Tiên phong trong chuyển đổi số phục vụ nhân dân

Hiện nay, ở Quảng Bình nhiều thủ tục hành chính đã được thực hiện nhanh, gọn, hiệu quả nhờ chuyển đổi số. Để đạt được kết quả đó, Công an tỉnh Quảng Bình đã đồng hành cùng với các cấp, các ngành trong thực hiện chuyển đổi số với nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng chính quyền số, Chính phủ điện tử. Với nhiều cách làm sáng tạo, thiết thực và hiệu quả, Công an tỉnh Quảng Bình đang tiên phong trong chuyển đổi số để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.

Phát huy trách nhiệm, gương mẫu người đứng đầu

Trong thời gian qua, tỉnh Quảng Bình đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc phối hợp để thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử (Đề án 06) và phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025 theo Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Quảng Bình đến các địa bàn dân cư hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện chuyển đổi số.

Ngay từ khi triển khai Đề án 06, Công an tỉnh Quảng Bình đã gắn trách nhiệm, gương mẫu người đứng đầu với kết quả thực hiện chuyển đổi số và triển khai Đề án 06. Từ đó, đã đạt được nhiều hiệu quả trong ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa hồ sơ, tài liệu trên các lĩnh vực công tác Công an, góp phần cải cách thủ tục hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Để đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyển đổi số, từ năm 2021 đến nay, Công an tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo, triển khai các mặt công tác để phục vụ công tác chuyển đổi số như: thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số và xây dựng kế hoạch chuyển đổi số của Công an tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin; từng bước được nâng cấp, hoàn thiện nguồn nhân lực phục vụ phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Công an tỉnh Quảng Bình bổ sung, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ đảm bảo thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ được giao; tập trung làm tốt cả 2 vai trò là tham mưu và tiên phong, gương mẫu, đi đầu trong triển khai thực hiện Đề án 06.

Hiện nay, Công an tỉnh Quảng Bình từ tỉnh đến cơ sở đang thực hiện quyết liệt, thần tốc các biện pháp, giải pháp và lộ trình nhiệm vụ của Đề án 06 trên địa bàn. Công an tỉnh Quảng Bình triển khai chương trình “Một tuần làm Công an xã”, huy động toàn lực lượng tăng cường về các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện chuyển đổi số phục vụ nhân dân. Công an Quảng Bình thực hiện 100% dịch vụ công trực tuyến trên 25 dịch vụ thiết yếu của đề án. Tham mưu UBND tỉnh Quảng Bình ban hành kế hoạch và tổ chức cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu về đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh”. Xây dựng 35 mô hình điểm, như: Dịch vụ công thiết yếu; xây dựng tối thiểu 20 dịch vụ công không sử dụng giấy tờ; triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên VNeID…

Để đạt được những kết quả cao trong việc thực hiện chuyển đổi số, lực lượng Công an Quảng Bình đã xác định “Việc thực hiện Đề án 06 là trách nhiệm chính trị, trách nhiệm pháp lý, mệnh lệnh công tác của lực lượng vũ trang, là danh dự của lực lượng CAND”. Với tinh thần trách nhiệm, sự cống hiến, sáng tạo, có những thời điểm lực lượng Công an tỉnh Quảng Bình đã làm việc không kể ngày đêm, kể cả ngày lễ, Tết để hoàn thành chủ trương lớn của Chính phủ về thực hiện Đề án 06 và chuyển đổi số. Ban Giám đốc Công an Quảng Bình đã chỉ đạo kịp thời, toàn diện, sâu sát; ý thức vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu Công an các cấp; triển khai thực hiện và hoàn thành kế hoạch bằng chính sự hài lòng của người dân. Công an tỉnh Quảng Bình với vai trò cơ quan thường trực Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh, đã chủ động tham mưu ban hành nhiều văn bản để hướng dẫn, đôn đốc các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án trên địa bàn tỉnh, tạo điểm nhấn trong chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Những việc làm thiết thực hướng đến người dân

Công an tỉnh Quảng Bình xếp thứ 9 toàn quốc về hoàn thành các chỉ tiêu làm sạch Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Quảng Bình là địa phương hoàn thành việc cấp căn cước công dân gắn chip cho 100% công dân đủ điều kiện trước 50 ngày so với thời gian quy định Bộ Công an đưa ra, đồng thời là tỉnh hoàn thành 100% chỉ tiêu đăng ký kích hoạt tài khoản định danh điện tử.

Tiếp tục xác định việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số là khâu đột phá, quan trọng, hỗ trợ công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu suất, hiệu quả các mặt công tác của lực lượng Công an. Ngay từ đầu năm 2024, Đảng ủy Công an tỉnh Quảng Bình đã ban hành Chỉ thị số 01-CT/ĐUCA ngày 28/1/2024 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm chuyển đổi số của Công an tỉnh Quảng Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Thực hiện tốt chủ đề năm 2024 mà Bộ Công an đưa ra; ngành Công an bắt đầu chuyển đổi trạng thái từ môi trường làm việc truyền thống sang môi trường làm việc điện tử. Để triển khai thực hiện hiệu quả chủ đề năm 2024, Công an Quảng Bình đang tập trung đảm bảo nguồn nhân lực thực hiện chuyển đổi số, ưu tiên bố trí cán bộ có trình độ chuyên môn về điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin tại Công an các đơn vị, địa phương; nâng cao hiệu quả, tăng cường giải quyết các thủ tục hành chính thông qua dịch vụ công trực tuyến đảm bảo liên thông, thông suốt đến cấp xã; bảo đảm tuyệt đối an toàn thông tin, an ninh mạng các hệ thống thông tin của ngành Công an; triển khai các giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trong ngành Công an.

Theo Thượng tá Phạm Thanh Hoàng - Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Quảng Bình: Để công tác cải cách hành chính trong việc thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu quả cao, ngay từ đầu năm, đơn vị tổ chức ký cam kết và đăng ký thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính đối với tất cả cán bộ, chiến sĩ; từng đội nghiệp vụ thực hiện đăng ký, cam kết thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính trong năm với ít nhất 2 nhiệm vụ mỗi đội và nhiệm vụ phải mang tính đột phá, thực tế. Thủ trưởng đơn vị cũng đã đăng ký 2 nhiệm vụ cải cách hành chính mang tính đột phá, sáng kiến và chịu trách nhiệm là người đứng đầu trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác. Trong thời gian ngắn, với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Quảng Bình đã chủ động tham mưu ban hành nhiều văn bản để hướng dẫn, đôn đốc các sở, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06 trên địa bàn tỉnh; tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các nhiệm vụ của Đề án; hướng dẫn Công an các huyện, thị xã, thành phố kịp thời tham mưu, triển khai thực hiện tại địa bàn cấp huyện, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp giải quyết các thủ tục hành chính liên quan.

Đại tá Hoàng Khắc Lương - Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình cho biết: Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số trong Công an tỉnh Quảng Bình năm 2024, Công an tỉnh Quảng Bình đã đưa ra 9 nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể: đẩy mạnh triển khai thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2021-2030 trong Công an tỉnh Quảng Bình; cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy; cải cách chế độ công vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ; cải cách tài chính công; hiện đại hóa nền hành chính; công tác thông tin, tuyên truyền về cải cách hành chính; công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính. Trong đó, kế hoạch xác định cụ thể sản phẩm; đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp, thời gian hoàn thành đối với từng nhiệm vụ.

Dương Sông Lam

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/tien-phong-trong-chuyen-doi-so-phuc-vu-nhan-dan-i729324/