Tiên Phước vượt khó giảm nghèo

Vượt qua những khó khăn thách thức, huyện Tiên Phước (Quảng Nam) không ngừng hỗ trợ người dân sinh kế, khuyến khích tham gia HTX, từ đó tạo động lực nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững.

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Tiên Phước đã gặt hái được nhiều trái ngọt trong giảm nghèo. Thống kê đến cuối năm 2022, tổng số hộ dân trên địa bàn huyện là 19.051 hộ thì tổng số hộ nghèo chỉ còn 726, chiếm 3,81% và giảm 51 hộ so với năm 2021. Tổng số hộ cận nghèo của huyện là 392 hộ, chiếm 2,06%, giảm 26 hộ so với năm 2021. Huyện Tiên Phước phấn đấu đến cuối năm 2023 sẽ giảm ít nhất 55 hộ nghèo (tỷ lệ 0,29%) và 13 hộ cận nghèo (tỷ lệ 0,07%).

Nâng thu nhập từ cây chủ lực

Để đạt được những mục tiêu đã đề ra trong quá trình giảm nghèo, ông Nguyễn Hùng Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, cho rằng huyện đã chú trọng việc phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, thành lập các tổ hợp tác, HTX từ đó mang lại dấu ấn trong phát triển kinh tế xã hội. Trong đó, xuất hiện một số mô hình khá ấn tượng, giúp hộ dân, thành viên có thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm.

Tiêu biểu như mô hình trồng cây măng cụt theo hướng hàng hóa tại xã Tiên Mỹ. Thời gian đầu, xã chỉ có 27ha măng cụt, đến nay đã phát triển lên gần 100ha. Xã phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện thường xuyên tổ chức tập huấn hướng dẫn nông dân về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây măng cụt. Đồng thời hướng dẫn và hỗ trợ người dân, HTX tham gia các hội chợ, khu trưng bày để quảng bá giới thiệu sản phẩm măng cụt đến người tiêu dùng, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.

Theo tính toán, mỗi cây măng cụt có thể cho thu nhập ít nhất từ 1 triệu đồng/vụ. Trong khi mỗi hộ gia đình cũng trồng đến hàng chục cây, cho thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm. Chủ tịch UBND xã Tiên Mỹ, ông Võ Kim Chung, cho biết hiện nay toàn xã có khoảng 700 hộ trồng măng cụt với 6.500 cây đã ra trái, sản lượng bình quân khoảng 20 tấn/năm.

Không riêng xã Tiên Mỹ, toàn huyện Tiên Phước hiện đã trồng được 500ha măng cụt. Mỗi ha cho sản lượng 5-10 tấn quả. Chỉ cần bán với giá 100-120 nghìn đồng/kg, mỗi ha cho nguồn thu khoảng trên 300-500 triệu đồng/vụ. Thống kê từ ngành nông nghiệp huyện cho thấy, cây măng cụt đang cho giá trị kinh tế cao khi mang về nguồn thu khoảng 30 tỷ đồng/năm.

Hiện, huyện đã có HTX nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Tiên Phong (xã Tiên Phong) đứng ra hỗ trợ người dân phát triển sản xuất măng cụt theo hướng hàng hóa. HTX cũng đầu tư sơ chế măng cụt tươi đóng gói, cấp đông để cung cấp cho thị trường.

Măng cụt đang là cây trồng chủ chủ lực của huyện Tiên Phước.

Hiện, măng cụt là một trong những cây trồng chủ lực của huyện, do đó Tiên Phước tiếp tục hỗ trợ người dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang phát triển cây măng cụt, từ đó hình thành vùng sản xuất tập trung gắn với liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Đồng thời, huyện chú trọng mở các lớp tập huấn chuyển giao về kỹ thuật trồng, chăm sóc, phát triển cây măng cụt để tiếp tục nâng cao thu nhập cho người dân.

Cùng với măng cụt, huyện Tiên Phước còn đang phát triển mạnh các cây tiêu, sầu riêng, lòn bon, cau, cây ăn quả. Giá trị kinh tế vườn, trang trại tăng bình quân 60 triệu/ha (năm 2015) lên khoảng 130 triệu/ha (năm 2022). Từ đây nhiều HTX cũng được thành lập, tham gia tích cực vào tạo việc làm, nâng cao thu nhập cũng như xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp nông thôn trên địa bàn huyện.

Trợ lực giảm nghèo từ HTX

Đặc biệt, nhiều HTX đang đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế vườn, trang trại, hỗ trợ người dân tạo sinh kế và giảm nghèo bền vững. Tiêu biểu như HTX Nông lâm nghiệp Chăn nuôi công nghệ cao Tiên Phước (xã Tiên Phong) đã tham gia Dự án “Liên kết chăn nuôi bò nái lai sinh sản và tiêu thụ sản phẩm bò thịt” tại địa phương.

