Tiền Phong bình chọn 10 sự kiện trong nước tiêu biểu 2018

Tổng Bí thư được bầu làm Chủ tịch nước; Ðội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2018; Du lịch đón hơn 15 triệu khách quốc tế; Tiêu cực trong thi cử chưa từng có; Xét xử, điều tra nhiều đại án chấn động dư luận... là những sự kiện tiêu biểu năm 2018 do Báo Tiền Phong bình chọn

1. Tổng Bí thư được bầu làm Chủ tịch nước

Hội nghị BCH T.Ư Đảng lần thứ 8 khóa XII diễn ra đầu tháng 10/2018, thống nhất rất cao (100% đại biểu có mặt) giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước. Ngày 23/10, tại kỳ họp thứ 6 QH khóa 14, có 99,79% ĐBQH bỏ phiếu bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch nước.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ nhậm chức. Ảnh: Như Ý

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ nhậm chức. Ảnh: Như Ý

Tại lễ tuyên thệ nhậm chức, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, nỗ lực làm hết sức mình, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng chia sẻ tâm trạng: “Vừa mừng, vừa lo. Mừng là vì được Quốc hội, được nhân dân tin cậy, yêu mến giao nhiệm vụ. Lo là làm thế nào để hoàn thành được thật tốt trách nhiệm của mình”. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước bày tỏ mong muốn được các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các vị ĐBQH, cử tri và đồng bào cảm thông, chia sẻ, hết lòng giúp đỡ, tạo điều kiện…, giúp ông hoàn thành nhiệm vụ được giao.

2. Tăng trưởng kinh tế cao nhất 10 năm qua

Đây là thông tin được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cuối kỳ 2018 (VBF 2018).

Xét về quy mô nền kinh tế, con số ước đạt là 5,5 triệu tỷ đồng (khoảng 240 tỷ USD). Tổng kim ngạch thương mại Việt Nam hiện tương đương 200% quy mô nền kinh tế, thu hút vốn FDI đạt hơn 30 tỷ USD. Với dữ liệu này, mức tăng trưởng năm nay vượt mục tiêu đề ra là 6,7%. Lạm phát được kiểm soát tốt dưới 4%. Chất lượng tăng trưởng có sự cải thiện so với các năm trước, tăng trưởng theo chiều sâu. Cùng đó, tỷ giá VND/USD và lãi suất tiền đồng đã có một năm tương đối ổn định, nhiều doanh nghiệp hồi sinh trở lại.

Trước kết quả kinh tế khả quan của Việt Nam, nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có Ngân hàng Thế giới (WB) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam lên 6,8%, so với mức 6,5% hồi đầu năm.

Năm 2018 cũng là một năm xuất siêu lập kỷ lục. Tính chung, Việt Nam xuất siêu hơn 7,4 tỷ USD, gấp 2,5 lần số liệu xuất siêu 2,92 tỷ USD năm 2017 và cao nhất trong 10 năm qua. Dự báo, xuất siêu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong tháng 12, đưa kết quả cả năm có thể tiến sát mốc hai con số.

3. “Lò” chống tham nhũng, tiêu cực rực lửa

Năm 2018, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tự diễn biến, tự chuyển hóa tiếp tục được Đảng triển khai một cách quyết liệt có hiệu quả. Điều đó được thể hiện rõ nét qua phát biểu của Tổng Bí thư: “Nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm. Đây là kinh nghiệm lớn, thực tế vừa qua như vậy, mặt được là như vậy, bây giờ tạo phong trào toàn dân tham gia xây dựng Đảng, tham gia phòng, chống tham nhũng, chống lãng phí, chống tiêu cực”.

Trong năm 2018, thông qua công tác kiểm tra, giám sát, Đảng đã quyết định cách chức, xử lý kỷ luật đối với hàng loạt các cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Mới đây nhất, ông Tất Thành Cang vừa bị cách chức Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; cách chức Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM nhiệm kỳ 2015 - 2020; cách chức Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM nhiệm kỳ 2015 - 2020. Trước đó, là các trường hợp như bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư tỉnh ủy Đồng Nai; ông Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk; ông Trần Bắc Hà (BIDV)… Riêng vụ Mobifone mua AVG, Đảng cũng đã kỷ luật hàng loạt các cán bộ có liên quan như ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Mạnh Hà, Bùi Quang Vinh… Ngoài ra, trong năm 2018, hàng loạt các tướng lĩnh quân đội, công an cũng đã bị các cơ quan của Đảng kỷ luật vì có vi phạm. Nhiều tướng công an vướng vòng lao lý hoặc tố tụng như Nguyễn Thanh Hóa, Phan Văn Vĩnh, Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân.

