Tiến sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Để hàng Việt có chỗ đứng tại thị trường Nhật Bản nói chung, trở thành nhà cung ứng chính thức cho AEON nói riêng, đòi hỏi sản phẩm phải đạt được các tiêu chí về chất lượng, giá thành. Bà Nguyễn Thị Mai Anh – Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội (HPA) - đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.

HPA là đơn vị được giao chủ trì phối hợp với Tập đoàn AEON và các doanh nghiệp để đưa hàng hóa Việt Nam vào trong hệ thống siêu thị AEON Nhật Bản, bà có thể chia sẻ rõ hơn về việc này?

Năm 2018, HPA lựa chọn được 6 sản phẩm để đưa vào giới thiệu tại Tuần hàng Việt Nam – Hà Nội 2018 trong hệ thống phân phối của AEON tại Nhật Bản. Doanh số bán thử các sản phẩm này trong tuần hàng là trên 6 tỷ đồng.

Thực tế, việc quảng bá, giới thiệu hàng Việt tại hệ thống phân phối của các tập đoàn lớn nước ngoài ở Việt Nam đã khó, nhưng ở siêu thị nước bản địa còn gian nan hơn.

Khi chương trình mới bắt đầu, doanh nghiệp (DN) rất háo hức, hồ hởi. Chúng tôi nhận được hàng trăm đề nghị, nhưng sau đó, không phải DN nào cũng trụ lại được. Có những DN đã từ bỏ, kể cả DN lớn.

Nguyên nhân, AEON là tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản. Do vậy, thương hiệu, quy chuẩn, yêu cầu của họ là những yếu tố bắt buộc. Sản phẩm tốt, giá cả cạnh tranh thì mới có thể vào được kênh phân phối này. DN bỏ cuộc bởi không đáp ứng được yêu cầu, quy chuẩn từ phía AEON.

Được biết, Tuần hàng Việt Nam – Hà Nội 2019 trong hệ thống phân phối của AEON tại Nhật Bản dự kiến được tổ chức vào tháng 6/2019. Sản phẩm mới tham dự tuần hàng là gì, thưa bà?

Năm nay, HPA và Tập đoàn AEON đã trao đổi và hướng tới sẽ đưa nhiều hơn sản phẩm trái cây, cụ thể là trái mãng cầu xiêm. Chúng tôi đã tiếp cận ngay các vùng sản xuất mãng cầu xiêm khu vực phía Nam để lựa chọn nhà cung ứng.

Về cá tra, đây là mặt hàng tiềm năng rất lớn, Tập đoàn AEON mới chọn được một công ty ở Bến Tre. HPA cũng đã giới thiệu DN lớn của Việt Nam đang sản xuất và xuất khẩu sản phẩm cá tra ở miền Tây Nam bộ và khu vực phía Nam. Tuy nhiên, do sự khác biệt về giá cả, sản xuất và chất lượng nên Tập đoàn AEON cũng đang lựa chọn.

Để vào được thị trường Nhật, đòi hỏi DN Việt phải đạt được các tiêu chí về chất lượng và giá thành. Đổi lại, đây chính là “bệ đỡ” để DN tiến sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Bà có khuyến nghị gì đối với DN?

Thực tế, không đơn giản và không dễ để hàng Việt có thể cạnh tranh tại kênh phân phối của AEON. Tuy nhiên, cần khẳng định, khi đã thành công, sẽ mở cho DN một vùng trời, một cơ hội để vươn tới hoạt động kinh doanh một cách bài bản, chuyên nghiệp. Đưa được hàng vào siêu thị AEON cũng đồng nghĩa với việc vươn ra thế giới.

Thời gian tới, HPA sẽ phối hợp với Tập đoàn AEON tìm kiếm sản phẩm, nhà cung cấp của Việt Nam có thể đáp ứng được tiêu chuẩn, giới thiệu với Tập đoàn AEON. Đồng thời, sẽ tổ chức các chương trình tập huấn để DN hiểu hơn cách tiếp cận hệ thống phân phối nói chung và quy trình hoạt động của Tập đoàn AEON nói riêng.

Bài toán đặt ra là phải lựa chọn được DN đầu đàn, trên cơ sở kết nối được đội ngũ DN đủ mạnh, đủ lớn, đủ tầm để có thể làm việc với các tập đoàn bán lẻ lớn của nước ngoài.

Bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan chức năng thì quyết định thành bại vẫn là từ phía DN. DN phải có khả năng đầu tư, mở rộng quy mô, chất lượng sản phẩm, cũng như đáp ứng được yêu cầu mang tính cộng đồng, trách nhiệm xã hội; phải có khả năng cạnh tranh rất lớn với các mặt hàng của các quốc gia đang bán tại AEON Nhật Bản.

Xin cảm ơn bà!

Trong số gần 3.000 nhà cung cấp cho AEON Việt Nam, chỉ khoảng 200 - 300 DN có khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và kinh nghiệm xuất khẩu để đưa được hàng hóa vào AEON Nhật Bản.

Nguyễn Hạnh - Thu Trang (thực hiện)

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tien-sau-vao-chuoi-cung-ung-toan-cau-119174.html