên thì các doanh nghiệp cũng sẽ phải tăng lên, như vậy chi phí lao động tăng cùng với các chi phí khác cũng tăng lên. Nếu như những ngành điện tử giá trị sáng tạo lớn hơn dư địa của họ lớn hơn thì họ vẫn trụ lại được, nhưng với những ngành như dệt may, da giày giá gia công vẫn như vậy, chi phí đầu vào tăng, chi phí lao động tăng thì rõ ràng sẽ đến lúc doanh nghiệp không thể mở rộng được sản xuất hoặc phá sản.

PV: Vậy theo ông, tiền lương làm thêm giờ nên được quy định như thé nào để vừa bảo vệ được người lao động vừa hỗ trợ được cho sự phát triển của doanh nghiệp?

Ông Phạm Minh Huân:

Trong sửa đổi Bộ luật Lao động lần này điều quan trọng nhất cần tính tới là làm sao để tạo sự cân bằng giữa người lao động và chủ sử dụng. Nếu nghiêng về bên nào sẽ dẫn tới khó khăn cho bên còn lại, cụ thể nếu nghiêng về phía người lao động sẽ khiến doanh nghiệp Việt Nam đã khó khăn càng khó khăn hơn, khi chi phí lao động tăng cao. Còn nếu nghiêng về phía doanh nghiệp thì lao động lại không đủ điều kiện để trang trải cuộc sống.

Chính vì vậy, theo tôi việc tính tiền lương làm thêm giờ không nên quy định cứng trong luật, mà để hai bên thỏa thuận. Theo đó, lao động và người sử dụng lao động (doanh nghiệp) sẽ phải thương lượng và thống nhất với nhau về mức lương được trả khi làm thêm giờ. Đây là vấn đề do thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động, người lao động đồng ý làm thêm nếu như thấy rằng sức khỏe đáp ứng được, còn doanh nghiệp nếu tính toán được các chi phí hợp lý để chi trả thu nhập cho người lao động thì mới tăng giờ làm thêm.

PV: Xin cảm ơn ông!

Xuân Thảo (thực hiện)

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/tien-luong-lam-them-gio-khong-nen-quy-dinh-cung-trong-luat-104992.html