4. Ðại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ 10 và Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ nhất

Đại hội đại biểu Hội Sinh viên Việt Nam toàn quốc lần thứ X là Đại hội của đoàn kết, năng động, sáng tạo và đổi mới. Ảnh: Như ý

Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ 10 là sự kiện chính trị quan trọng của sinh viên Việt Nam, đánh dấu bước phát triển mới của tổ chức Hội và phong trào sinh viên trong thời đại 4.0. Đại hội diễn ra từ ngày 9 - 11/12, tại Thủ đô Hà Nội, với sự tham dự của 690 đại biểu đại diện cho gần 1,4 triệu hội viên sinh viên và hơn 2,4 triệu sinh viên Việt Nam trong và ngoài nước. Đại hội quyết định triển khai 1 phong trào “Sinh viên 5 tốt” và 2 chương trình gồm: Chương trình tư vấn, hỗ trợ sinh viên; Chương trình xây dựng Hội Sinh viên Việt Nam vững mạnh; đề ra 11 chỉ tiêu trọng tâm, trong đó có chỉ tiêu hội viên, sinh viên đề xuất ít nhất 1,5 triệu ý tưởng, sáng kiến trong 5 năm nhằm phát huy tiềm năng sáng tạo của sinh viên trong kỷ nguyên 4.0.

Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ nhất được T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức với chủ đề “Phát huy sức mạnh trí thức trẻ Việt Nam trong kỷ nguyên 4.0”. Diễn đàn diễn ra từ ngày 27-29/11 tại TP Đà Nẵng với sự tham dự của hơn 200 trí thức trẻ Việt đang sinh sống và làm việc ở 21 quốc gia, thuộc 52 chuyên ngành. Diễn đàn tạo kênh kết nối và tạo diễn đàn để trí thức trẻ đang sinh sống ở nước ngoài và các trí thức trẻ trong nước thảo luận về tầm nhìn, sứ mệnh, vai trò và khả năng đóng góp của đội ngũ trí thức trẻ người Việt trong công cuộc kiến thiết và phát triển đất nước, thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng của Việt Nam với khu vực và toàn cầu.

5. Ðội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2018

Đội tuyển Việt Nam ăn mừng chiến thắng trên sân vận động Mỹ Đình tối ngày 15/12. Ảnh: Như Ý

Sau 10 năm chờ đợi, bóng đá Việt Nam lần thứ 2 lên ngôi vương ở giải đấu cấp khu vực: AFF cup 2018. Khác với lần đầu vô địch năm 2008 được xem là có phần may mắn, thầy trò HLV Park Hang Seo đã thẳng tiến đến danh hiệu vô địch bằng những bước đi vững chắc và cực kỳ ấn tượng: Là đội bóng duy nhất không thua trận nào trong cả giải; giữ sạch lưới ở vòng bảng; để thủng lưới ít nhất với 4 bàn qua các trận bán kết và chung kết đều theo thể thức lượt đi lượt về.

Kết thúc giải đấu, ngoài danh hiệu vô địch, đội tuyển Việt Nam cũng giành được những danh hiệu cá nhân danh giá: Cầu thủ xuất sắc nhất giải của Quang Hải do BTC AFF cup trao tặng; HLV xuất sắc nhất giải cho HLV Park Hang Seo; 5 cầu thủ góp mặt trong đội hình xuất sắc nhất giải và 2 bàn thắng của Anh Đức, Văn Đức nằm trong danh sách bình chọn của FoxSport Asia.

Trước đó, đội U23 Việt Nam cũng lập kỳ tích đoạt Huy chương Bạc giải vô địch U23 châu Á; Đội tuyển Olympic lần đầu tiên lọt vào Top 4 Á vận hội. Thành tích của Đội tuyển quốc gia, Đội tuyển Olympic và đội U23 đã tạo nên niềm vui, niềm hứng khởi rất lớn cho nhân dân cả nước.