Theo đó các hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo trên địa bàn xã được HTX hỗ trợ 25 con bò, mỗi hộ được nhận một con bò nái lai sinh sản chất lượng cao, giá trị trên 17,5 triệu đồng (trong đó hộ chăn nuôi đối ứng 10%).

Trước khi giao bò cho các hộ dân, HTX Tiên Phước đã tiến hành tiêm ngừa đầy đủ vắc xin phòng bệnh, tổ chức các lớp hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ môi trường. HTX cũng đồng hành với người dân trong nhân rộng mô hình hoặc tìm kiếm đầu ra, liên kết với doanh nghiệp. Chính vì vậy mà 100% hộ dân tham gia mô hình này đều cam kết chăm sóc bò giống thật tốt để thoát nghèo.

Hay tại HTX QNA Farm (xã Tiên Ngọc) những năm gần đây đã tích cực cùng chính quyền địa phương hỗ trợ người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo tham gia mô hình trồng nghệ làm dược liệu. HTX cũng đứng ra hỗ trợ người dân về giống, cấp phân, hỗ trợ kỹ thuật trồng và cam kết bao tiêu đầu ra để nông dân mạnh dạn sản xuất.

Vì vậy mà trên địa bàn xã Tiên Ngọc hiện đã phát triển được 20ha nghệ trắng, giúp người dân nâng cao thu nhập. Với định hướng đẩy mạnh chế biến, đa dạng sản phẩm, HTX QNA Farm đang hỗ trợ người dân trồng xen canh giữa nghệ và chuối để tăng nguồn thu.

Ông Nguyễn Hùng Anh, cho biết không ít mô hình kinh tế tập thể, HTX đang từng bước trở thành nhân tố tích cực đem lại giá trị kinh tế cao, hỗ trợ người dân chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, từ đó tăng thu nhập cho thành viên người lao động, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo bền vững.

Chính vì vậy mà từ năm 2018 đến nay, toàn huyện thành lập mới 43 HTX, nâng tổng số HTX trên địa bàn lên 65. Trong đó có 54 HTX nông - lâm nghiệp, 5 HTX tiểu thủ công nghiệp, 3 HTX xây dựng, 3 HTX thương mại với tổng số 679 thành viên.

Trước sự đón nhận của người dân với mô hình HTX, huyện Tiên Phước đang tranh thủ các chương trình, dự án, đề án của cấp trên để hỗ trợ người dân, HTX đầu tư phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, trong đó tập trung mở rộng diện tích trồng măng cụt, hồ tiêu, sầu riêng...

Với vai trò là chủ các chuỗi liên kết, HTX đang giúp nhiều người dân, nhất là những hộ nghèo, cận nghèo được tiếp xúc với cơ chế, chính sách, từ đó tạo động lực lớn cho người dân sản xuất kinh doanh và giảm nghèo.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Phát phát triển kinh tế, chú trọng vai trò của HTX, huyện Tiên Phước còn phát huy sức mạnh đoàn kết để hỗ trợ người dân giảm nghèo. Huyện đã vận động các tổ chức, cá nhân xây dựng nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo. Mặt trận Tổ quốc huyện cũng đã tiếp nhận nguồn ủng hộ từ các mạnh thường quân để trao tặng quà, tiền hỗ trợ và trao sinh kế cho người nghèo.

Gia đình anh Nguyễn Thanh Toàn (ở xã Tiên Thọ) vừa hoàn thành ngôi nhà mới kiên cố, khang trang. Vốn thuộc hộ nghèo nhưng nhờ được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ, cùng với số tiền đền bù giải phóng mặt bằng, gia đình anh đã xây mới được căn nhà mơ ước. Vợ anh cũng được hỗ trợ vào làm công nhân tại một công ty may ở địa phương. Anh ở nhà làm kinh tế nông nghiệp nên cuộc sống đỡ vất vả hơn.

Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, chỉ riêng năm 2022, Mặt trận Tổ quốc huyện Tiên Phước đã giúp đỡ 200 hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo. Qua đó, khơi dậy truyền thống “tương thân, tương ái” của dân tộc, hỗ trợ mục tiêu giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Để tiếp tục giúp người dân nâng cao đời sống, UBND huyện Tiên Phước xác định đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa trên cơ sở khai thác lợi thế địa phương.

Huyện cũng tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ người dân, HTX phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thân thiện môi trường để làm tiền đề phát triển du lịch sinh thái, từ đó vừa gia tăng giá trị, khả năng tiêu thụ nông sản, vừa tăng thu nhập cho nông dân, đưa sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, tránh tái nghèo.

Tùng Lâm

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/tien-phuoc-vuot-kho-giam-ngheo-1096749.html