Tiên phong 'đưa vườn ra ruộng'

Hơn năm qua, vườn cây ăn quả của chị Hồ Thị Lộc (trú tại thôn Đông Gia, xã Đại Minh) là điểm tham quan, học tập kinh nghiệm của nhiều cán bộ, nông dân, du khách trong và ngoài huyện Đại Lộc (Quảng Nam).

Chị Lộc bên gốc ổi lê đang ra trái.

Đây là hướng đi mới trong việc tăng giá trị, năng suất cây trồng trên vùng đất lúa bạc màu kém hiệu quả.

Đột phá ý tưởng

Chúng tôi rất ấn tượng và ngỡ ngàng, không tin vào mắt mình khi đến thăm “vườn cây ăn quả miền Nam” rộng 5ha, đang xanh tốt mỡ màng, hoa trái sum súc, được thiết kế, bài trí giống như một khu vườn ở Nam Bộ.

Tiếp chúng bên vườn ổi bao la đầy ắp trái, chị Lộc cho hay, trước đây, chị cũng là người dân nông thôn thuần túy. Cách đây 10 năm, chồng chị mắc căn bệnh hiểm nghèo, bản thân chị làm lúa không đủ nuôi chồng bệnh và ba con ăn học. Chị phải tranh thủ lúc nông nhàn buôn bán thêm để chi tiêu trong gia đình.

Trong một lần mua trái cây tại các trang trại ở Đồng Nai, chị thấy những vườn cây trái sum suê, chị suy nghĩ là tại sao mình không trồng cây ăn quả tại đồng đất quê mình mà bôn ba buôn bán chi cho cực cái thân.

Nghĩ là làm, năm 2017, chị trở về địa phương, thuê đất lúa 5% của địa phương; được sự góp vốn của người anh là Hồ Đình Hải, hỗ trợ kỹ thuật của người bạn là anh Nguyễn Tổng (quê ở Đồng Nai). Từ đó, chị bắt đầu cải tạo đất ruộng đã thuê bằng cách đào mương tưới tiêu, lên luống trồng các giống cây ăn quả miền Nam, trồng thêm các loại rau quả sạch như bầu, bí, khổ qua, dưa leo, xà lách, cải, các loại hoa... để lấy ngắn nuôi dài.

Từ kiến thức, kinh nghiệm miệt vườn của anh Nguyễn Tổng, chị Lộc mua hơn 5.000 gốc cây ăn quả đủ loại như ổi lê, chôm chôm, xoài, dừa, mãng cầu xiêm, mãng cầu na, mận, bưởi da xanh, mít, bưởi Năm Roi... miền Nam về trồng khi “xuống giống” cây trồng nơi đây, nhiều người cho rằng đầu óc chị Lộc có “vấn đề”.

Tranh thủ khi cây chưa khép tán, chị trồng xen bí đao, chanh, dưa leo, dưa gang, khổ qua… và thu về hàng tấn quả; cùng với đó kết hợp thả cá, chăn nuôi, thả sen vào ao và các mương rạch. Tuy nhiên, bước đầu, một số hoa màu bị “thất bát” do giông lốc tàn phá, mưa lũ ngập úng. “Ngậm đắng nuốt cay” nhưng chị vẫn không nản chí và như chị nói, “lỡ theo lao” nên tiếp tục vay mượn trồng những lứa tiếp theo.

Phát triển du lịch sinh thái

Về tiêu thụ nông sản, chị Lộc cho hay, đầu ra của sản phẩm khá thuận lợi nhờ có sẵn mối quen và tranh thủ các kênh bán hàng online, ship hàng tới tận nơi theo yêu cầu của khách. Giờ đây, trang trại của chị như một vườn cây trái Nam Bộ thu nhỏ với hàng chục loại cây ăn quả, rau củ sạch, là nguồn cung cấp cây giống cho nông dân địa phương.

Tuy nhiên, chị Lộc trăn trở là đang thiếu vốn đầu tư. Lâu nay chị không thể tiếp cận được nguồn vốn vay dù rất cố gắng và muốn có vốn để mở rộng trang trại.

Hướng tiếp theo của chị là làm du lịch sinh thái tại khu vườn nhà mình, vừa tạo điểm nghỉ mát, vừa phục vụ trái cây, rau và thịt, cá…

Anh Tổng kiểm tra quá trình sinh trưởng của chanh hoa tím.

Anh Tổng cho hay, trồng cây trên đất ruộng mềm xốp, có độ ẩm cao nên cây phát triển tốt, năng suất cao, chất lượng trái đảm bảo. Trang trại áp dụng quy trình sản xuất nông sản sạch nên chỉ sử dụng phân hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hay phân bón hóa học nên được nhiều cá nhân, tổ chức đến tham quan, chia sẻ kinh nghiệm.

Nhóm của chị sẵn sàng giúp đỡ, tư vấn cho những ai muốn chuyển đổi phương thức trồng trọt trên đồng ruộng, đồng thời cam kết cung cấp giống cây trồng chất lượng. Hiện trang trại đang áp dụng hệ thống tưới tiêu tự động; tạo việc làm cho gần 10 chị em tại địa phương với thù lao 3-4 triệu đồng/người/tháng.

“Bình quân mỗi tháng, thu nhập từ các loại cây ổi, chanh từ vườn nhà mình đạt khoảng 20-30 triệu đồng. Những cây còn lại đang thời kỳ cho quả. Còn rau củ mình xuất bán mỗi ngày, sản phẩm được nhiều siêu thị, chợ ở địa bàn Quảng Nam, TP. Đà Nẵng đặt hàng”, chị Lộc cho biết.

Ông Phan Năm, Chủ tịch UBND xã Đại Minh, cho hay, mô hình của chị Lộc là mô hình tiên phong trong việc “đưa vườn ra ruộng”, chuyển đổi cây trồng từ lúa sang cây ăn quả. Địa phương đã tạo điều kiện cho chị thuê đất, sắp tới sẽ tạo điều kiện cho chị về các thủ tục nếu có các nguồn vốn vay. Xã khuyến khích nông dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, đưa vườn ra đồng như chị Lộc, để tăng giá trị của vùng đất lúa bạc màu.

Tiên Sa

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/tien-phong-dua-vuon-ra-ruong-post28130.html