6. Tiêu cực trong thi cử chưa từng có

Trong lịch sử ngành giáo dục Việt Nam, có lẽ chưa bao giờ có vụ án tiêu cực lớn như mùa thi 2018. Từ một số bất thường trong điểm thi THPT QG, nhiều học sinh có điểm thi thử thấp nhưng thi chính thức lại đạt điểm rất cao khiến dư luận đặt nghi vấn về điểm thi liệu có thực chất ở một số tỉnh, thành phía Bắc. Bộ GD&ĐT, Bộ Công an vào cuộc. Kết quả, đã có hàng trăm bài thi có can thiệp điểm số được phát hiện ở Hà Giang và Sơn La. Nhiều bài thi trắc nghiệm ở Sơn La và Hòa Bình có dấu hiệu bị tẩy xóa nhưng không khôi phục được bài gốc. Một số thí sinh có tổng điểm được tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với trước đó.

Bộ GD&ĐT cho biết, liên quan đến sai phạm thi cử tại kỳ thi THPT Quốc gia 2018, số cán bộ giáo dục, nhà giáo đã bị xử lý kỷ luật, bắt giam là 11 (trong đó: Hà Giang 2; Sơn La 6; Hòa Bình 3). Số thí sinh đã bị xử lý là 151 trường hợp (trong đó: Hà Giang 114; Sơn La 29 và Lạng Sơn 8).

7. Du lịch đón hơn 15 triệu khách quốc tế

Vợ chồng ông James Kopecnec là vị khách quốc tế thứ 15 triệu đến Việt Nam.Ảnh: Việt Linh

Năm 2018 có thể xem là năm thành công của ngành du lịch Việt Nam: Đón khoảng 15,5 triệu khách quốc tế và khoảng 80 triệu lượt khách nội địa. Dù so với tiềm năng con số này chưa quá lớn, nhưng điều đó chứng tỏ sự bứt phá của du lịch trong điều kiện con nhà khó. Năm 2005, Việt Nam mới đón 3 triệu khách quốc tế, mất 5 năm để vượt con số 5 triệu. Tuy nhiên chỉ từ 2010-2018, lượng khách quốc tế đã tăng gấp ba lần, làm tiền đề để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ngoài lượng khách quốc tế, năm qua ngành du lịch gặt hái nhiều giải thưởng quốc tế: Lần đầu tiên được giải Điểm đến du lịch hàng đầu khu vực châu Á của World Travel Awards, giải Điểm đến golf hàng đầu châu Á do Golf World Travel Awards trao tặng.

8. Xét xử, điều tra nhiều đại án chấn động dư luận

Năm 2018 qua đi với một loạt “đại án” chấn động dư luận đã được các cơ quan tố tụng khởi tố điều tra, truy tố, xét xử. Nổi bật trong số đó phải kể đến vụ án liên quan đến các nhân vật như: Đinh La Thăng, Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”), Đinh Ngọc Hệ (tức “Út trọc”), Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa, Trầm Bê, Trần Bắc Hà, Lê Nam Trà…

Các cơ quan chức năng đã làm rõ nhiều sai phạm nghiêm trọng của ông Đinh La Thăng trong thời gian giữ chức vụ Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Theo đó, từ Ủy viên Bộ Chính trị, ông Thăng đã bị kỷ luật, khai trừ Đảng rồi sau đó bị tuyên mức án 30 năm tù giam và phải bồi thường hơn 600 tỷ đồng.

Hai cựu tướng công an Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa trong ngày đưa ra xét xử vụ án đánh bạc nghìn tỷ xuyên quốc gia vào sáng ngày 12/11/2018 Ảnh: Như Ý

