Tiền mất tiền sẽ còn, tình mất tình sẽ ra đi, cháu nhé!

Nói với cả bố mẹ, về cách chăm sóc của mẹ đã khiến một gia đình nhỏ ở bên bờ vực. Vì sao phải hai người con ở chung một nhà để hai chàng rể khó chịu...

Cô kính mến!

Mẹ cháu mồ côi mẹ sớm, lớn lên và trưởng thành nhờ ông bà nội và các cô. Rồi ông bà nội lần lượt qua đời, mẹ sống với cô út. Các cô gả chồng cho mẹ, bố cháu là người yêu mẹ, thương mẹ nên nếu mẹ không giỏi việc nhà, bố cũng thể tình, ít trách móc, còn xắn tay lên làm giúp.

Được bố yêu nên mẹ cũng có nhiều quyền. Anh trai cháu và cháu khi nhỏ thấy bố nghe lời mẹ, khi đã có vợ có chồng mới biết bố như thế cũng không hay. Cháu đã ở riêng, có những đứa con của mình, có chồng và nhà chồng để toàn tâm toàn ý, bây giờ cháu mới thấy mẹ thương lệch chứ không công bằng, của chồng công vợ nhưng mẹ thu vén cho bên ngoại quá nhiều.

Vợ chồng cô út của mẹ được mẹ đem lên thị xã để tiện chăm sóc, trả ân. Hai đứa con của cô út mẹ chăm chút còn hơn chăm hai anh em của cháu, học ở đâu, tiền học như thế nào, mẹ lo hết. Rồi gả chồng cho hai người đó mẹ cũng bắt bố cháu lo như lo việc con đẻ. Nhà nội của cháu không nói gì, nhưng biết hết, cảm nhận được bên nhẹ bên nặng nên cũng ít tới lui.

Rồi cô dượng út lần lượt qua đời. Mẹ bắt hai người con của cô dượng nhà nội của mẹ phải ở chung nhà để hương khói, bếp chung. Người con rể cả khó chịu, tìm cách xin việc trên HN, để không phải ở chung. Vợ chồng người đó sống cảnh anh ở đầu sông em cuối sông được hai năm thì sinh chuyện, anh ấy có bồ. Bây giờ mới là lúc anh cháu và cháu đối thoại với mẹ, trút hết suy nghĩ về cách bao biện và thiết kế không giống ai của mẹ. Nhưng chuyện có vẻ muộn rồi cô.

Từ đó đến nay đã hai năm nữa. Nguy cơ tan vỡ rành rành, mẹ mới nghe bố để chị ấy lên HN với chồng. Phải mua nhà. Nhà bố mẹ của họ phải để thờ cúng và cuộc sống của người con gái út của ông bà ấy. Giờ mới nan giải đây. Mẹ vét tiền nhà để lo cho cái chị ấy. Cô xem, anh trai cháu và cháu có nên chống lại việc này không? Sao mẹ cứ dốc túi cho người ngoài thế? Các cháu chưa cần nhưng tiền của bố mẹ rồi cũng phải là tiền của con cái chứ cô. Anh trai hục hặc với mẹ từ lâu, chị dâu không dám nói gì, chỉ ôm điện thoại trút nỗi niềm với cháu thôi. Cô xem, cháu có cần nói thẳng với mẹ không, hàng tỷ đồng chứ ít sao, mà có cứu vãn được cuộc hôn nhân đã bời rời ấy không?

---------------------

Cháu thân mến!

Trước hết mình phải ghi nhận mẹ của cháu như vậy là người sống có trước có sau. Cái ơn nuôi và dạy một con người, nghĩ mãi, nghĩ sâu, sẽ thấy nó lớn lao biết dường nào. Con người không bằng mọi sinh linh khác là sinh ra còn chưa mở mắt, chưa biết tự làm gì, nếu không được dưỡng nuôi bồng bế thì chắc không có chúng ta hôm nay. Phải cho bú, phải không được rời đứa bé, cho đến chí ít 5 tuổi thì đứa bé ấy mới tự ăn, tự tắm, tự vệ sinh thân thể. Trí não con người là vũ khí của con người, khi có trí khôn thì con người mới không khác con vật. Và sau đó là dạy bảo, cháu có con cháu biết rồi đó, dạy bảo cho đến khi con trưởng thành.

Mẹ có hai đứa con, có lẽ hình dung mãi về tuổi ấu thơ, tuổi niên thiếu và cả tuổi vị thành niên của mình nên mẹ cảm động quá, ngày càng thêm cảm động. Cô út của mẹ còn hơn ông bà ngoại cháu nữa, vì không sinh nhưng công dưỡng cả một đời khiến mẹ cứ nghĩ trả mãi vẫn không thấy đủ. Rồi gả chồng cho mẹ, gặp bố thương, yêu và có nể nữa, mẹ lại thấy, nhờ nền giáo dục của nhà nội, cụ thể là cô út nên mẹ càng thấy cái ơn ấy như biển trời, không sao kể xiết.

Nhưng, có lẽ mẹ là một người chật hẹp, chỉ biết có phía mình và anh cháu cùng cháu thấy bất bình. Không phải lần di chuyển của người con cả cô út mà cháu mới thấy như vậy. Rất nhiều người như mẹ chứ không riêng mẹ đâu cháu. Cô cũng không biết họ nghĩ sao, nói yêu chồng mà của nả quà cáp gì cũng thu vén cho bên nhà mình, đúng là giọt máu đào hơn ao nước lã, họ, những người ấy họ nghĩ nhà chồng là ao nước lã, người dưng khác họ. Làm người mà không công bằng, không minh bạch, không nghĩ hậu quả là do bản năng, ít trí tuệ.

Nếu anh cháu và cháu thấy quá đáng thì phải đối thoại. Nói với cả bố mẹ, về cách chăm sóc của mẹ đã khiến một gia đình nhỏ ở bên bờ vực. Vì sao phải hai người con ở chung một nhà để hai chàng rể khó chịu. Cuối cùng, chuyện mất tự nhiên ấy vỡ ra như một bài học và khi mẹ thấy thì tiền bạc dành dụm tuổi già của bố mẹ đi tong. Hai người kia phải tự thấy và họ tự hàn gắn, điều chỉnh, thu xếp. Mẹ cứ làm thay mãi thì sẽ ra sao, như anh và con đây, các con đã tự mình làm ra hạnh phúc của mình đây thôi. Cháu nói hết đi rồi tùy mẹ. Cô nghĩ, mẹ cháu sẽ không nghe, nhưng là người thân của nhau thì phải nói hết để mẹ biết các cháu nghĩ gì, yêu cầu gì. Rồi mẹ sẽ phải giật mình, mẹ sẽ phải cẩn trọng với các con của mình.

Nhưng không nên vì việc này mà làm mất bát nước đầy mà mẹ đã giữ gìn mãi với nhà cô út của mẹ. Tiền mất tiền sẽ còn, tình mất tình sẽ ra đi, cháu nhé.

DẠ HƯƠNG

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/tien-mat-tien-se-con-tinh-mat-tinh-se-ra-di-chau-nhe-post227441.html