Tiền lương thực tế ở Nhật Bản liên tục giảm do biến động giá cả

Ngày 9/5, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) công bố số liệu cho thấy tiền lương thực tế bình quân trong tháng 3 năm nay giảm 2,9%, giảm tháng thứ 12 liên tiếp, chủ yếu do ảnh hưởng của biến động giá cả ở cả trong và ngoài nước.

Đồng yen của Nhật Bản. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Đồng yen của Nhật Bản. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, MHLW cho biết tổng tiền lương danh nghĩa bình quân của một lao động trong tháng 3/2023, bao gồm tiền lương cơ bản và tiền làm thêm giờ, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 291.081 yen (tương đương 2.153 USD), đánh dấu mức tăng tháng thứ 15 liên tiếp. Trong đó, tiền lương đối với lao động phổ thông làm việc toàn thời gian tăng 1,3%, lên mức 380.082 yen (2.811 USD), trong khi tiền lương của lao động bán thời gian tăng 2,1%, lên mức 101.038 yen (747 USD). Tỷ lệ lao động bán thời gian trên tổng số lao động nói chung đã tăng 0,54 điểm phần trăm, lên mức 31,86%, qua đó kiềm chế mức tăng tiền lương danh nghĩa của người dân ở quốc gia Đông Bắc Á này.

Tuy nhiên, tiền lương thực tế bình quân đã được điều chỉnh theo lạm phát ở nước này lại giảm 2,9% so với cùng kỳ năm nước, ghi nhận mức giảm tháng thứ 12 liên tiếp. Đây là lần đầu tiên kể từ tài khóa 2014 khi chính phủ quyết định tăng thuế tiêu dùng từ 5% lên 8%, tiền lương thực tế của người dân Nhật Bản giảm liên tục trong suốt một năm tài chính.

Theo đại diện của MHLW, mặc dù tổng tiền lương danh nghĩa bình quân đang tăng dần nhưng đã không theo kịp mức tăng của vật giá, dẫn đến số tiền lương thực tế mỗi người Nhật Bản được nhận vẫn theo chiều hướng giảm. Chỉ số giá tiêu dùng được sử dụng để tính tiền lương thực tế tăng 3,8%, mặc dù mức tăng đã chậm lại trong hai tháng liên tiếp kể từ khi đạt đỉnh vào tháng 1 với 5,1%, nhưng vẫn ở mức cao.

Mặt khác, kết quả khảo sát chi tiêu hộ gia đình do Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản công bố trước đó cho thấy các hộ gia đình có từ 2 thành viên trở lên đã chi tiêu trung bình 312.758 yen (2.323 USD) trong tháng 3, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Mức sụt giảm lớn nhất là chi tiêu cho thực phẩm với nguyên nhân chủ yếu là nhiều hộ gia đình lựa chọn ăn ở nhà hàng nhiều hơn là mua thực phẩm về nấu ăn tại nhà, sau khi các hoạt động kinh tế-xã hội ở Nhật Bản dần bình thường hóa. Bên cạnh đó, chi phí cho giáo dục cũng giảm 16,7% do không phải chi cho con cái tham gia các khóa luyện thi đầu năm học.

Phạm Tuân (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/tien-luong-thuc-te-o-nhat-ban-lien-tuc-giam-do-bien-dong-gia-ca-20230510085654022.htm