Tiếp theo là vụ Vũ “nhôm” và cú ngã ngựa của hàng loạt quan chức. Quá trình điều tra mở rộng, CQĐT - Bộ Công an đã “lôi” ra ánh sáng hàng loạt quan chức của TP Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh. Hai vị tướng công an có liên quan đến Vũ “nhôm” là Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân đã bị giáng cấp hàm, cách chức, xóa tư cách Thứ trưởng và bị khởi tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Trong số những vụ án nổi cộm năm 2018 không thể không nhắc đến đường dây đánh bạc nghìn tỷ có sự “bảo kê” của Trung tướng Phan Văn Vĩnh, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát và Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao. Năm 2018 cũng là năm có nhiều biến động trong giới tài chính ngân hàng với việc một loạt sếp lớn của các ngân hàng Đông Á, Phương Nam, BIDV bị khởi tố, bắt giam và đưa ra xét xử. Một trong những cái tên đáng chú ý nhất là cựu Chủ tịch BIDV - Trần Bắc Hà đã bị khởi tố, bắt giam vào ngày 29/11 vừa qua.

Vụ Mobifone - AVG mặc dù đã “dứt duyên” với việc khắc phục hậu quả tài chính và khép lại thương vụ mua bán nghìn tỷ, song hậu quả của những hành vi sai phạm khi triển khai dự án vẫn chưa dứt với những diễn biến trong quá trình điều tra. Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp - Bộ TT&TT cùng nhiều nguyên lãnh đạo Mobifone đã bị khởi tố, bắt giam để điều tra. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ra quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Trương Minh Tuấn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT do có vi phạm, khuyết điểm và Bộ Chính trị đã thi hành kỷ luật về Đảng. Cựu Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cũng bị Thủ tướng ra quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT nhiệm kỳ 2011-2016.

9. Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN

Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018 diễn ra từ 11-13/9 tại Hà Nội, do Việt Nam tổ chức với sự tham dự của lãnh đạo các nền kinh tế thế giới và gần 1.000 đại biểu đến từ các Tập đoàn đa quốc gia. WEF ASEAN 2018 được đánh giá là hội nghị thành công nhất trong 27 năm tổ chức hội nghị tại khu vực.

Đánh giá về kết quả hội nghị, giáo sư Klaus Schwab - người sáng lập và Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), cho rằng hội nghị đã thành công không chỉ về mặt nội dung mà còn cả công tác tổ chức với không chỉ hàng nghìn người trên hội trường theo dõi mà nhờ công nghệ 4.0 đã tương tác 90.000 người theo dõi trực tiếp. Giáo sư Klaus Schwab cho biết, theo thống kê của WEF, đã có khoảng 7.800 tin bài nói về hội nghị WEF ASEAN 2018 được phát trên các mạng chính thống toàn cầu; trong đó có gần 3.000 bài nói về lãnh đạo Việt Nam. Ngoài ra, khoảng 6,7 triệu người theo dõi trên mạng Facebook và Twitter; 13.000 góp ý, bình luận về sự kiện này. Trên mạng LinkedIn, gần 33.500 người theo dõi và bình luận. Hội nghị WEF tại Việt Nam có số lượng tin bài gấp bốn lần so hội nghị WEF tại một số nước trong khu vực. Giáo sư Klaus Schwab đánh giá, Hội nghị WEF ASEAN 2018 tại Việt Nam là Hội nghị khu vực thành công nhất của WEF. “Chúng tôi tự hào về thành công này”, giáo sư Klaus Schwab nói.

WEF ASEAN thành công trên mọi phương diện đã đưa Việt Nam trở thành tâm điểm chú ý của khu vực và thế giới.

10. Giải quyết oan sai nghiêm trọng ở Thủ Thiêm

Dù chưa đáp ứng nguyện vọng của hầu hết người dân, thông báo 1483/TB-TTCP ngày 4/9/2018 của Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều sai phạm trong quá trình thực hiện dự án và nhiều người dân đã bị cưỡng chế giải tỏa oan sai. Từ kết luận này, chính quyền TPHCM đã chính thức xin lỗi dân, tiến hành xử lý các đơn vị cá nhân liên quan, đồng thời tổ chức nhiều buổi đối thoại để xin ý kiến người dân về các chính sách giải quyết oan sai. Trước mắt, người dân được bố trí sinh sống trong các căn hộ đủ tiện nghi sinh hoạt để đảm bảo cuộc sống và đỡ bức bối hơn trong thời gian chờ giải quyết khiếu nại.

Tiền Phong

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/tien-phong-binh-chon-10-su-kien-trong-nuoc-tieu-bieu-2018-1361328.tpo